Nhà thơ Ngô Văn Phú |
Cũng sẽ cánh cửa sắt khép hờ, phía bên trong là chiếc xe đạp cũ dựng ở góc nhà. Ngay lối vào sẽ là chiếc bàn tiếp khách với những ly tách cũ, một ấm trà mạn đã nhạt trong chiếc ấm bé cỏn con như chỉ để cho riêng mình ông nhâm nhi sau những chương tiểu thuyết dày dặn hoặc những bài thơ tình dang dở. Và lần nào cũng thế, bên cạnh chiếc bàn làm việc ngổn ngang những trang sách cũ mới, ông đang ngồi tỉ mẩn cầm chiếc kính lúp soi từng con chữ. Tôi đang nghĩ, nếu như một ngày nhà thơ Ngô Văn Phú không được ngồi vào chiếc ghế đó, ông sẽ thấy mình trở nên vô nghĩa trong cái thế giới sống vốn đã rất bình lặng, yên ả nơi căn nhà trống trải với gió lạnh lùa vào từng cơn sau những đợt chuyển mùa của thời tiết.
Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, Ngô Văn Phú được xem là một nhà văn viết khỏe và đều tay hơn bất kỳ ai đồng niên với ông. Trên mặt báo, ông vẫn đều đặn có những bài viết dài, những truyện ngắn dài tới hai, ba trang báo in. Mỗi năm, ông nhận dịch, viết theo đơn đặt hàng vài ba tập sách, và in thêm đôi tập thơ như là quà tặng cho riêng mình. Ông từ chối những cuộc giao lưu, gặp gỡ. Chỉ có vài người bạn thân thỉnh thoảng đến nhà chơi, đàm luận văn chương cùng dăm ba chén rượu nhạt với lạc rang vào những chiều cuối tuần rảnh rỗi. Thật lạ, thời gian của ông bây giờ là vô tận, nhưng Ngô Văn Phú lại luôn cảm thấy thiếu. Một ngày của ông trôi qua rất nhanh bởi vì ông vẫn đắm chìm vào những trang giấy, các luôn cả những bữa cơm trưa của chính mình.
Nếu bây giờ được chọn một tốp nhà văn có nhiều đầu sách nhất, ắt hẳn có tên Ngô Văn Phú với hơn 225 đầu sách đủ mọi thể loại : văn, thơ, dịch thuật, nghiên cứu phê bình, truyện lịch sử, tuyển chọn, giới thiệu… Con số cố định chắc chắn không dừng lại ở đó, mà còn nhiều hơn nữa. Lẽ dĩ nhiên, ông làm việc không phải để cố công nhận cái “kỷ lục” về số lượng ấy, nhưng nói thế để biết, nhà thơ Ngô Văn Phú là người yêu nghề, trân trọng nghề, và thực sự sống được bằng nghề viết cho đến tận bây giờ, khi ông đã ngót 75 tuổi. Dẫu biết rằng, những đồng tiền ông kiếm được bằng nghề viết cũng chẳng nhiều nhặn gì trong thời buổi thứ gì cũng trượt giá như bây giờ.
Nói đến cơm áo gạo tiền, tôi chợt nhớ về những bữa ăn mà tôi đã được thưởng thức do chính bàn tay ông bày biện. Cũng phải nói thêm rằng, dù đã được ăn nhiều món ngon, nhưng có lẽ, hương vị của những món ăn dân dã do Ngô Văn Phú chế biến luôn ám ảnh trong ký ức tôi. Chẳng hạn như món cá diếc nướng lá gừng. Có lẽ, sự ám ảnh đến một phần bởi tôi được ông kể cho nghe quy trình nấu những món ăn đó. Sáng sớm, ông dắt chiếc xe đạp đi xuống phố mua những con cá diếc tươi còn quẫy cựa. Về nhà, tự tay ông làm sạch cá, ướp gừng sả, rượu trắng, gia vị đầy đủ. Sau đó, ông ra ban công nhà, hái lá gừng già ở khóm gừng sum suê tươi tốt, rửa sạch rồi quấn vào những con cá đã được ướp kỹ. Tất nhiên, kỹ thuật nướng cá trên bếp than hồng mới là một điều đáng lưu ý. Bí quyết của ông khá “đặc trưng”, vì những chiếc kẹp nướng không phải bằng vỉ sắt như ở hàng bún chả chúng ta vẫn thường thấy, mà bằng những chiếc kẹp tre ông mang lên mỗi lần về quê. Cái vị cá thơm nồng cay sống mũi của mùi lá gừng, mùi gia vị, mùi tre… cứ lẫn vào nhau có lẽ đã tạo nên một mùi của ký ức. Và tôi đồ rằng, nếu ông không phải là một nhà văn với hàng trăm cuốn sách, có lẽ ông cũng sẽ trở thành một đầu bếp với những món ăn dân tộc nức tiếng Hà thành.
Kể cũng lạ, do đặc thù nghề nghiệp, nhà thơ Ngô Văn Phú sống xa vợ con và ở một mình trong căn nhà này đã ngót hàng chục năm, vậy mà cái thú nấu nướng tao nhã dù chỉ để phục vụ riêng mình cũng được ông chi chút cẩn trọng. Tôi đang nghĩ, nếu được chọn một trong những cái bếp, tôi sẽ bầu chọn cho cái bếp của nhà thơ Ngô Văn Phú. Những chiếc nồi, bát, đĩa, thìa, đũa… của ông, có lẽ phải nhiều hơn tuổi của tôi. Nhưng tôi cũng hiếm khi thấy một nhà thơ sống “độc thân” lại có một cái bếp… ra bếp như thế. Chiếc nồi nhôm nhỏ dùng để nấu cơm gạo tám vẫn còn nóng hổi, lại thêm một nồi tép kho gừng cháy cạnh dậy lên mùi đồng quê thơm thảo, một đĩa đậu phụ Mơ chần nóng, một bình lạc rang muối để nhâm nhi với cút rượu làng Vân… Tất cả đã gắn với gần cả cuộc đời ông ở chốn Hà thành, trên tầng năm của khu tập thể Giảng Võ.
Căn phòng ở khu tập thể gần đường cái, mà chỉ bước ra khỏi cửa nhà ông, là tôi đã có thể nhìn thấy một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới của xe cộ và dòng người tấp nập lao đi trên đường Kim Mã, nhân vật lịch sử và nhiều khi ông quên những chiếc xe lấp lánh với đủ các mốt thời trang tân thời, dưới hàng cây tưởng như dài bất tận. Nhà thơ Ngô Văn Phú tâm sự rằng, ông rất thích tự đi chợ và nấu cho mình những m&oac
ute;n ăn “hương đồng gió nội” hợp với tuổi già, hợp với khẩu vị. Lúc nấu nướng là lúc tâm hồn ông thư thái nhất. Ông như quên hết mọi ưu phiền, lo lắng, nghĩ suy về những tác phẩm chưa hoàn thành cũng như nỗi ưu tư về cuộc đời, nhân thế.
Tôi hỏi Ngô Văn Phú : “Đọc thơ của ông, tôi thấy hình bóng của một người phụ nữ. Đến nhà ông, tôi thấy hình ảnh người đàn bà ấy hiển hiện trong những bức ký họa của ông treo trên tường. Và… đó là ai?”. Ông cười, một nụ cười buồn gượng gạo cố hữu trên gương mặt : “Chuyện dài lắm, nhưng cũng đã qua rồi, nói lại làm gì thêm buồn”. Không nói lại, nhưng cố gặng hỏi thêm một chút, tôi biết được câu chuyện tình yêu buồn của nhà thơ vốn lặng lẽ này.
Cố nhiên, thi nhân, trong đời ai chả có những bóng hồng cho riêng mình. Nhà thơ Ngô Văn Phú cũng có một người để nhớ, để yêu, để làm nên chuyện tình lãng mạn của mình, để mỗi lúc gần thì vui, lúc vắng xa thì nhớ. Câu chuyện tình yêu ấy khiến cho tâm hồn của người thi sĩ dậy sóng, cho dù đã mấy chục năm qua nhưng nó đã trở thành vết sẹo ký ức. Bây giờ thì người đàn bà của ông cũng đã yên phận ở một chốn xa, chỉ có ông một mình ở lại khắc khoải với những kỷ niệm chẳng bao giờ nguôi quên. Đó là câu chuyện của hai người yêu nhau mà không đến được với nhau, bởi vì cả hai người đều có những ràng buộc riêng, những lý do riêng. Người đi, để lại một khoảng trống vô bờ trong tâm hồn người thi sĩ. Tôi hiểu vì sao hình dáng người đàn bà có mái tóc dài tha thướt, đôi mắt sáng long lanh với giọng nói quyến rũ cứ trở đi trở lại trong thơ ông như một nỗi ám ảnh không dứt. Và nỗi đau chia xa dường như cũng thường trực, để giờ đây, ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, trái tim ông vẫn ngân lên những nhịp đập bất ổn mỗi khi nhớ về người tình trong mộng, và xót xa khi mất đi một nửa trái tim mình :
“Không lúc nào anh không nghĩ về em/ Mơ ước lặng thầm/ Khát khao gần gũi… / Mà dang dở, mà cách xa vời vợi/ Chẳng bao giờ ta được sống bên nhau/ Sớm mai nào, buổi chiều nào/ Nằm ngửa nhớ lời, nằm nghiêng nhớ dáng/ Cái thiếu vắng càng lâu càng ngấm/ Đợi chờ, thương cảm, héo hon/ Đôi mắt em ẩn náu nỗi niềm riêng/ Câu cửa miệng em hẹn chờ kiếp khác/ Anh cũng thế, như người bước hụt/ Nửa sống cho mình, nửa biết sống cho ai?… ” (Hoa trắng tình yêu).
Tôi bỗng hiểu vì sao gần đây, ông thường viết những câu thơ buồn. Có lẽ càng cố quên, ký ức càng dội về trong ông những kỷ niệm. Căn nhà vắng chỉ mình ông đơn chiếc. Những câu chuyện lịch sử, những con chữ Hán tượng hình múa may quay cuồng cũng chỉ cuốn ông đi trong chốc lát. Và những món ăn ngon cũng thảng hoặc mới được sẻ chia cùng một ai đó… Tôi ra về, con phố Kim Mã trước nhà ông chật chội người xe, quán ăn nhộn nhịp, không khí Tết đã ùa về đâu đó trong đất trời, cùng con người. Tôi chạnh lòng thương nhà thơ lui cui bếp lửa…
Nhật Huy
Nguồn : TTVH