Sau 95 năm tồn tại nhọc nhằn nhưng rắn rỏi giữa cuộc đời, "cây gỗ vuông chành chạnh của" đất Nga Sơn đã nằm xuống, nhẹ nhàng và thanh thản, để lại cả một pho chuyện kể, thật nhưng lạ kỳ như huyền thoại, về một lão thi nhân luôn "bận làm người".
Dưới đây là câu chuyện về tác giả Màu tím hoa sim từ những ký ức sống động của anh Nguyễn Hữu Đán – con trai nhà thơ.
Anh Đán chia sẻ, trong 6 anh em trai anh, không ai có được dung mạo đẹp như bố. Bởi vẻ đẹp của ông toát lên từ tính cách, tâm hồn phóng khoáng, thẳng thắn, cao thượng. Ảnh: st. |
Sinh năm 1969, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đán là con trai thứ tám trong số 10 người con của thi nhân. Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng trong trí nhớ của anh, tuổi thơ khốn khó và hình ảnh người cha lầm lụi kiếm gạo nuôi con vẫn là những ám ảnh khôn nguôi.
Anh Đán kể: “Thời đó, nhà nào cũng khổ, nhưng bố mẹ tôi rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo hơn, vì gia đình sống ngoài hợp tác, hầu không có tem phiếu, gạo thịt”. 10 đứa con của vợ chồng thi nhân lần hồi lớn lên bằng những chuyến xe kĩu kịt đá của bố và những mớ bánh chui nhủi của mẹ – bà Phạm Thị Nhu. Chính sách hồi đó cấm nghiêm ngặt việc chế biến, buôn bán, giết mổ. Để có mỡ làm bánh, gia đình nhà thơ từng phải nuôi chui một con lợn trong chuồng kín. Lúc giết thịt, để ngăn tiếng kêu của con vật, ông phải trộn tro và ớt đổ cho lợn bị sặc, rồi cho vào bao tải, ngâm xuống ao cho đến lúc chết hẳn rồi mới giết. Làm ra mớ bánh, gánh bún là bao nhiêu nhọc nhằn, lam lũ của hai vợ chồng nhưng không phải lúc nào gánh quà của bà Nhu cũng đông buổi chợ.
“Những hôm phòng thuế bắt chợ, cũng như người ta, gánh bún của mẹ tôi bị hắt xuống hào. Thương con, xót của, mẹ tôi lội xuống, bốc về. Bố tôi đãi nước cho hết cát để cả nhà ăn trừ bữa. Nhà đông miệng ăn, gạo thường phải trộn thêm rau, nấu thành cháo, ưu tiên chia phần theo thứ tự từ đứa bé đến đứa lớn. Nhà tôi giờ vẫn còn giai thoại về những người anh húp cháo nóng rất nhanh”, kể đến đây, anh Đán miệng cười, nhưng mũi ửng đỏ, đôi mắt, sau cặp kính trắng, dường như không dám chớp mi. Người đối diện, chỉ còn cách cũng vờ nhìn quanh quất, để giúp anh ngăn dòng nước mắt, bước qua một trong muôn vàn đoạn ký ức khó nhọc chưa chịu phai mờ.
10 đứa con đã lần lượt lớn lên, tưởng như trời sinh voi, hẳn phải sinh cỏ. Nhưng theo anh Đán, anh chị em anh đã thành người bởi họ có một người cha kiên cường và một người mẹ biết chắt chiu, tần tảo. Thi sĩ Nga Sơn, ban ngày mòn vai, chai chân thồ đá, ban đêm còn vác te vó, xiếc tép nuôi con. Đất nhiều, vườn rộng, ông chịu khó trồng rau, trồng sắn, để tháng ba ngày tám, phòng lúc đói có sẵn cái để đào lên cho các con ăn.
Vợ chồng nhà thơ Hữu Loan. Ảnh: st. |
Ngoài sự thiếu thốn, cực nhọc về vật chất, nhà thơ Hữu Loan, theo con trai ông, còn phải chịu đựng nỗi khổ về tinh thần, trước sự nhiếc móc của họ hàng vì cách sống thẳng thắn và khẳng khái của ông. Tuy vậy, anh Đán khẳng định, 10 anh em anh chưa từng trách móc, hờn giận bố về lựa chọn của ông. Ngược lại, họ tự hào vì trong mỗi đứa con, dù ít dù nhiều đều thừa hưởng sự tài hoa và tính cách trung thực, thẳng thắn để trưởng thành.
Nghèo khổ, vất vả nhưng con cái của nhà thơ Hữu Loan đều có tư chất và năng lực. Sự đỗ đạt của những đứa con là niềm hạnh phúc của mọi bậc cha mẹ, nhưng với riêng nhà thơ Hữu Loan, mỗi lần con đỗ đạt là một lần ông nhọc lòng, day dứt. Khi con trai cả của nhà thơ – anh Nguyễn Hữu Cương – đủ điểm đi học ở Liên Xô nhưng không nhận được giấy báo, nhà thơ đành bất lực để con bỏ dở đường học hành, đi làm thợ. Đứa con gái thứ hai đỗ Sư phạm, cũng không nhận được giấy báo. Lần này, thương con, ông quyết tìm ra ngọn ngành. Nhà thơ lên Ty giáo dục huyện, huyện bảo xuống xã. Về xã, xã bảo lên huyện. Năm lần bảy lượt như thế. Cuối cùng ông xông thẳng vào Ty giáo dục huyện tìm bằng được giấy báo cho con. Nay con gái thứ hai của nhà thơ là giáo viên dạy học ở quê.
Trong số 10 người con của Hữu Loan, anh Nguyễn Hữu Đán là người thành đạt nhất. Tốt nghiệp PTTH, anh ở nhà mở xưởng cơ khí đỡ đần bố mẹ và các anh em. Sau 5 năm làm thợ, anh ôn thi và đỗ vào trường kiến trúc. Bây giờ, anh đã có cả một cơ ngơi và là chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt.
Khi đã có điều kiện, anh muốn làm mua sắm mọi thứ, để bù đắp cho cả cuộc đời thiếu thốn của bố mẹ. Nhưng những con người đã quen dành dụm, chắt chiu, đã quen khổ cực dường như vẫn không muốn thay đổi nếp sống của mình. “Bố tôi vẫn vậy, ăn uống rất thanh cảnh. Ông hầu như không ăn thịt, chỉ ăn ít cá và rất thích rau, dưa, hay chuối xanh chấm mắm tôm. Mẹ tôi đến giờ vẫn cặm cụi giữ từng chiếc đũa sờn, vá từng chiếc thúng rách”, anh Đán kể.
Anh Nguyễn Hữu Đán trong một chuyến công tác ở Campuchia. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Theo đuổi công tác bảo tồn di sản, anh Đán ý thức rất rõ, nhiệm vụ lớn nhất của anh là bảo tồn di sản của bố mình. Hiện tại, anh đã sưu tầm được một số bản thảo, gồm câu đối, thơ, trường ca và thơ dịch. Anh dự định xuất bản một tuyển tập, viết hồi ký về bố và xây một nhà lưu niệm nhỏ về nhà thơ tại chính nơi ông đã gắn bó gần như cả cuộc đời mình.
Trở lại với cái chết của nhà thơ, anh Nguyễn Hữu Đán cho biết, thi nhân ra đi rất thanh thản. Trước đó vài hôm, ông còn âu yếm đùa vui với người vợ hồn hậu. "Vài ngày trước khi mất, bố gọi mẹ vào ngồi cạnh giường. Mẹ tôi lóng ngóng ngồi cả vào chân bố bị khuất dưới lớp chăn. Ông trìu mến càu nhàu: ‘Sao đã sống với tôi cả 50 – 60 năm mà bà còn đè cả vào chân tôi thế này". Khi mẹ tôi hỏi: ‘Ông có thương tôi không?’, bố tôi trả lời: ‘Tôi không thương bà thì thương ai’", anh Đán kể.
Nhà thơ Hữu Loan gọi mình là “cây gỗ vuông chành chạnh”. Nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi Hữu Loan là “Ông Từ Thức Nga Sơn”. Còn với các con của nhà thơ, ông trước hết và trên tất cả, là người chồng, người cha, đã để lại cho vợ cùng 10 người con, 37 đứa cháu không chỉ di sản thơ ca mà cả một nhân cách sống.
Theo Lưu Hà – eVan