Nhà thơ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết. 

Những ai từng có dịp gặp gỡ, trò chuyện với nhà thơ Đông Hồ (tên thật là Lâm Tấn Phác, 1906 – 1969) đều ca ngợi sự mềm mỏng, lịch thiệp trong giao tiếp của ông. Tuy nhiên, phải là người thật thân mới thấy ở ông, ngoài sự tao nhã dễ thấy còn có một sự cứng vững trong xử sự (khi cần) và một sự năng động, thực tế trong cuộc sống. 

Nhà văn Thiếu Sơn, một người từng có thời gian quen biết Đông Hồ tới trên 40 năm đã kể rằng, có lần, hồi Đông Hồ mở lớp dạy Quốc văn ở Hà Tiên, sau một lần bị Giáo sư Phạm Thiều – bấy giờ làm thanh tra tiểu học – đến thanh tra lớp học và có ý kiến phê bình gì đó, ông liền làm đơn từ chức. Khi được hỏi lý do tại sao, ông chỉ buông gọn một câu bằng tiếng Pháp, đại thể Phạm Thiều là một người bạn tốt nhưng là một ông sếp tồi.

Cũng theo lời kể của nhà văn Thiếu Sơn thì Đông Hồ tuy là một thi sĩ hay viết về mây nước gió trăng với những mơ màng đồng nội nhưng trong cuộc sống ông lại có đầu óc rất thực tế. Đương đi chơi cùng chúng bạn, bất thần ông có thể dừng lại ở một cửa hàng cửa hiệu nào đó, hỏi giá hết món này tới món khác rồi bàn với bạn: "Có nhiều món, mua về Hà Tiên bán có lời".

Trong thời kỳ kháng Pháp, Đông Hồ lặn lội từ Hà Tiên về Sài Gòn sống. Những ngày này, cuộc sống của ông rất khó khăn. Có bữa được người ta chiêu đãi, ông chỉ dám ăn lửng bụng, sợ chủ nhân tốn kém. Ấy vậy nhưng khi một người học trò của ông làm chủ nhiệm tờ Ánh sáng, tờ báo có lập trường theo thực dân, mời ông cộng tác, ông chối từ không viết bài.

Học giả Nguyễn Hiến Lê, một người bạn lâu năm của nhà thơ Đông Hồ cũng viết rằng, Đông Hồ là người chân thành, khí khái, biết mình biết người. Một lần, nghe người ta đồn Nguyễn Hiến Lê được mời dạy học Văn khoa Sài Gòn (thời kỳ trước giải phóng), ông đã hớt hải từ trường Gia Định tới trường Kỳ Đồng để khuyên ngăn Nguyễn Hiến Lê đừng nhận việc vì mất thì giờ lắm "Thì giờ của bác quý hơn thì giờ của tôi". Nguyễn Hiến Lê đã đồng tình với ý kiến này và nhận Đông Hồ là người tri kỷ.

Trong hành xử với bạn bè, Đông Hồ luôn chu đáo. Mỗi lần đến thăm Nguyễn Hiến Lê, ông đều tới thắp nhang ở bàn thờ cha mẹ bạn rồi mới ngồi xuống trò chuyện.

Đọc các bài viết của Nguyễn Hiến Lê, thấy bài nào tâm đắc ông đều gửi thư bày tỏ cảm tưởng hoặc có ý kiến nhận xét, trao đổi. Có những bức thư gửi Nguyễn Hiến Lê – như bức ông bày tỏ sự sám hối với bá phụ ông – ông viết tới mươi trang và dùng 5 loại giấy có màu khác nhau.

Là người rất biết phục thiện, nhà thơ Đông Hồ hiếm khi có cách xử sự theo kiểu "ăn miếng trả miếng" đối với những người từng có bài viết phê phán mình. Nhà văn Thiếu Sơn kể rằng, trong một bài viết tranh luận lại ý kiến của Đông Hồ trong bài "Nghĩ về những tiếng danh xưng", Thiếu Sơn đã có những lời lẽ nặng nề: "Ông Đông Hồ tự nhận là nhà "thơ vườn", vậy sao ông không chịu chơi thơ ở trong vườn riêng của ông? Sao ông còn công bố thơ của ông trên mặt báo và trong những tác phẩm đã ấn hành? Ông ỷ ông đã có đôi chút tên tuổi và địa vị trong làng văn và ông nói lẫy để mà chơi". Sau bài viết này, Đông Hồ không hề tỏ ý cáu giận với Thiếu Sơn. Ông hiểu tác giả viết vậy nhưng không có ác ý với ông.

Nhà thơ Đông Hồ qua đời ngày 25/3/1969. Phút xa lìa cõi thế của ông thật lãng mạn: Trên giảng đường Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, khi ông đang ngâm bài thơ "Trưng nữ vương" của nữ thi sĩ Ngân Giang, đúng đến câu: "Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi" thì đứt mạch máu não, té xỉu trong tay sinh viên. Ông được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê và đến tối hôm ấy thì tắt thở. Nhớ lại lúc khâm liệm Đông Hồ, học giả Nguyễn Hiến Lê kể rằng, nét mặt người quá cố vẫn hồng hào và tươi. Cũng theo nhận xét của Nguyễn Hiến Lê thì "cái chết của ông thật đẹp" .

Theo Đỗ Hân (CAND.COM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *