Thưở má tôi còn sống, chúng tôi có một căn nhà nhỏ, vách ván, cửa gỗ, mái ngói. Nhà chỉ có một gian, có vách ngăn đôi, phía trước kê một bộ ván, một bộ bàn ghế và một tủ thờ, phía sau là buồng ngủ. Bếp là một cái chái nhỏ kê mấy ông đầu rau và một cái sóng chén cạnh một cái lu sành bự đựng nước mưa. Cách nhà mươi bước là một cái giếng, mọi việc rửa ráy tắm giặt đều trên một phiến đá rộng lát ở cạnh giếng. Không có cầu tiêu. Hồi nhỏ, tôi thường tè ngay bụi chuối cạnh lu nước, và ị ngay bên hè, vừa ị xong là con chó phèn đớp sạch. Người lớn tiêu tiểu ở đâu, tôi không biết.
Nhà mới xây khi má tôi lấy chồng và hầu hết đồ đạc được sắm lúc đó. Tủ thờ chỉ có một tranh vẽ Phật Thích ca chứ không thờ ông bà vì hai bên nội ngoại đều còn mạnh giỏi. Hai bên vách treo mấy tranh giấy vẽ sự tích trầu cau và Trương Chi – Mỵ Nương, kiểu tranh dân gian, khổ dài, mỗi sự tích được miêu tả trên ba hay bốn tấm, giống như bộ tranh tứ quí, màu sắc tươi tắn, nét vẽ chơn chất, dưới mỗi tranh có chữ miêu tả câu chuyện. Đó là những câu chuyện đầu tiên tôi đọc khi bắt đầu học đánh vần. Đọc bằng mánh, vì các sự tích tôi đã thuộc lòng từ hồi nảo hồi nào, nên khi lõm bõm đánh vần, tôi cứ “đọc” chữ theo trí nhớ câu chuyện được nghe kể hàng trăm lần.
Tôi nhớ, nhà má tôi lúc nào cũng sáng, cửa sổ cửa cái đều mở rộng. Sáng nào tôi cũng nằm trên bộ ván giỡn nắng một hồi sau khi thức giấc. Và lắng nghe âm thanh quanh mình. Tôi nhớ rõ nhứt là tiếng rè rè rè như cảnh báo, rồi mới tới tiếng kính coong kính coòng điểm giờ của cái đồng hồ giống y hệt cái nhà của một bầy nhen đu tòn ten trên mấy con lắc. Ba tôi kể, tôi biết đếm sớm lắm, gần như biết nói là biết đếm, cứ nghe đồng hồ đổ là tôi đếm theo. Tiếng heo ủn ỉn đòi ăn tôi cũng nhớ rất rõ. Tiếng gà gáy thì văng vẳng mơ hồ, vì là gà trong xóm chứ không phải gà nhà nuôi. Má tôi chỉ nuôi heo, nhưng không xây chuồng, heo chạy rông trong vườn như con chó, tối về ngủ trong bếp hay dưới gầm ván, tôi không rõ lắm. Nhà có một con dao xắt chuối dài, mỏng te, và bén ngót. Ngày ngày, má tôi đốn một cây chuối trong vườn, xắt thân chuối thành từng khoanh mỏng rồi đem giã nhuyễn, trộn với cám cho heo ăn. Cái cối và cái chày giã chuối bằng gỗ đặt ở hàng hiên, cạnh cái ghế đẩu thâm thấp má tôi ngồi khi kê thân chuối lên một cái chân ngựa để xắt. Cái chân ngựa này bằng gỗ, thấp và dài, vừa đủ cho một thân chuối hột nằm ngay ngắn, không lăn không nhỏng.
Má cũng làm bánh ướt, bánh tráng để bán. Nên dưới chái bếp có một cái cối xay gạo bằng đá xanh, cần xay bằng gỗ, cao lắm, tôi không sao vói tới. Tiếng cối đá nghiến gạo và tiếng cần xay gỗ kêu kèn kẹt cũng là âm thanh tôi nhớ nhiều, nó thay tiếng ru tôi ngủ giấc trưa trên cái võng mây giăng bên cạnh. Hôm nào tráng bánh, má dậy sớm. Khi tôi dậy thì đã có hàng chục liếp bánh đang phơi trước sân. Những cái bánh tráng tròn mỏng và ướt chưa nổi bật trên nền liếp tre đan chìm nổi như khi chúng khô. Phải canh nắng canh mưa, nắng quá bánh khô nhanh, quá dòn dễ bể, mưa thì phải ngưng làm bánh, hoặc lỡ làm thì kể như bánh ướt, để dành ăn, hay đem về nhà ngoại nhờ mấy cậu, dì ăn dùm.
Khi tôi đủ lớn để chạy lăng quăng thì được giao nhiệm vụ đuổi heo và chó không cho chúng lại gần chỗ phơi bánh tráng. Má không nuôi gà cũng vì lý do bảo vệ mấy liếp bánh tráng đó. Gà cực kỳ khoái mổ bánh tráng ướt. Mà gà thời tiền-cúm-gà lanh chanh lóc chóc lắm, lơi mắt một cái là chúng lẻn ra sau liếp mổ qua kẽ đan. Khổ nhứt là mình không được khiến lũ gà hoảng sợ, kẻo chúng bay chạy tán loạn làm ngã nghiêng hết mấy liếp bánh đang phơi. Con chó phèn dễ dạy hơn, và chính con chó ý thức bảo vệ liếp phơi bánh rất tốt (nó chẳng thể nào ăn được bánh tráng đang phơi) nên nó canh phòng con heo kỹ lắm. Đôi khi tôi chính là đứa ăn hỗn, táy máy gỡ bánh đang phơi ăn vụng. Tôi bị rầy hoài, nhưng chắc ít người biết cái hạnh phúc được ăn cái bánh tráng tươi phơi mới heo héo, nó dai dai mềm mềm, thơm thơm mùi bột gạo mới chín, ấm ấm mùi nắng còn đọng trong sắc trắng trắng trong trong, và vị bánh măn mẳn, ngon một cách lạ kỳ.
Một trong những món ngon tuổi thơ nữa là bánh ướt chấm nước cá kho. Hễ sáng nào ngủ dậy, nằm lăn trên ván một hồi nghe ra tiếng tách tách khe khẽ của bánh tráng đang phơi nhả liếp khi khô, tôi biết hôm đó má tráng bánh, và tôi tuột ngay xuống ván chạy xuống bếp. Đôi khi, bánh vít ra khỏi mặt vải căng trên nồi nước không được toàn vẹn, má không trải nó lên mặt liếp để phơi, mà xếp lên mặt lá chuối để dành ăn như bánh ướt. Mãi sau này lên Sài Gòn, tôi mới thấy người ta ăn bánh ướt với tôm khô chả lụa (sao mà sang!), chứ hồi nhỏ, bánh ướt chấm nước cá kho đã là món điểm tâm ngon tuyệt trần đời.
Kỷ niệm tuổi thơ khiến tôi miên man lạc đề qua cái ăn rồi! Tôi trở về với ngôi nhà má tôi.
Nhiều năm nay, tôi đã cố gắng nhớ lại hết từng chi tiết của ngôi nhà má với tham vọng dựng lại cho mình một ngôi nhà tương tự. Tôi nhớ rất kỹ, rà từng cây cột, góc nhà mà tuổi thơ tôi đã để lại dấu vết. Sau khi má tôi qua đời, cái bàn thờ giữa nhà trở thành bàn thờ má. Những tấm liễn và vòng hoa tang được treo lên vách, đè lên mấy tấm tranh sự tích trầu cau. Cửa sổ không người mở ra mỗi ngày, cửa cái cũng thường đóng, tôi về nhà ngoại ở, chiều chiều theo bà ngoại về nhà má, vào nhà bằng cửa sau, thắp nhang bàn thờ, quét dọn bụi bặm. Tôi mới bảy tuổi rưỡi lúc đó. Trong bóng mờ mờ âm u của ngôi nhà quạnh vắng lạnh lẽo, tôi sợ lắm, đeo cứng chân bà ngoại. Ngoại buồn bã thở dài nói : “Nhà má con mà! Tại không có người ở nên nhà buồn. Mai mốt con lớn lên, con lại về ở cho nhà vui.” Tôi hỏi : “Cái nhà cũng biết vui biết buồn hả ngoại?” Ngoại nói : “Nó biết nhớ biết thương nữa.”
Đồ đạc trong nhà quả là có vẻ buồn hiu từ khi tôi không còn thức dậy trên bộ ván, trèo lên ghế, chồm lên bàn, hay đu lên võng. Bếp lò tắt ngấm đã đành, còn thêm ẩm ướt như khóc nhè. Cối đá xay bột, cối gỗ giã chuối được nằm không nghỉ ngơi, vậy mà chúng không thích. Chẳng biết cách nào mà cối gỗ bị nứt một đường, cối đá thì bị mẻ một miếng. Bà ngoại nói tại đồ đạc nhớ chủ. Năm tháng qua, ông ngoại tôi cho dỡ nhà ra, vì nhà không người ở mối mọt xông, âm khí tụ. Số phận của đồ đạc ra sao, tôi không biết được.
Dù tôi không còn ở nhà má nhiều năm trước khi nó bị dỡ ra, tôi vẫn dại người đi khi ngôi nhà má biến mất, như thể một mảng quan trọng nhứt trong ký ức con người tôi đột ngột bị xoá sạch. Phải mấy chục năm sau, tôi mới phục hồi lại từ từ màu sắc của nắng rọi qua cửa sổ, âm thanh của bánh tráng khô bong khỏi liếp tre. Nhưng đến bây giờ, tôi vẫn chưa dựng lại được ngôi nhà má. Khả năng phục hồi lại những vật chất từng có của ngôi nhà là khả thi, nhưng làm sao, làm sao cho một ngôi nhà biết buồn biết vui biết thương nhớ… khi má không còn?
Lý Lan – Nhà đẹp