Năm 2008, một năm có nhiều sự kiện đến với anh và còn nhiều dự định dành cho nghệ thuật anh đang ấp ủ ở phía trước. Trong con người bận rộn ấy hình như đang có một nỗi sợ về thời gian. Chỉ đôi khi nhìn anh nói, cười mới thật sự thấy cái chất nghệ sĩ của Nguyễn Quang Thiều hiện lên rõ nhất.
![]() |
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều |
Khá lâu rồi tôi mới gặp lại Nguyễn Quang Thiều trong cái dáng bụi bụi phong trần quen thuộc, nhưng có một điều khác là thấy anh nói nhiều hơn, cười nhiều hơn và làm cho người đối diện có cảm giác anh không vội vã, bận bịu… Tôi bảo trông anh hơi khác làm anh ngạc nhiên vì không thể nhận ra sự khác đó. Một cái gì đó thấp thoáng tò mò trên gương mặt anh, tôi cười và bảo ngày trước anh hay mang một cái túi, còn giờ thì không. Đến lúc này thì anh cười, thú nhận đúng, vì hồi trước làm ở báo Văn nghệ, một tuần phải lên toà soạn lấy bản thảo mang về đọc nên cần túi, còn giờ thì toàn làm việc trên máy tính nên không cần nữa. Công việc mới ở toà báo điện tử đã khiến anh trở thành con người bận rộn. Anh từng nói với tôi rất sợ họp cơ quan, nếu cộng gộp thời gian họp của anh có thể viết đủ cuốn tiểu thuyết, mà chính xác hơn phải là trường thiên tiểu thuyết. Công việc anh đang làm một tuần có thể phải họp 7 lần, chưa kể các cuộc họp đột xuất. Hình như đó là sự bù trừ hai khoảng thời gian ở hai cơ quan mà anh đã và đang làm.
Năm 2008 là một năm nhiều biến động đối với Nguyễn Quang Thiều trong cả cuộc sống cũng như nghệ thuật. Đó là sự ra đi mãi mãi của người cha giàu lòng yêu thương và sự kính trọng. Ông đã về bên kia thế giới, nhẹ lòng và đầy thanh thản như sự gửi gắm sâu xa cho những người đang sống. Rồi đến người mẹ của anh… Năm mà Hà Tây sáp nhập về với Hà Nội, để làng Chùa quê anh cũng bị xoá tên trong hai chữ Hà Tây thân thương. Vẫn biết điều ấy sẽ xảy ra, sẽ đến, vậy mà khi thời khắc chuyển giao ấy đến, anh vẫn không khỏi ngỡ ngàng, xót xa, tiếc nuối và hoài vọng "Có người nông dân sáng nay bỗng trở thành người thủ đô". Anh thường nhận mình là một người "nông dân" được sinh ra ở một làng quê giản dị, nghèo nàn nhưng ấm áp tình làng xóm như tất cả những con người bình thường của cái đất nước chiếm đa số người làm nông nghiệp chứ không phải xưng danh trong vai trò hay vị trí "nhà" nào. Có lẽ đó là lý do mà cho dù bận bịu, anh vẫn dành thời gian cuối tuần về quê, tách khỏi cái ồn ã, bận rộn của công việc, xa cái đô thị như một chiếc áo có nhiều mảng vá để lấy lại thăng bằng và cảm xúc.
Những tưởng ngần ấy thứ đến với anh, nhiều người nghĩ rằng anh cần một khoảng thời gian để lắng lại. Nhưng không, hình như với Nguyễn Quang Thiều, càng có nhiều biến cố, càng có nhiều bận rộn thì anh càng tìm đến con chữ để giãi bày. Anh gác lại, lánh đi trong cái danh của nhà biên kịch, hoạ sĩ để viết báo và văn chương. Đã có không ít những bài báo ghi dưới dạng "Bức thư của đứa con những người nông dân" được anh viết ra bởi cái nhìn chân thực. Nhiều người đọc xong không khỏi giật mình trước những con số thống kê, trước những hiện thực đã và đang diễn ra ở nông thôn bao nhiêu năm nay. Có lần tôi nói vui về cái sự viết "khoẻ" của anh là vì nhiều nhà văn viết từ hồi 15 tuổi, trong khi 10 năm sau, tức 25 tuổi, khi anh học xong đại học ngành công an thì anh mới viết văn. Vì thế anh phải viết nhiều để bù, để kịp cho 10 năm ấy.
Điều gì thôi thúc anh viết như vậy? Đó là phải hiểu họ. Nguyễn Quang Thiều chỉ viết về những người mà anh hiểu. Những người đó có thể anh gặp hàng tuần và cũng có người anh gặp một lần. Họ đi qua anh như một ngọn gió thổi qua vòm cây và để lại những xao động, kể cả những xao động mơ hồ nhất. Nghe thì dường như có vẻ vô lý vì cái "xao động mơ hồ" ấy cũng đủ để anh hiểu họ, có thể thủ thỉ, tâm tình và sẻ chia với họ ở một cõi tĩnh lặng vô bến bờ ngăn cách trên bản thảo kín chữ.
Nguyễn Quang Thiều đi nhiều, gặp gỡ nhiều, biết nhiều… đó là điều hiển nhiên. Và nhiều người nghĩ đó là một trong những lý do mà anh thuận lợi viết chân dung. Vậy mà có đôi khi sự lãng đãng mơ mộng của chính mình làm anh thảng thốt. Anh bảo mình đã in bảy cuốn sách, mỗi cuốn là một nghìn bản, chưa bao giờ bán mà chỉ kí tặng và hiện tại nhà cũng không còn. Nhiều khi anh tự hỏi có thật là mình đã quen biết những một nghìn người không? Anh không thể nhớ nổi nữa và nghi ngờ chính mình. Có thể sự nghi ngờ ấy để anh nhớ đến một khuôn mặt cũ – mới, lạ – quen của ai đó chăng, hay để kiểm chứng trong số họ ai đã để lại xao động trong lòng mình?
Không phải chỉ những bài chân dung, bất kể đó là báo chí hay tác phẩm thơ của mình, anh viết ra cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau, có người thích, người không, có người khóc, người cười nhạt rồi quay đi… Nhưng tất cả điều đó bây giờ không còn quan trọng với anh nữa. Bởi khi anh cầm bút viết về họ, anh không nghĩ đến dư luận, không hề nghĩ đến được – mất. Bởi anh hiểu rằng hạnh phúc nhất của anh giờ đây là còn được viết, còn được chia sẻ những gì mình viết. Khi con người ta không bận tâm đến khen – chê nữa, nghĩa là họ đã hiểu rõ về mình và
; sống trung thực với chính mình. Tôi tin, nếu ai đó viết chân dung anh thật khác đi thì anh sẽ lặng lẽ đọc cho đến hết mà nét mặt vẫn độ lượng, bình thản như khi bắt đầu cầm trên tay bài viết đó và rồi cũng không một ai đoán biết được anh đang nghĩ gì. Nhưng chắc chắn là anh sẽ đọc, bởi đó là cơ hội mà anh biết đến một chân dung khác, một con người khác đang tồn tại trong chính mình.
Song Nguyễn – Theo toquoc.gov.vn