Một ngày áp Tết Bính Tuất 2008, được tin nhà văn Nguyễn Khải mất, từ “Nhà số 4” – Hà Nội, tôi tức tốc bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, thay mặt các nhà văn quân đội và anh chị em cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội kính viếng và tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Không hiểu sao, lúc ngồi trên máy bay, tôi cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh cái “cõi nhân gian bé tí” của nhà văn Nguyễn Khải, giống hệt như năm nào "theo tác giả Quê mẹ về quê mẹ" trên con đường thiên lý dằng dặc dài cứ miên man nghĩ về một “cõi không” của nhà thơ Thanh Tịnh :

Tìm dấu hôm xưa giữa cánh đồng
Bên mình chỉ nhận lúa đầy bông
Tơ trời vơ vấn vươn mình uốn
Đến nối duyên mình với… cõi không.

Thì ra, các ông – những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam những năm nửa sau thế kỷ XX, những người không chỉ là thành viên sáng lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, mà bằng tác phẩm của mình đã góp phần to lớn làm nên một đội ngũ nhà văn, một địa chỉ văn học – đã lần lượt theo nhau từ cõi nhân gian bé tí về với cõi không, cõi vô cùng. Còn tôi, tôi đang đi tìm cái “dấu hôm xưa” của họ.

Tôi là kẻ hậu sinh, về Văn nghệ Quân đội muộn, không dám nhận là học trò của các ông.

Những điều tôi học được từ các bậc trưởng lão lại không phải chữ nghĩa văn chương, mà là những chuyện đời, những “chuyện thường ngày ở Nhà số 4”

Tôi nhớ là khi mới sắp được chuyển công tác về tạp chí, có người đã nói với tôi : Cậu về đấy làm chân “điếu tráp” cho mấy cây đa cây đề à? Đến như Đỗ Chu, khi đã có Hương cỏ mật, Thung lũng cò… rồi, đến đấy chơi thôi mà còn phải đi nhặt bóng bàn, đun nước, pha trà hầu các cụ ấy, nữa là cậu! Tôi về đây, hoá ra không phải vậy. Bác Khải, bác Châu, bác Thiều… đều là dân thuốc lào xe đạp, mà bác Khải xe đạp nón lá đến tận mãi sau này, lúc đã là đại biểu Quốc hội, là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn.Thấy tôi có vẻ e dè xa cách, nhà văn Hồ Phương động viên : “Hồi trước, bọn này cũng lớ xớ, viết lách nhì nhằng”, còn Nguyễn Khải thì bảo : “Mình về đây, lúc đầu làm cái chân bóc thư vào sổ bài, truyện ngắn đầu tay viết về một nữ anh hùng bây giờ đọc còn thấy ngượng, nhưng quân đội là nhất… ”

Về sau, khi đã chuyển ra công tác bên Hội Nhà văn, đã đưa gia đình vào định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Khải vẫn lấy địa chỉ “Nhà số 4” là chỗ đi về thăm hỏi các bậc huynh trưởng, các bạn văn thời tạo dựng “cơ đồ”, hàn huyên trao đổi về nghề văn, nghề báo với cánh trẻ.

Ông là nhà văn lớn, ông cũng là nhà báo tài ba – một nhà báo thực sự. Tôi nói vậy bởi nhớ hồi chúng tôi ra tờ Phụ san Văn nghệ Quân đội những năm 1998 – 2001, ông đã “sắn tay” cùng làm, lo cái lo của dân văn quen làm tạp chí nay bước sang làm báo, vui cái vui của tờ báo mỗi khi có bài hay, số lượng phát hành tăng lên… Ông nói tờ Phụ san khi đó là “báo mình”. Trong một lá thư gửi từ Sài Gòn ra, ông không giấu được niềm vui : “Ấn phẩm mới của Văn nghệ Quân đội bắt đầu có nhiều người đọc, nhiều người khen và đã có ý chờ đọc các số mới… Tươi tắn, lạ và vui, theo tôi thì báo mình đã có cái riêng rồi đó.”

Nguyễn Khải động viên, góp ý với chúng tôi bằng thư, bằng điện thoại, bằng cả những bài báo. Có lẽ còn rất nhiều người nhớ loạt bài ký tên Lão Bộc trên tờ báo Văn nghệ Quân đội hồi ấy. Là nhà văn Nguyễn Khải đấy!

Lão Bộc kể chuyện Ngày xưa làm báo rất vui, nói về báo chí và nhà báo… Chúng tôi nghĩ, đó không chỉ là những bài báo có giá trị, mà còn là những bài nhập môn cho chúng tôi – những nhà văn đang làm báo. Lão Bộc viết Chuyện cũ nói lại mà không hề… cũ, kể chuyện Cà kê (1,2,3,4,5… ) mà đầy chính kiến, không chút bông phèng. Tôi rất tâm đắc với một câu ông viết trong bài Ước gì tôi được trẻ lại. Ông viết : “Thấy nhiều bạn trẻ mới tý tuổi đầu đã làm ra vẻ sầu não hoặc tự giam mình trong cảnh tuyệt vọng muốn điên cái đầu. Có tuổi trẻ là có tất cả. Nó có thể sửa chữa mọi lầm lỗi, hàn gắn mọi vết thương và cho phép làm lại, bắt đầu lại một đôi lần. Giàu có đến thế, quyền lực đến thế, không chịu dùng cho hết, lại ngồi chờ đợi,
than vãn có phải là rất… ngu không?”.
Tôi đã bị bất ngờ khi lần đầu đọc câu này, rồi từ bất ngờ chuyển sang thán phục. Tôi nói, không có lòng tin yêu lớp trẻ, không có sự từng trải không thể viết được những dòng như thế!

Loạt bài của Lão Bộc bấy giờ đã kéo được nhiều bạn đọc, bạn viết đến với tờ báo của chúng tôi. Thư về toà soạn, thư nhờ chuyển cho Lão Bộc lũ lượt bay về. Có cả những người muốn dò la tìm hiểu về Lão Bộc rồi đoán non đoán già Lão Bộc là ai? Mấy bậc trưởng lão Nhà số 4 như Hồ Phương, Xuân Thiều, Mai Ngữ… ngứa ngáy chân tay cũng viết thư trao đổi, tranh luận cùng Lão Bộc. Nhiều bài các cụ ký tên là Ngu Công, Ông Quang Anh, Tê Hoa…

Ai cũng nghĩ một người như Nguyễn Khải đã có những tác phẩm để đời, đã có những giải thưởng văn học lớn như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng ASEAN… thì nghĩ gì đến mấy bài báo, mấy cái truyện ngắn viết hồi mới vào nghề, nhưng rốt cuộc đó là một ý nghĩ sai. Nguyễn Khải không phải là người như vậy!

Áp Tết năm con cọp (1998), ông có thư cho tôi, nhờ tìm hộ cái truyện ngắn có tên Ngày Tết về thăm quê. Ông viết trong thư : “Bình ạ! Không hiểu sao, mỗi lần nhớ về cái năm đã rất xa ấy, tôi lại nhớ truyện ngắn đó. Nó là một truyện ngắn tâm đắc tôi viết về người thật việc thật – Anh hùng quân đội Đặng Đức Song – nhưng kỳ thực là viết về mình với mùi vị, không khí và ánh sáng của cái thời lãng mạn, của những năm tháng còn rất trẻ của tôi”. Tôi đã không khó khăn gì để tìm cho ông truyện ngắn ấy và thưa lại với ông rằng, nó được in trên chính tờ Văn nghệ Quân đội “của ông” số Tết Mậu Tý 1958. Năm đó, ông mới 28 tuổi!

Và năm 2000 – năm mở đầu thiên niên kỷ mới – ông có thư chúc mừng Tạp chí. Trong thư có đoạn nói thêm : “Bài của tôi số Xuân Tân Tỵ (2001) (*) thiếu mất hai câu quan trọng, đoạn cuối. Bài đã không được hay, lại mất đi cái câu khoái nhất, đọc lại cứ buồn mãi”. Hai câu mà Văn nghệ Quân đội đã in thiếu mà Nguyễn Khải nói tới là hai câu : “Chó nhà này xích cả đêm ông ạ, ông cứ đi không ngại”. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên, hỏi…

Trong truyện ngắn có tên Buổi tối ở làng, đoạn văn đó như sau : “Lúc sắp đi ngủ, tôi định bước ra sân tìm lối đi tiểu, chợt nghĩ đến con chó to như con bê con vẫn xích gần gian bếp lại hãi. Chó xích ban ngày, chắc tối phải thả để trông nhà. Ông chủ biết ý, bảo : “Chó nhà này xích cả đêm ông ạ, các ông cứ đi, không ngại". Tôi rất lấy làm ngạc nhiên, hỏi : “Chó xích cả đêm thì trông trộm sao được?”. Bà chủ vừa cười vừa nói : “Trộm nào! Cũng là người trong làng trong xóm cả, không chừng có cả cháu gần cháu xa của mình cũng nên. Đã nghèo lại bị chó táp rồi sống làm sao!” Câu nói bật ra tự nhiên ấy đã làm tôi ứa nước mắt. Lại chợt nghĩ đến mấy ông bạn già đang nghỉ hưu ở thành phố.”

Nguyễn Khải là vậy. Với ông, một bài báo, một lỗi morat, ông cũng không xem là chuyện vặt. Ông luôn biết trân trọng những gì mà mình và anh em đã nhiều lúc phải nghiến răng, gồng mình lên mới có được. Tôi nghĩ, đời Nguyễn Khải cũng là một tác phẩm và bài học quý mà ông để lại cho hôm nay. Và tôi tin, cái “dấu hôm xưa” mà ông và các nhà văn lớp trước ghi vào “cõi nhân gian” mãi còn, người đời sau sẽ còn mất nhiều công tìm kiếm

Thập Tam trại, tháng Giêng 2008
Ngô Vĩnh Bình – VNQĐ

————————

(*) Ở đây, tác giả có sự nhầm lẫn về thời gian (chú thích của BBT Website THVL)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *