Nhà văn Nguyễn Danh Lam là người vừa xuất bản cuốn tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc sau hai cuốn tiểu thuyết đình đám là Bến vô thường và Giữa vòng vây trần gian
* Tập sách đầu tay của Nguyễn Danh Lam là một tập thơ với tựa đơn giản: Tìm. Đến nay, anh được biết đến như một nhà văn tiểu thuyết – dù anh tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Vậy xin hỏi anh đã tìm được gì để “bỏ” nghề mình đã học và “mối tình đầu” là thơ?
– Tôi học mỹ thuật cả chục năm ròng. Làm thơ cũng mười mấy năm. Ngoài chuyện “dầm dề” với nhau qua thời gian, tranh và thơ còn là hai nơi chốn rất tuyệt để lui về ở mai này. Vì thế, tôi có thể khẳng định, mình chẳng bỏ “món” nào cả! Cũng như trong nhà có một chiếc xe đạp, một cái xe máy tùy thời điểm, hoàn cảnh tôi sẽ “quơ” cái nào để chạy. Ðâu phải có cái này là phải bỏ cái kia. Tôi thấy nhiều nhà văn, nhà thơ sau một thời gian cầm bút đã tìm qua cầm cọ. Tôi có sẵn cây cọ ở đó, mai mốt chỉ việc xài lại, cũng tiện lắm chứ!
* Nếu so Giữa dòng chảy lạc với hai tiểu thuyết trước, Nguyễn Danh Lam có bước tiến bộ đáng kể, ít nhất là về câu chữ. Anh có vẻ thuộc típ người viết càng già càng cứng tay?
Nguyễn Danh Lam sinh năm 1972, hiện công tác tại báo Mực tím TP.HCM. Anh đã xuất bản: Tìm (thơ), Bến vô thường, Giữa vòng vây trần gian, Giữa dòng chảy lạc (tiểu thuyết), Mưa tháng Mười Một. Anh được đồng nghiệp đánh giá là một nhà văn trẻ chịu đọc, chịu học và chịu viết trong dòng chảy cơm áo của người trẻ hiện nay. |
– Tôi làm báo, phải tiếp xúc, sử dụng chữ nghĩa mỗi ngày, thêm nữa cũng rất siêng đọc, đến cuốn này tôi cũng tự cảm thấy mình có cứng cáp hơn về mặt ngôn ngữ so với những sáng tác đầu. Thiết nghĩ đây cũng là việc bình thường thôi. Còn về mặt ý tưởng và nhiều yếu tố khác, có lẽ cần phải có một độ lùi nhất định, cũng như nhận xét khách quan từ phía bạn đọc. Tự so sánh “con” mình với nhau, tôi thua!
* Nhưng sự tiến bộ về câu chữ trong Giữa dòng chảy lạc của anh lại chứng minh rằng, Nguyễn Danh Lam là một ngòi bút “khéo nói” thông qua các lời thoại của nhân vật. Phải chăng, con người càng va chạm sẽ càng “khéo léo”?
– Trong trang viết, tôi dùng thoại nhiều. Và tôi nghĩ, về mặt kỹ thuật, thoại là cách chuyển tải câu chuyện khá khách quan đến người đọc, mà tác giả có thể “giấu mình”, so với văn kể, văn nói. Nhưng nếu thoại không khéo, câu chuyện sẽ lan man. Vì thế, sau khi viết một đoạn văn thoại, tôi đã ngồi cắt gọt lại thật kỹ, cố gắng sao cho mỗi ý thật sự quan trọng với mạch tác phẩm. Nếu có thể bỏ mà không “phạm” cái chung tôi sẽ bỏ ngay. Có thể đó là sự “khéo nói” của tôi chăng? Còn ở ngoài đời, tôi là kẻ nổi tiếng nói tầm bậy tầm bạ!
* Các nhân vật trong Giữa dòng chảy lạc đều không tên họ (vô danh), vì tác giả muốn nhân vật của mình vô danh hay văn cảnh trong “xã hội của tiểu thuyết” muốn thế?
– Tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết cũng như truyện ngắn của tôi từ trước đến nay đều vô danh, hoặc nếu “hữu danh” thì cũng chỉ là một “cái gì đó” để gọi vậy, chứ không phải tên! Ngoài tên, họ còn không có cả lai lịch và nhiều thứ thuộc về cá nhân khác nữa. Cái này không do tôi quyết định, mà là do tôi nhìn thấy họ ở trong cuộc đời này và tôi phản ảnh họ vào tác phẩm như vậy.
* Xin cảm ơn!
Theo Thể thao và Văn hóa