Tác phẩm Người chơi đàn Lute.

Ca-ra-va-giơ nói: “Thiên nhiên cung cấp cho con người đủ mọi kiểu mẫu, cả đẹp lẫn xấu. Chỉ cần chúng ta có khả năng diễn đạt nó”. Với quan niệm nghệ thuật như vậy, ông đã trở thành người đi tiên phong cho một xu hướng sáng tác nghệ thuật hướng vào tự nhiên, coi tự nhiên là người thầy vĩ đại nhất của hội họa. Nếu anh em họa sĩ Ca-rát-xơ quan niệm họa sĩ phải được đào tạo trong trường học, theo hệ thống cơ bản thì Ca-ra-va-giơ lại cho rằng tài năng của họa sĩ có thể tự học, tự rèn luyện mà thành. Do đó ông là hiện thân của tinh thần chống đối khuynh hướng kiểu sức và khuynh hướng giảng dạy mang màu sắc kinh viện của anh em Ca-rát-xơ.

 
Tác phẩm Người chơi đàn Lute.

Ca-ra-va-giơ (1573 – 1610) là họa sĩ gốc bình dân, sống xa cách với giới thượng lưu, gần gũi với tầng lớp bình dân, kể cả những người dân du thủ, du thực. Ông tự học hội họa nhưng rất có ý thức về tài năng của mình, tự ví mình sánh ngang với họa sĩ Vê-lát-skê (Tây Ban Nha) và Răm-brăng (Hà Lan). Thời gian dành cho nghệ thuật của họa sĩ tài ba này luôn bị ngắt quãng, hết vào tù rồi lại lẩn trốn. Có lẽ vì lý do đó mà trong các tác phẩm chân dung tự họa của ông bao giờ cũng đeo kiếm.

Nếu xét về mặt nghệ thuật, Ca-ra-va-giơ đã tạo nên một cuộc cách mạng về đề tài và kỹ thuật vẽ tranh. Ông không đi vào khai thác những đề tài quen thuộc đã trở thành truyền thống của các họa sĩ tiền bối. Ông tìm đến và say mê với những mảng đề tài từ trước tới nay bị xa lánh, lãng quên. Đối với ông, những mảng đề tài đó vô cùng gần gũi, thân thương như chính máu thịt và cuộc sống của mình. Đó là những cảnh hàng ngày trên phố mà ông đã quan sát được, sòng bạc, nơi ăn chơi… Trong tranh của ông là những cảnh của cuộc sống thực, cuộc sống bình dân trái ngược hoàn toàn với những bức tranh đầy vẻ quý tộc, sang trọng của Ca-rát-xơ.

Những tác phẩm thời kỳ đầu của ông là tranh sinh hoạt. Tiêu biểu cho sáng tác của ông trong thể loại tranh này là tác phẩm: “Người chơi đàn Lute” sáng tác năm 1596. Nhân vật được diễn tả trong tranh là một thanh niên trông yểu điệu và lãng mạn như một thiếu nữ với những đường cong mềm mại, uyển chuyển từ bàn tay chuyển qua dây đàn. Gương mặt, ánh mắt, nét môi được diễn tả sinh động, gợi vẻ quyến rũ. Ca-ra-va-giơ đã thổi vào tâm hồn chàng trai một nỗi buồn man mác, hình như là một cảm thức mơ hồ về tuổi thanh xuân sớm nở, tối tàn như bình hoa trước mặt. Ông đã vận dụng sự tương phản giữa sáng và tối để thể hiện một thứ ánh sáng mới khác hẳn với ánh sáng trong tranh của các họa sĩ Phục hưng. Đó là ánh sáng Ba-rốc, ánh sáng rọi tập trung vào một số điểm nhất định trong tranh, phần còn lại chìm trong bóng tối.

Ca-ra-va-giơ đã sống một cuộc đời đầy sóng gió và bất hạnh vì ông luôn khát khao vượt lên trên thời đại, bất chấp mọi quy ước ông cho là giả tạo. Khi vẽ tranh, ông tôn trọng sự thực đến mức độ sùng kính. Đối với ông, sự thực là cái đẹp tối thượng. Ông đã tạo hình tượng Chúa như những con người thật, một người giữa mọi người bình thường trong cuộc sống. Chúa của Ca-ra- va-giơ có gương mặt bầu bĩnh, khỏe mạnh, chất phác như một người nông dân đích thực, không hề quý phái, xa lạ.

Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII – XIX, nhiều họa sĩ đã đi theo khuynh hướng hiện thực, coi tác phẩm của Ca-ra-va-giơ là những bài học cao quý, đáng trân trọng. Những bậc thầy hội họa ở những thế kỷ sau đã suy tôn ông là người đi tiên phong trong khuynh hướng nghệ thuật hướng vào tự nhiên, đề cao cái đẹp của hiện thực và đưa những người nghèo có ngôi vị trên những mặt toan.

Theo Hồng Thư – Sức khỏe và đời sống

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *