Điện anh Nguyễn Văn Út, khi ấy còn là Trưởng Phòng Văn hóa huyện, anh bảo nó thuộc xã Tân Lập. Tới chừng xuống Ủy ban Tân Lập thì anh em sở tại lại bảo : Mùa này mưa gió, chỉ còn cách duy nhất là chạy vòng xe ra Phước Hưng, xuống Tập Sơn tìm nhà quen gởi xe, lội bộ chừng ba cây số là tới Con Lọp!
Ốc đảo Con Lọp – vâng, không còn thuật ngữ nào chính xác hơn để chỉ cái ấp mồ côi bé xíu, tách mình nằm biệt lập giữa cánh đồng mênh mông, mà giữa mùa mưa nước nổi muốn liên lạc với “thế giới bên ngoài” chỉ còn cách xắn quần lội bộ vượt mấy cây số đường vừa lầy vừa trượt – lần đầu tiên đặt bàn chân đến đã gây cho tôi không ít ngạc nhiên, thú vị. Toàn ấp có hơn một trăm hai mươi hộ dân mà số nóc nhà người Việt đếm chưa hết ngón trên một bàn tay, còn lại là đồng bào dân tộc Khmer. Ở Con Lọp, người Việt được coi là “dân tộc thiểu số” nên nói chuyện bằng tiếng Khmer như “lặt rau”, còn người Khmer nói tiếng Việt ngút ngắt như búa cùn bửa nhằm gốc mù u. Anh cán bộ Văn hóa huyện Thạch Nhã đi cùng làm công tác tuyên truyền miệng mà câu nào cũng rọt rẹt nửa Việt nửa Khmer. Vậy mà, không biết bằng cách nào, trên cái ốc đảo chừng như biệt lập với nền văn minh thị thành ấy lại không hề có dấu hiệu tụt hậu như tôi vẫn tưởng. Những thửa ruộng đang trở mình vàng ươm cứ nối nhau chạy dài ra bốn phía chân trời. Trên chân giồng đất cát, cây bông vải, cây bắp lai, cây đậu phộng… vững vàng thế đứng hướng về tương lai. Tôi ngạc nhiên đến không tin được khi nghe kể lại công lao ban đầu đưa những giống cây trồng hiệu quả cao ấy về Con Lọp thay chân cho bụi tre gai, cho cây trâm bầu hoang dại lại chính là những chị phụ nữ chân yếu tay mềm. Càng lạ lùng hơn, những con lộ đất nhỏ nhắn vắt qua những phum sóc trong ấp lại khô ráo, người xe đi lại vui vẻ, không tìm đâu ra vũng nước đọng hay đoạn đường trơn như con đường ban sáng tôi đã vất vả vào đây. Cũng là những con đường đất thịt cứ gặp mưa là nhão lên thành bột, vậy mà…
Mấy ngày ở Con Lọp, dọc bên đường, khi thì đầu sóc lúc ở cuối phum, tôi bắt gặp và dần quen với hình ảnh một ông lão Khmer dáng người gầy guộc, quần áo hơi lem luốc, cùng chiếc cuốc đã mòn lẵn và chiếc ky cũ kỹ, lặng lẽ dẫy cỏ, khai mương, đào đắp. Chúng tôi đi qua, ông lão dừng tay ngước lên nhẹ nở nụ cười lành như đức Phật trên tòa sen, rồi lại tiếp tục cần mẫn với công việc. Anh cán bộ ấp đi cùng giải thích :
– Bác ấy tên Kim Huyên, mấy chục năm ròng chỉ làm một công việc duy nhất là đào đắp, vá sửa những con đường trong ấp. Không có bác ấy, đám con nít đi học cũng cực mà người lớn muốn chở bao lúa đi chà hay mang con heo đi bán cũng khổ…
– Chắc là bác ấy có hợp đồng với ngành Giao thông huyện, thu nhập có khá không? – Tôi đo lòng người khác bằng cái bụng hẹp hòi thực dụng vốn có của mình. Anh cán bộ ấp làm tôi chưng hửng :
– Hoàn toàn tự nguyện! Hồn nhiên ăn cơm nhà, hồn nhiên lo chuyện lối xóm…
Thông tin về một ông lão Khmer suốt mấy chục năm ròng ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, tự nguyện làm anh “phu lục lộ” chăm lo cho những con đường đất Con Lọp lúc nào cũng khô ráo, sạch sẽ khiến tôi cảm thấy xúc động và khâm phục. Đêm đó, tạm gác bữa thù tạc mà chính quyền ấp dành cho anh cán bộ trên tỉnh xuống, tôi một mình lần đường tìm đến đối diện với ông lão. Thật kỳ lạ, ở cái ấp xa xôi biệt lập này, khi hỏi tên vị cán bộ lãnh đạo cao nhất của huyện Trà Cú, của tỉnh Trà Vinh hay những doanh nhân thành đạt vẫn xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì người biết người không, còn hỏi nhà người đàn ông lặng lẽ với cái cuốc, cái ky trên những tuyến đường trong ấp thì ai cũng tường tận. Đám con nít còn tự nguyện làm hướng đạo viên đưa tôi vượt qua những lối nhỏ ngoằn ngoèo cứ đan xen vào nhau, dưới những tán dầu che khuất ánh trăng lờ nhờ. Không có chúng, tôi dám đoan chắc là mình đêm đó đi tới không được mà thoái lui chắc cũng chẳng xong.
Chúng tôi dừng chân trước một ngôi nhà, đúng hơn là một căn chòi, nhỏ và rách. Nghe tiếng ồn ào của bọn trẻ, ông lão cầm ngọn đèn dầu bước ra kèm theo một tràng líu lo tiếng Khmer, rồi những tràng cười vừa già vừa trẻ rộ lên, vui vẻ và thân tình lắm. Trong nhà có đúng một chiếc ghế đẩu mà chắc thường ngày ông vẫn ngồi ăn cơm nên tôi không còn cách nào khác hơn là cùng bọn trẻ chen chúc nhau trên chiếc giường tre nhỏ và cũ nhưng khá chắc chắn, được đóng một cách khéo léo, kỳ công. Ông không nói được tiếng Việt, còn tôi dù đã huy động toàn bộ vốn ngôn ngữ Khmer tích cóp được qua những chuyến điền dã dài ngày trong các phum sóc, cộng thêm phần minh họa bằng vẻ mặt, bằng cả đôi tay vẫn chưa đủ để làm cuộc đối thoại tay đôi. Cũng may, sự có mặt của bọn trẻ vốn mau miệng làm cầu nối giúp tôi tạm chắp vá lại câu chuyện. Ông kể :
… Hơn năm mươi năm trước, có chàng trai trẻ nhà bên Ngãi Xuyên theo vợ về Con Lọp, đúng theo phong tục truyền thống của người Khmer. Ngôi nhà lá bé tí tẹo trống trước hụt sau không giữ được người vợ trẻ có đôi mắt bén như dao cau, trước những lời ngọt ngào quyến rũ của ông chủ đất ngoài Trà Sất. Mất vợ, mất luôn đứa con vừa bi bô chập chững, chàng trai Kim Huyên từ đó mất luôn cả nụ cười. Trả nhà lại cho bên vợ, anh thà ngủ chung với muỗi ngoài tha la chớ không dám trở về Ngãi Xuyên vì sợ mắc cỡ với bà con chòm xóm. Nghe lời lão Xếp Sao, anh vào lính “bảo an sóc”. Thôi cầm súng thì khỏi cầm cuốc, đàng nào cũng có cơm ngày hai bữa và có cái chỗ để ngã lưng. Lương lính mỗi tháng bao nhiêu anh chẳng biết bởi người mẹ vợ đã cầm trước sạch trơn. Mấy năm sau, anh nghe anh em trong lính nói Xếp Sao thành Đội Sao, còn mình bây giờ là lính Khmer Sarây. Rồi vài năm nữa, anh em lại nói mình đang mặc áo nghĩa quân và một hai gọi Đội Sao là ông Tổng. Thôi lính gì cũng được, cũng ban ngày kiếm chỗ ngủ, ban đêm vác súng đi vòng vòng trong sóc hoặc leo lên chuồng cu ngồi gác. Nói thiệt bụng, nhờ mấy năm đi tu bên chùa Kosla, nghe Phật dạy phải ăn hiền ở lành để phước cho kiếp sau nên mấy chục năm mặc áo lính mà Kim Huyên chưa dám bắt trói hay đốt nhà ai, dù thỉnh thoảng có nghe lời Tổng Sao rượt gà bắt vịt. Còn Việt Cộng… mãi đến sau ngày giải phóng, anh mới nhìn thấy để biết mặt mũi Việt Cộng đâu có giống lời mấy xếp nói. Có cán bộ người Việt, có cán bộ người Khmer mà ông nào ông nấy nhìn cũng y hịt như mình thôi.
Bảy ngày học tập cải tạo ngoài chợ Trà Sất, Kim Huyên nhận ra cũng có cái khác. Hồi đó, Tổng Sao mở miệng ra là chửi thề, là quát tháo anh em lính tráng bắt người này, trói người kia, cho dù đó cũng là người Khmer bà con trong sóc. Bây giờ, mấy ông cán bộ nhẹ nhàng bảo ban cho anh em thấy mình đã lỡ làm trật thì nay phải ráng làm lại cho trúng. Đi lính cầm súng cho giặc đã là trật với đất nước, còn bắt gà bắt vịt là trật với bà con xóm làng. Vậy, bây giờ thấy cái gì có lợi cho quê hương, phum sóc thì dù nhỏ dù lớn cũng phải ráng làm cho bằng được – anh cán bộ nói đó là ý của Bác Hồ! Bác Hồ là ai? Kim Huyên chưa từng biết, chưa từng gặp mặt nhưng anh nghĩ trong bụng ý Bác cũng đâu khác lời Phật dạy, cũng biểu mình làm chuyện hay, chuyện tốt thôi…
Nhưng với một người không ruộng vườn, không nhà cửa, không vợ con như mình thì làm được cái gì có lợi cho bà con, cho phum sóc? Ý nghĩ ấy cứ giăng võng kẽo kẹt trong đầu Kim Huyên, không để ra ngoài được.
Trần Dũng (Trà Vinh) – Theo SCLO