Cuối năm 2010, những người thực hiện chương trình Việt Nam ngày nay đón hai vị khách đặc biệt. Đó là một cặp vợ chồng Việt kiều. Dù đã sinh sống 40 năm tại Pháp, nhưng quê nhà vẫn luôn là vùng ký ức giữ vị trí trang trọng trong tâm trí. Họ thường dõi theo hình ảnh về quê hương qua kênh truyền hình VTV4. 

Giáo sư Đoàn Kim Sơn trong một chuyến về thăm quê

 

Những vùng đất từng qua, từng sống, những món ăn miền quê dân dã… trên kênh truyền hình được phát đi qua nửa vòng trái đất như chạm vào nỗi nhớ da diết mấy mươi năm ròng của những người con tha hương. Và cũng từ nỗi nhớ khôn nguôi ấy đã làm nên cuộc gặp gỡ gây xúc động khán giả và những người làm truyền hình.

Người thầy giàu tâm huyết

Rời Việt Nam năm 1962, khi ấy Đoàn Kim Sơn chỉ là cậu học trò của thông minh, ham học, được du học theo học bổng của Pháp tài trợ. Học hết chương trình, ông đã lần lượt lấy bằng tiến sĩ rồi giáo sư chuyên ngành kỹ thuật hàng không và là giáo sư cao cấp tại đại học Cơ và kỹ thuật hàng không ENSMA, Pháp. Khi đã đi quá nửa đời người, ước muốn trở về đóng góp vào việc phát triển ngành hàng không quê nhà thôi thúc trong ông. Năm 1993, ông về nước tìm cách thành lập ngành đào tạo kỹ sư hàng không liên kết với đại học Bách khoa Hà Nội và TP.HCM. Đến nay, gần 1.000 sinh viên với sự giúp đỡ của ông đã tốt nghiệp kỹ sư hàng không với bằng cấp quốc tế. Nói về điều này, giáo sư Đoàn Kim Sơn chia sẻ: “Tôi chỉ mong sau khi đào tạo được những kỹ sư hàng không với bằng cấp quốc tế thì ngành hàng không của Việt Nam sẽ có được những bước phát triển hơn so với trước”.

Những năm 1990, giáo sư Đoàn Kim Sơn thường xuyên trở về Việt Nam để cùng hiệu trưởng các trường làm việc với Vietnam Airlines, cục Hàng không dân dụng cùng với bộ Giáo dục và đào tạo về vấn đề xây dựng ngành hàng không. Năm 1999, với những nỗ lực không ngừng, ngành hàng không chính thức trở thành một trong những chuyên ngành đào tạo kỹ sư chất lượng cao hợp tác Việt – Pháp. Đến nay, chương trình hợp tác được đánh giá là thành công và hiệu quả. Một trong những học trò khoá đầu tiên của ông trong chương trình liên kết này, anh Nguyễn Anh Thi – nay là phó ban khoa học và công nghệ đại học Quốc gia TP.HCM, đánh giá rằng đó là sự hợp tác không những có ý nghĩa trong thời điểm hiện tại mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành hàng không trong tương lai của Việt Nam.

Nỗi nhớ mang tên Việt Nam

Hơn 40 năm sinh sống ở xứ người, đã quá nửa đời và nỗi nhớ quê cha đất tổ ngày một lớn trong tâm trí giáo sư Đoàn Kim Sơn. Những hình ảnh về quê hương trên kênh truyền hình VTV4 là động lực thôi thúc người con xa quê trở về. Đó là lý do vào cuối năm 2010, ông và người vợ cùng về thăm lại xứ dừa Bến Tre – mảnh đất nơi ông sinh ra cùng với năm tháng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm. Hơn 40 năm trôi qua, quê hương đã có quá nhiều thay đổi. Những cây cầu mọc lên thay thế chuyến phà cũ kỹ. Đi trên cầu Rạch Miễu những ngày cuối năm, trong ánh mắt của vị giáo sư già chúng tôi cảm nhận được niềm vui của người con trong ngày trở về khi thấy quê mẹ tươi đẹp biết chừng nào.

Khi còn thơ bé, những món ăn dân dã mẹ nấu đã theo ông suốt cả cuộc đời. Và khi trở về, ông lại tìm về những món ăn đó, cảm nhận từng hương vị thân quen để bồi hồi, để thương nhớ. Lòng dặn lòng, sẽ không bao giờ quên được những chắt chiu, chăm sóc của mẹ từ thuở ấu thơ, sẽ không quên mùi vị quen thuộc của tép ram dừa, của canh chua cá lóc, của cá kho tộ… những đặc sản của miền Tây Nam bộ thân yêu…

Dù không có nhiều thời gian để ghi hình giáo sư trong chuyến về quê, nhưng chúng tôi cảm nhận được ở ông một tình yêu quê hương xứ sở da diết, nồng nàn. Đã đi xa quá nửa đời người, nhưng tâm tưởng ông bao giờ cũng hướng về quê cha đất tổ. Có lẽ chương trình của đoàn làm phim trên kênh truyền hình VTV4 chỉ là cái cớ để ông chia sẻ những cảm xúc thương nhớ của mình với quê hương mà thôi. Chúng tôi biết rằng trong tận sâu thẳm trái tim ông luôn luôn đã có những chuyến trở về với quê mẹ, dù chỉ trong hồi tưởng…

Theo Nguyên Thảo (SGTT)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *