9/08, 8:33 am
1. Tôi có duyên được đọc nhiều bản thảo thơ của các người đẹp. Để tôi nhận ra Người đẹp và Thi ca là một. Người đẹp như thơ hay. Đỏng đảnh. Thời tiết. Và khó chiều. Những bài thơ như dòng nước thanh tân chảy qua tâm hồn thời thiếu nữ.
Có thể trên dòng nước đó, bài thơ in bóng một lần và mãi mãi. Về sau đọc họ không còn hương vị nữa. Đôi khi những tác phẩm, cảm thấy họ quấn quýt đi tìm lại hình bóng một thời chính mình. Và chính họ biến thành những cái bóng. Cách đây khoảng ba năm, tôi đã giới thiệu trên eVăn chân dung một loạt tác giả thơ nữ trẻ Sài Gòn như Phương Lan, Thanh Xuân, Khương Hà, Nguyệt Phạm, Ngọc Anh, Liêu Phúc Minh, Ngô Thị Hạnh, Ngô Thanh Vân… Có những tên tuổi đã thành danh cũng như có người không còn xuất hiện. Trong số họ những ai còn sống với giấc mơ thi ca? Hay đó chỉ là phút bồng bột của đầu xanh tuổi trẻ? Thật khó đoán đâu là ngày đẹp trời, đâu là thứ sáu ngày 13 của họ?
Nhưng cũng có những cây bút nữ xuất hiện lần đầu tiên mà ta ngỡ như đã gặp họ ở lần cuối cùng (!). Vì những gì họ viết ra quá dữ dội. Họ không màng sự thanh tân trong văn chương. Họ bất cần hương vị. Họ như một hơi rượu mạnh. Có thể tên tuổi của họ còn rất mới nhưng những gì họ viết đã rất ấn tượng. Rất quen. Những sự vật, đồ vật ngày thường nhàm chán, im lìm như cái bóng bỗng một hôm phản diện qua lăng kính thơ họ chói lóa, rát bỏng. Bằng ngôn ngữ, họ đã mang lại cái bất bình thường cho những điều tầm thường. Đọc thơ, ta ngỡ gặp lại vết thương của chính mình từng đâu đó. Tôi muốn gọi họ là Người Đẹp Thứ Sáu ngày 13. Nhà văn Phan Thị Vàng Anh, người chủ trì dự án tủ sách Thơ Nữ được in bằng quỹ Anh Thơ (đã xuất bản các tập gây chú ý dư luận thời gian qua như Tôi đang lớn của Trương Quế Chi, Mắt giấy – Nguyệt Phạm, Thơ Chinh Lê của Chinh Lê…) có ngỏ ý nhờ tôi giới thiệu thêm khuôn mặt mới cho tủ sách thơ. Qua bài viết này tôi muốn thông tin đến chị và bạn yêu thơ một tác giả mới: Đào Dung, với Sợi Tóc Đẫm Máu.
Nhà thơ Đào Dung. Ảnh: Đinh Bá Anh
2. Đào Dung sinh năm 1980 tại Đà Nẵng. Học chuyên Văn trường Lê Quý Đôn. Cô tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Hiện nay cô làm việc cho một công ty truyền thông chuyên tổ chức sự kiện. Cô từng cùng đồng nghiệp “pi-a” thành công rất nhiều “hợp đồng” cho các đối tác nhưng chưa bao giờ “giới thiệu” thành công cho mình. Đó cũng là cá tính và phong cách của cô gái trẻ. Hãy đọc ở đây thông điệp “lưỡng phân” gột tả tinh tế, sâu sắc dường như không chỉ dành cho cô mà còn là “cái nhìn chung” của cả một thế hệ:
Tôi đứng bên bờ nhìn sợi tóc đẫm máu
Trôi về phía bên kia
Tôi không hiểu gì về phía bên kia
Thõng tay nhìn sợi tóc với một chút tiếc thương
Rồi sợi tóc cũng trôi ra đến biển…
Gửi gắm của Đào Dung cũng như những chủ nhân trẻ “người của hôm nay” phải chăng với rất nhiều cơ hội, chọn lựa nhưng chính họ lại không muốn chọn lựa cơ hội (!?). Cuộc sống quá nhiều thuận lợi và họ chỉ muốn an bài hưởng thụ? Cũng không hẳn! Có thể họ đang “lưỡng phân” giữa “sợi tóc” và “đại dương”. Giữa “được” và “mất”. Cái có mặt, nhỏ nhoi với sự vô hình, rộng lớn. Giữa cá thể và tập thể. Giữa được về tất cả và không thuộc về ai! Thi ca chưa bao giờ là cuộc dấn thân toàn triệt của họ mà chỉ đam mê trong thoáng chốc. Đọc họ, cứ ngỡ dự báo những tài năng có thể “xuyên thủng” con đường tù mù và buồn bã của văn nghệ, là “tín hiệu mới” đầy khát vọng cho nghệ thuật. Nhưng không! Qua giao tiếp, trao đổi họ cho biết chưa bao giờ quyết liệt với sự chọn lựa “sát thủ” ấy! Họ chỉ hết mình với những thoáng chốc cùng vô vàn định nghĩa. Đào Dung còn tâm sự với tôi giả dụ được nổi tiếng trong thơ, trong nghệ thuật là sự “thiệt thòi” (!?). Bởi quá nhiều người sẽ biết đến mình là sự bình an của bản thân sẽ không còn nữa. Với lại, một thời đại tất bật như thế này mà loay hoay điên dại với đám chữ nghĩa là “bọn lạc thời”, “kẻ điên” (!?). Vậy cô và các nữ sĩ khác làm thơ để làm gì? Nó như một cuộc chơi vô định. Những đam mê vong thân thoát ra để lại mùi vị tục lụy trên ảnh chữ. Nó như những bức ảnh được chụp điên cuồng từ chiến máy kỹ thuật số. Cũng chẳng cần dàn dựng, lắp ghép, tẩy xóa, chấm rửa trong buồng tối. Treo lên như một cuộc triển lãm Phô-diễn-Hậu-hiện đại. Hình ảnh “thõng tay” với “một chút tiếc thương” ngỡ là gửi gắm rất nhiều nhưng cuối cùng không
nói được gì cả. Trong thơ Đào Dung rất nhiều hình ảnh như thế (“vỉa hè chạm mặt xu-chiên”, “nỗi buồn rụng tay chân”, “chúng ta không được tăng hạng/ Mà chắc chắn nhận được một điểm trừ từ sự kỳ thị của loài người”…). Để “rồi sợi tóc cũng trôi ra đến biển” như một ngẫu nhiên. Tuổi trẻ đang trôi đi với quá nhiều ơ hờ, nghịch lý? Một thế hệ nhiều cơ hội, hưởng thụ nhưng cũng an nhiên “đồng phục”, thiếu bản sắc và cá tính?
Nhưng như đã nói, trong thời khắc “Thứ Sáu ngày 13” bất bình thường ấy, thi thoảng sự sám hối, cật vấn, xung đột cá thể “tồn tại hay không tồn lại” vẫn trở lại. Như tìm về bản ngã của tính thiện. Tuy ngày xấu, giờ xấu nhưng đó là giây phút “mặc khải” của giống cái, bản năng cao quý nhất của “thiên tính nữ”. Nhưng chính sự so sánh “dã man” giữa “chúng ta” và “loài chó”, Đào Dung lại đẩy thơ đến một bờ vực nguy hiểm và vô vọng khác:
“Ngày trở về
Chúng ta đã đái dưới gốc cây
Như loài chó
Đánh dấu nơi trở về của nhân tính”…
Giới thiệu một, hai góc nhìn trong toàn cảnh Sợi Tóc Đẫm Máu vẫn chỉ là những ước lệ. Bởi đọc hết tập thơ mới thấy ngay trong cái tên “Đào Dung” đã tiềm ẩn ba đào những ngọn sóng. Lần về quá khứ, cô gái này đã từng gây ấn tượng với những câu thơ ngỡ là non nẻo, khi còn học lớp chuyên Văn trường Lê Quý Đôn – Đà Nẵng:
“Gói gọn trời xanh trong vành nón rách
Đợi khi nào mưa thuận gió hòa
Giở ra xem”
Vỏn vẹn ba câu thơ bậc thang nhưng ngày ấy, nó đã cho thấy một tư duy thơ đa tuyến, phức nghĩa. Tứ có thể cũ (gói trời xanh) nhưng được thiết lập bằng những hình ảnh mới, chói và gắt (vành nón rách), vế đối chan chát (mưa thuận gió hòa)… nhằm đem lại hiệu quả cảm xúc mới từ những tổ chức câu ngắn đơn giản. Cái bầu trời từng là khát vọng của các nhà thơ cổ điển đã bị thay đổi. Vành nón rách là mê cung tâm trạng tùy theo cách hiểu lý tưởng của mỗi người. Không có mẫu số chung về quan niệm, thần tượng. Nhưng để có được hiệu quả ấy người làm thơ phải “lặn”, phải “nghiêng” về phía nào. Bài thơ này đã gây một sự chú ý, tranh luận nho nhỏ trong giới văn nghệ ở Đà Nẵng. Và từ đây Dung âm thầm đi với thơ với vẻ đẹp mỏng mảnh của một sợi tóc bên một bờ vực phi lý đẫm máu.
3. Đào Dung viết nhiều, cô còn thể nghiệm cả tiểu thuyết nhưng không cốt ý trở thành một nhà văn. Những lần nói chuyện giữa chúng tôi về nghệ thuật, tôi phát hiện ra một điều các bạn trẻ hôm nay viết thật dễ dàng. Hình như thế giới web, blog, kỹ thuật số… đã tạo cho họ một tâm lý độc lập, mạnh mẽ nhưng cũng đầy cô đơn khi viết. Rất nhiều tác phẩm viết trên mạng đã được xuất bản nổi tiếng như Phải lấy người như anh của Trần Thu Trang, Chuyện tình New York cùa Hà Kin, và gần đây nhất sự xuất hiện của Keng… cho thấy Dung từng có một blog nổi tiếng trên yahoo mang nickname Dung bê-tha. Những bài thơ của cô từng post lên ở đây đem lại nhiều tranh luận. Nhưng sau rồi như cô nói, mở đầu cho nhiều hệ luận trên cái thế giới phẳng ngỡ im ắng nhưng nổi ba đào này. Những gì cô viết như một cách tỏ bày với Sợi Tóc Đẫm Máu là một ý tưởng hơn một thực tưởng. Là đơn thể hòa vào đa thể. Là cái hữu hạn đo với vô cùng. Cái tôi nhỏ nhoi thực thể (sợi tóc) như một phân tử. Khi viết câu này tôi nghĩ đến câu ngạn ngữ “Ngàn cân treo sợi tóc”. Một tình huống nguy kịch sống còn cũng là tình trạng cần “giải cứu” của thơ. Người nghệ sĩ bao giờ cũng chông chênh. Họ đi trên dây luân lạc chao giữa tầm thường (hay bình thường?) và bất thường. Những câu thơ là ngôn ngữ phải được cân bằng của một trạng thái mất cân đối. Không ai có thể giải thích rành rẽ.
Ở phía khác, thơ Dung là những liên tưởng rất mạnh. Nó cho thấy khả năng tách khỏi hiện thực để “nhập đồng” vào thế giới tâm tưởng. Sợi tóc đẫm máu, Sự im lặng giết chết, Nỗi buồn như đứa trẻ sợ hãi, Hai nửa trên dây phơi… là những bài thơ như vậy.
Với Dung, lại bùng vỡ bất ngờ vì cách giải thích khác:
“Những ngày đen tối
Tôi nghĩ tôi đã hoàn toàn thất vọng
Như người đang xâu dây bỗng đứt phựt
Tung tóe cơ thể khắp nơi”.
Sự trì níu để giữ chính mình trong cuộc tồn tại và mưu sinh làm tan nát và đau đầu bất cứ ai. Tình trạng thường trực ám ảnh “rơi vào lỗ đen” bất khả kháng là tâm lý và tâm thế của con người thời đại. Tôi đã đọc nhiều bài “đen” nhưng chưa thấy ai viết về ngày “đen” và “tối” của mình như vậy. Cơ thể như chất liệu thô, vô cảm. Tất cả được liền lạc, được dẫn dắt bởi sợi dây tâm hồn mỏng manh nhưng siêu ẩn. Sợi dây bỗng dứt phựt và mọi thứ đảo lộn, nháo nhào. Một nỗi buồn liên đới, mục ruỗng và toàn phần đang dâng ngợp lên từ đâu đó.
&ldquo
;Tôi nghĩ tôi đã hoàn toàn rỗng ruột
ngồi chổm hỗm trong bóng tối và không cảm nhận được điều gì
ngoài những trắng dã”…
4. Thứ Sáu ngày 13 cũng là tên một bài thơ của Đào Dung. Một nhan sắc xuất hiện không bình thường trong ngày lạ, hay ngày phản Chúa. Đó là điềm lành của thơ. Thơ trẻ Sài Gòn lại có dịp diện kiến một giọng thơ nữ nhiều chấm phá. Viết nhiều. Sống nhiều. “Treo mình trên một sợi dây”. “Con sên treo mình trên lá ăn hết màu xanh”… Sẵn sàng “phơi phóng”, “nửa bên này, nửa bên kia”, “nhìn được cái gì cũng nhân hai”. Sẵn sàng chọn một ngày xấu, giờ xấu để xuất hiện cũng bộc lộ, khẳng định một cá tính chăng? Tất cả như mới bắt đầu.
Giống câu thơ Dung viết “đôi mắt xanh rút ruột dẫn đường”. Vâng, văn chương và thi ca bao giờ cũng là con đường “cái quan” thênh thang hào phóng mời chào những bước chân khám phá của thế hệ mới. Càng đi xa nơi xuất phát càng phát hiện nhiều hoa thơm, cỏ lạ. Nhiều biên thùy Thơ chờ những người đẹp thứ Sáu, ngày 13. Mở đầu cũng như khi kết thúc bài viết này tôi càng tin như thế!…
Nguyễn Hữu Hồng Minh
Sài gòn, Café Highlands – Lê Lợi, 27/8/2008