Yêu hội hoạ và say mê màu sắc của tự nhiên, hoạ sĩ Tạ Hải đã tìm được cách kết hợp hai niềm đam mê ấy bằng cách lấy lá và vỏ cây ghép thành tranh. Hoàn toàn dùng màu của tự nhiên, hoạ sĩ Tạ Hải đã ghép lên những bức tranh diễn tả thiên nhiên và cuộc sống con người.
Ông Tạ Hải đang dùng chất liệu của thiên nhiên hoàn thành bức tranh của mình. |
Mùa thu nước Nga. Điền trang Lev Tolstoi rực lên bởi màu vàng của những cây phong mùa thay lá. Trong khi mọi người trong đoàn cùng say đắm với phong cảnh nơi đây thì có một người đàn ông chỉ tha thẩn dưới những gốc cây, chọn những chiếc lá phong đẹp nhất rồi cho vào túi. Khi trở về nước, hành lý ông mang theo là hai chiếc vali đầy lá. Đó chính là hoạ sĩ Tạ Hải, người đàn ông đã hơn 40 năm dành thời gian đi nhặt lá về ghép tranh.
Biệt danh Hải “lá”
Tôi đến nhà hoạ sĩ Tạ Hải khi ông đang ngồi tỉ mẩn hoàn thành bức tranh của mình. Xung quanh ông ngổn ngang những bao, những bọc chứa đầy lá khô, bẹ bắp, vỏ hành… Căn phòng nhỏ trên tầng hai là thế giới riêng để ông trọn vẹn thả mình theo niềm đam mê. Ông nâng niu từng chiếc lá, từng cái vỏ cây, tỉ mẩn xé thật mỏng rồi dán vào bức tranh trước mặt. Mấy chục năm nay, từng ngày, từng giờ ông dành thời gian lắng nghe hơi thở của lá, tìm hiểu hồn cây. Nó bắt đầu từ một lần rất tình cờ khi đi lang thang trên đường Tràng Tiền trong một lần về phép.
Ông Hải kể đó là năm 1965, khi thấy trên phố những bức tranh ghép bằng gỗ, bằng tre khiến ông rất thích thú. Nhà có một vườn chuối nên khi về nhà, nhìn những tàu lá chuối khô đang dần chuyển màu, ông nảy ra ý định xé lá chuối, dùng cơm nguội thử dán lại thành tranh. Và bắt đầu từ giây phút đó, dường như thiên nhiên đã bỏ bùa khiến ông có một niềm đam mê mới không thể dứt bỏ. Vốn thích vẽ từ nhỏ, nhưng vì lúc đó màu hiếm và đắt nên ông đành từ bỏ. Giờ bỗng dưng niềm đam mê đó được khơi lại nhưng với một chất liệu hoàn toàn mới và rất đặc biệt.
Vốn là phóng viên của đài Tiếng nói Việt Nam, có điều kiện đi nhiều nơi nên đi đâu ông cũng để ý các loại lá khô rồi nhặt mang về. Cứ mỗi chuyến công tác trở về, hành lý của ông bao giờ cũng có thêm túi lá. Và những bức tranh hồ Gươm, phố cổ, chùa Một Cột hay thiếu nữ… bằng bàn tay tài hoa của ông đã thành hình với chất liệu chỉ bằng lá và vỏ cây. Có lẽ vì cái đam mê khác người ấy mà bạn bè đã đặt cho ông biệt danh Hải “lá”. Ông bảo, các loại lá cây khô vốn rất ít màu nên để có đủ màu sắc cho một bức tranh là quá trình tìm kiếm rất công phu. Ông cũng từng bao phen thất vọng khi những chiếc lá mới rụng có màu rất đẹp như lá bàng đỏ nhưng qua thời gian, khi đã phơi khô thì lại xỉn màu. Lá phải phơi thật khô mới sử dụng được vì nếu không sẽ bị mốc hoặc sẽ biến đổi nên có nhiều khi, nhặt về một loại lá mới, ông vừa phơi, vừa hồi hộp chờ lá định hình màu cuối cùng.
Giữ hồn thiên nhiên trong tranh
Những bức tranh của hoạ sĩ Tạ Hải. |
Lá cây khi khô đi, cho rất ít màu sắc nên để tìm được một màu ưng ý phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Có khi đi bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng tìm tòi mà không thấy. Nhưng cũng có khi, vô tình lại gặp. Ông kể, có thời gian, ông tìm rất lâu mà không ra màu đỏ. Những bức tranh vì thế mà chỉ mang một gam màu nâu trầm. Rồi một lần tình cờ ra chợ Đồng Xuân mua vỏ rễ chay về cho mẹ ăn trầu, trái tim ông nhảy nhót khi nhận ra màu đỏ của vỏ rễ chay. Về nhà, ông xé thật mỏng vỏ rễ chay ra, hồi hộp chờ và lo sợ nó sẽ chuyển màu. Nhưng rất may, vỏ rễ chay vẫn giữ nguyên màu và từ đó những bức tranh hoàng hôn, mái ngói, vườn quả của ông đã rực rỡ sắc đỏ. Cũng có lần, ông đang tìm màu vàng nhạt thì trong một lần đi công tác ở Vĩnh Linh, Quảng Trị, ông tìm được lá cây đuông, càng để lâu lá càng vàng.
Thấy ông vất vả tìm màu, có người bảo sao ông không nhuộm lá cho nhanh nhưng ông bảo mình muốn ký thác hồn thiên nhiên trong sắc lá nên chỉ dùng chất liệu hoàn toàn của tự nhiên. Nhìn những bức tranh của ông, mỗi bức được ghép lại từ những chiếc lá nhót màu bạc, những chiếc lá gai còn nguyên hình gân lá, bẹ bắp vàng nhạt, kén tằm vàng óng hay vỏ trầu màu đỏ nâu có cảm giác nghe được cả hơi thở của thiên nhiên trong đó. Ông tâm sự: đi sâu vào mới thấy thiên nhiên có sự thay đổi thật kỳ diệu. Lá vàng rụng xuống tưởng rác nhưng lại có một sức sống riêng nếu biết giữ lại nguyên vẹn sắc màu.
Giờ đây, ngoài lấy màu lá khô làm màu sắc, Tạ Hải còn dùng nhiều nguyên liệu tự nhiên khác như râu bắp, mùn cưa, sợi chổi đót làm chất liệu cho tranh của mình. Suốt hơn 40 năm, sưu tầm chất liệu và vẽ thành tranh, ông đã có mấy trăm bức tranh được lồng khung treo khắp nhà ghi lại phong cảnh những nơi ông đi qua, những khoảnh khắc ông đã gặp. Ông đã có hai cuộc triển lãm, lần đầu vào năm 1998, lần thứ hai năm 2008 và nhận được nhiều lời khen ngợi. Cũng có nhiều du khách nước ngoài tìm đến mua tranh nhưng ông bảo mục đích chính của ông là thú chơi chứ không có ý định kinh doanh.
Hiện nay, điều ông trăn trở nhất là chưa tìm ra được màu tím biếc và màu xanh nước biển từ chất liệu tự nhiên cho tranh của mình. Ông đã tìm từ mười mấy năm nay, đi nhiều nơi nhưng vẫn chưa thấy. Nhưng ông vẫn tin vào sự kỳ diệu của tự nhiên. Chắc chắn thứ màu ông cần tìm có ở đâu đó mà có thể một ngày tình cờ ông sẽ nhận ra.
Hà Dịu – Theo SGTT