1.Người đàn ông chiều nào cũng đứng một mình trên triền đê, đưa mắt dõi nhìn về phía hồ nước. Mùa Đông, ông mặc áo đại cán bạc màu. Mùa Hạ, ông mặc áo sơ-mi bộ đội sờn rách. Chiếc xe đạp dựng gần đó cũng cũ kỹ, cũng im lìm như dáng đứng của ông.
Có lần tôi lại gần định bắt chuyện, ông vội vàng lên xe bỏ đi mất.
Chuyện cứ tiếp diễn như vậy, từ ngày này sang tháng khác. Những hôm trời nắng thì đã đành, còn những hôm trời mưa, dường như dự cảm được trước, ông bao giờ cũng xuất hiện tại đó khi những đám mây đen hãy còn vần vũ ở trên đầu, và lên xe bỏ đi khi những giọt mưa đầu tiên bắt đầu lộp độp rơi.
Minh họa Lê Trí Dũng |
Chiều hôm đó như lệ thường, vừa chạy xe trên đường tôi vừa dõi mắt về phía ông thường đứng. Màu áo xanh bạc màu với cái dáng lụi cụi khiến ông trở nên nổi bật giữa những đám cỏ dại hoang vu. Nhưng hình như ông không đứng lặng im, hai tay khoanh trước ngực giống mọi khi. Ngồi hẳn lên trên bờ đê um tùm cỏ, hai cánh tay ông vòng tay ôm lấy đầu, và gương mặt ông – khi tôi cho xe chạy lại gần mới trông thấy rõ – nhăn nhó đầy vẻ đau đớn. Vội vàng tấp xe vào vệ đường, tôi chạy lại. Không còn đủ sức để tránh né như mọi khi, ông gần như lả hẳn người vào hai cánh tay tôi vừa đặt lên vai ông.
Được uống nước trà đường pha nóng và nằm nghỉ trên chiếc ghế của một bà chủ hàng nước tốt bụng gần đó, một lát sau người đàn ông mới tỉnh lại. Đôi mắt rơm rớm nước, ông nhìn tôi đầy vẻ biết ơn. Rồi sau đó là câu chuyện mà đã từ lâu tôi cố gắng tìm hiểu nhưng chưa từng có cơ hội biết được…
2. Thì ra cái khoảng đê mênh mông nơi người đàn ông thường đứng đó, ngày xưa vốn là nơi hò hẹn của ông với người phụ nữ sau này ông cưới làm vợ. Nhà của hai người nằm ở cùng thôn, phía ven hồ nước này.
Sau khi xuất ngũ, ông bà cưới nhau và cùng nhau xây dựng mái ấm ở nơi này. Không may, số phận ác nghiệt không cho ông bà có nổi một mụn con. Không chỉ có vậy, một vết thương do mảnh đạn găm vào đầu trong những ngày đương còn chiến tranh khiến ông luôn lên cơn đau đầu dữ dội, thậm chí ngất xỉu mỗi khi trở trời. Và đỉnh điểm của những nỗi bất hạnh là khi vợ ông qua đời. Còn lại một mình, ông làm thuê làm mướn đặng sinh sống qua ngày. Nhưng sức khỏe quá yếu khiến ông không thể làm được những việc nặng nhọc, đòi hỏi cường độ cao. Chuỗi ngày cơ cực tưởng chừng chẳng bao giờ chấm dứt nếu không có một ngày Nhà nước quyết định đầu tư tiền tỷ để cải tạo khu vực xung quanh hồ thành một con đường rộng 40 mét. Mảnh đất nhỏ nơi ngày xưa ông sống cùng bà nay được đền bù. Khoản tiền đủ để ông dựng một mái nhà nhỏ và trang trải cuộc sống qua ngày.
Nhưng sự mất mát nơi chôn chứa đầy những kỷ niệm ngày vợ còn sống khiến nỗi cô đơn trống vắng của tuổi xế chiều trong ông càng dày thêm. Và cứ thế, bất kể mưa nắng, bất kể Đông-Hè, chiều nào người đàn ông cũng lọc cọc đạp xe lên bờ đê. Ngồi lặng im ở đó, ông nhìn về phía có ngôi nhà cũ của mình. Ngồi lặng im ở đó, ông lầm rầm nói chuyện với người vợ đã khuất…
3. Cái ngày vết thương nơi đầu trở đau làm ông ngất xỉu trên triền đê đó, cũng là cái ngày mà những chiếc máy ủi đầu tiên bắt đầu tiến hành việc san lấp mặt hồ. Ngôi nhà của ông chìm trong đống đất còn đỏ tươi mới được đào xới. Ở nơi đó, có những kỷ niệm về một thời cơ hàn nhưng hạnh phúc vợ chồng dìu nhau qua gian khó.
Ông bảo, sợi chỉ duy nhất buộc ông lại với cuộc sống như thế cũng đã đứt rồi. Nhưng ông vẫn sẽ thức dậy mỗi ngày, vẫn sẽ chiều chiều đạp chiếc xe đạp hoen gỉ ra bờ đê đó. Để kể cho vợ ông nghe xem cuộc sống đã thay đổi như thế nào. Để qua đôi mắt mình, cùng vợ ngắm nhìn nơi hai người từng rau cháo có nhau, nay mọc lên những ngôi nhà cao tầng mới, những con đường mới…
Minh Đức – Theo Thể thao và Văn hóa