Người đàn bà miền núi 100 năm về trước và còn chưa biết đến bao giờ, luôn luôn đi ngủ sau cùng và thức dậy sớm nhất, làm lụng nhiều nhất và ăn uống ít nhất, miếng ngon trên mâm cơm bao giờ cũng nhường lại cho chồng con, tấm lưng mỗi ngày một còng xuống, còng xuống, cho đến khi về với tổ tiên vẫn không thẳng ra được.

Tản văn

Trong những tháng ngày tôi đã sống và viết về vùng đất xa tít tắp của mình, điều làm tôi day dứt nhất, ám ảnh nhất là thân phận người đàn bà. Người đàn bà miền núi, dậy trước gà gáy, ngủ sau trăng sao, cõng trên lưng sự tồn vong của cả một gia đình, với một đàn con lít nhít, đứa lớn hơn đứa bé cái chỏm tóc. Tôi rất nhớ hình ảnh những người đàn bà gùi trên lưng một cái gùi nặng đựng ngô, lúa, mật ong, lợn con, rượu, củi… xuống chợ, lại gùi một cái gùi nặng mắm muối, vật dụng trở về khi chiều tàn, chợ tan, nhưng nhớ hơn là phía trước, ngay dưới những gương mặt cúi gằm vì mải nhìn đường, vì thói quen, vì giữ ý… là những chiếc bướu rất nặng nề, rất xấu xí. Khi tôi còn nhỏ, tôi rất hay gặp những người đàn bà có bướu. Họ không thể cúi xuống đặt cằm lên ngực như người bình thường, họ không thể đi nhanh mà cái bướu lại không lúc lắc, cái bướu to như quả bưởi dính chặt lấy cơ thể họ. Tôi vẫn thường tự hỏi không biết khi ngủ thì họ phải làm thể nào với cái bướu. Phải đến sau này, khi đã lớn tôi mới biết việc họ phải mang bướu là do điều kiện tự nhiên mang lại, nghĩa là họ chẳng có lỗi gì khiến ông trời trừng phạt, lỗi duy nhất là họ đã sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, yêu thương nó, chắt chiu từng giọt mồ hôi cho nó, chăm bẵm để nó trả lại cho bắp ngô, hạt lúa. Thế nên, đã có những gương mặt vô cùng thanh tú, khả ái, da trắng, mắt đen, má hồng như hoa đào tháng Chạp khiến đêm trăng nào cũng nườm nượp trai làng xếp hàng chờ lượt đã dần dần bị biến thành một người đàn bà gầy gò, xanh xao, mắt trố ra, môi bợt bạt, má hóp lại. Cái bướu đã hút hết sinh lực của họ, đã tước đi vẻ đẹp trời ban cho họ một cách tàn nhẫn. Vậy mà người đàn bà vẫn phải tiếp tục vừa đeo hai dây gùi lên vai, vừa đeo cái bướu trước cổ chăm bẵm cho cuộc sống gia đình, cho đến lúc nằm xuống với đất đai, rừng núi. Sự xấu xí do cái bướu mang lại thực ra không đáng sợ bằng sự hủy hoại nhan sắc do nó gây ra. Bạn, một người phụ nữ hiện đại, bạn sẽ ra sao nếu như một ngày nào đó bạn nhìn thấy mình ở trong gương, xấu xí đi một cách nhanh chóng đến không kịp chớp mắt? Đi thẩm mỹ viện để níu kéo ư? Hay tăng thật nhiều hoa quả, rau xanh trong khẩu phần ăn? Hay hùng hục trên sàn tập thể dục? Còn những người đàn bà miền núi trong kí ức của tôi, lẳng lặng chấp nhận sự khắc nghiệt của số phận, của thiên nhiên, không bao giờ soi gương nữa, chỉ còn nhìn thấy trước mắt mình cái bụng của đám con căng tròn hay lép xẹp mà thôi.

Tôi cũng nhớ người đàn bà miền xuôi, theo chồng lên ngược lập nghiệp. Tất cả những thói quen đều phải dần biến mất để thích nghi với cuộc sống nơi thâm sơn cùng cốc, nơi núi cao, vực thẳm, nơi thiên nhiên luôn luôn thử thách lòng người. Và khát vọng thoát khỏi đói nghèo triền miên, cho con một manh áo đẹp, cho con một bát cơm trắng có cá có thịt có khi đeo đẳng trong tâm trí mãi cho đến khi từ giã cõi đời.

Đứng từ trong vườn nhà tôi nhìn qua sông, sang triền núi bên kia, buổi chiều mùa hè nắng rọi thẳng chói chang có những tấm lá cọ mới ban sáng còn xanh, chiều chuyển sang vàng di chuyển từng chút một, từ phải qua trái, lại từ trái qua phải, từ đỉnh núi xuống chân núi. Đấy là cách che nắng của những người đàn bà Dao đang làm nương. Cả một triền núi dốc, đất đỏ rực, không một bóng cây. Nắng phía tây buổi chiều cứ thế rọi thẳng vào và cách duy nhất để che bớt cái nắng nóng là dùng những tàu cọ để che, làm đến đâu lại nhổ tàu cọ cắm theo đến đó, cái khoanh râm mát chỉ có đường kính tầm 1m. Và phía dưới chân nương kia, chắc chắn đang có một vài đứa trẻ ngủ vạ vật. Đứa lớn thì ngủ trên cỏ, đứa bé thì ngủ trong địu, và cái địu thì treo trên một cành cây, ngay trên đầu anh (chị) nó. Khi ấy người đàn ông Dao ở đâu? Mãi về sau này câu hỏi ấy vẫn không ngừng trở đi trở lại trong đầu tôi. Người đàn ông ở đâu để người đàn bà phải cắm cúi, buồn tủi làm lụng một mình sau cái bóng râm có đường kính 1m và lũ con thì ngủ vạ vật dưới chân nương?

Hoa mận

Niềm hạnh phúc giản đơn mà hằng ngày chúng ta vẫn đón nhận như bó hoa ngày dành cho ngày 8.3, hay món quà sinh nhật mà chồng, con năm nào cũng nhớ, hay chỉ đơn giản là một nụ hôn tạm biệt mỗi buổi sáng từ nhà đến nơi làm việc… là điều vô cùng xa xỉ với họ. Khoảnh khắc ngắn ngủi mang lại hạnh phúc đích thực trong cuộc đời một người đàn bà có lẽ chỉ là khi mười bốn, mười lăm tuổi, má đang hồng và mắt đang ướt long lanh, được đứng dưới tán những cành mận đang trổ bông trắng muốt, trong cái lạnh thấu xương của mùa đông, và nghe những lời thủ thỉ từ người trai mà mình chợt đem lòng thương mến. Đúng là chỉ có một khoảnh khắc so với cả cuộc đời mà thôi. Và bởi cuộc đời thì dài, âu lo thì lớn, khát vọng thì xa nên cái khoảnh khắc ấy mới quý giá và ý nghĩa biết nhường nào.

Người đàn bà miền núi 100 năm về trước và còn chưa biết đến bao giờ, luôn luôn đi ngủ sau cùng và thức dậy sớm nhất, làm lụng nhiều nhất và ăn uống ít nhất, miếng ngon trên mâm cơm bao giờ cũng nhường lại cho chồng con, tấm lưng mỗi ngày một còng xuống, còng xuống, cho đến khi về với tổ tiên vẫn không thẳng ra được. Mang theo tấm lưng còng và một cuộc đời cực nhọc, lấy no đủ của gia đình làm niềm vui và nỗi khát khao của mỗi đứa con làm mục đích sống xuống dưới những tảng đá trắng xóa.

Tại sao tôi cứ viết về đàn bà, với những cuộc đời rủi ro và số phận nghiệt ngã, với những cái bướu xấu xí và tấm lưng còng gập? Tại sao những người đàn bà của tôi khi nào cũng phải sống trong những nỗi khát khao lớn hơn dãy Tây Côn Lĩnh, sâu hơn đáy sông Lô – những nỗi khát khao không gì nhấn chìm được, cũng không cách gì đạt tới được? Những cuộc đời đầy âu lo. Những năm tháng luôn phải đối mặt với thiên nhiên khốc liệt, cõi đời trắc trở, tình yêu mong manh… Tại sao vậy? Phải chăng vì, như một người đã nói với tôi : Cuộc đời đàn bà buồn nhiều hơn vui, lo âu nhiều hơn mãn nguyện? Phải chăng vì, trời sinh ra đàn bà để chẳng sống mấy cho mình?

Cuốn sách thứ nhất, cuốn sách thứ hai, thứ ba… tôi vẫn dành cho những người đàn bà. Người đã án ngữ trong kí ức của tôi về vùng đất thân yêu bạt ngàn cây rừng, hoang vu gió, tầm tã mưa, sôi sùng sục nước dưới những dòng sông ngoằn ngoèo cuộn chảy.

Đỗ Bích Thúy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *