Tôi lấy tựa đề này là câu của Đông Hồ viết về Mộng Tuyết để làm tựa cho bài nhớ nữ sĩ Mộng Tuyết.
Năm 2007 nữ sĩ Mộng Tuyết đã ra đi ở tuổi 94. Tôi còn nhớ những ngày tôi và GS. Trần Văn Khê, nhà thơ Hỉ Khương và TS. Trần Thị Thanh Xuân, PGS. Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh đến thăm bà tại Hà Tiên nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đông Hồ (1905-2005). Hôm ấy bà còn rất khỏe và tinh tường thì ra “mẹ già như chuối chín cây” vậy! Sự ra đi của bà là chuyến đi cuối cùng của Hà Tiên Tứ Tuyệt gồm Đông Hồ, Lư Khê, Trúc Hà bây giờ đến lượt Mộng Tuyết. Như thơ Đông Hồ viết:
Trăm năm chẳng ở cõi trần
Nghìn năm hãy giữ tinh thần cùng nhau.
Nữ sĩ Mộng Tuyết (các bút danh khác:Thất Tiểu Muội, Nàng Út, Hà Tiên Cô, Bách Thảo Sương) tên thật là Thái Thị Sử, sinh ngày 9 tháng Giêng năm 1914 tại làng Mỹ Đức, Hà Tiên, nay là tỉnh Kiên Giang, là thành viên của thi đàn “Hà Tiên Tứ Tuyệt” (gồm Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê và Trúc Hà).
Mộng Tuyết là học trò và là vợ của thi sĩ Đông Hồ, tại Trí Đức Học Xá do ông sáng lập năm 1926, hai vị đã để một mối tình đẹp nổi tiếng trong thi ca Việt Nam.
Mỗi lần Tô Hoài vào TP. Hồ Chí Minh, tôi lại cùng Tô Hoài đến thăm nữ sĩ Mộng Tuyết, bà bao giờ cũng đem rượu ra mời, vì biết Tô Hoài thích Cognac. Bà không uống rượu, nhưng đủ rượu tiếp văn nhân. Nhà thơ Hoàng Trung Thông cũng thường thăm bà chị (Hoàng Trung Thông nhỏ hơn Mộng Tuyết chục tuổi, là thi sĩ lớp đàn em, nhưng đọc nhau, quý nhau). Tôi cũng thường đưa Hoàng Trung Thông đến uống rượu và đọc sách ở thư viện riêng của bà – Thư viện có hàng ngàn cuốn sách quý, khi con gái bà cụ làm sách Yểm Yểm thư trang, sách đều được đóng bìa cứng, mạ chữ vàng rất đẹp. Thế nhưng bà thường than vãn là sách bị mượn nhiều mà ít khi được trả. Nhất là bác Nguyễn Tuân thì không mượn mà chỉ lấy đọc và nói “tôi cần cuốn này” thôi! Tôi mới làm “mưu sĩ” cho bà là: “sách đọc tại chỗ, nghiên cứu tại chỗ và không mượn”. Tôi ký tên ĐMT, bà bảo: Sao lại chú ký tên. Tôi thưa, có gì thì các bạn trách em, không trách chị. Vì thật ra những bộ sách Bách khoa toàn thư hàng 30 tập, mà mượn một tập thì coi như mất giá trị, sách lại mua từ Pháp mang về.
Nữ sĩ Mộng Tuyết (thứ 2 bên trái), GS. Trần Văn Khê (giữa), tác giả (bên phải) |
Năm 1996, tôi và Nguyễn Đình Thi, Vũ Hạnh về Hà Tiên thăm thi sĩ. Hội văn nghệ Kiên Giang đưa về. Đến Đông Hồ kỷ niệm đường, nhà riêng và thư trang của Mộng Tuyết, các bạn văn nghệ Rạch Giá nói: Xếp hàng vào từ từ. Nhưng Nguyễn Đình Thi lại bảo: Riêng Đoàn Minh Tuấn về nhà chị – bà chị kết nghĩa – em về thăm chị sao lại xếp hàng?
Em đã về đây chào thăm chị
Nắng Tô Châu chứng kiến sớm mai này!
Bài thơ tôi xuất khẩu được ghi lại trong sổ lưu niệm nhà Đông Hồ.
Khi nữ sĩ Mộng Tuyết mất, được tin Tô Hoài điện thoại cho tôi gửi điện hoa viếng nữ sĩ, và sau đó Tô Hoài viết lời tựa cho cuốn sách 400 trang của các bạn văn thơ viết về bà do cô giáo Hoa, cháu bà có công sưu tập và xuất bản (2008).
Mộng Tuyết là nhà thơ Việt Nam nổi tiếng từ tác phẩm Phấn hương rừng được giải về thơ của Tự Lực Văn Đoàn. Bà viết văn và làm thơ từ tuổi 15, 16 với các bút danh Hà Tiên Cô, Bách Thảo Sương, Thất Tiểu Muội đăng trên tạp chí Nam Phong qua các tập Bóng hoa đua nở, Lời hoa từ năm 1934.
Sau tập thơ Hương xuân, Mộng Tuyết đã có thơ chung trong chiếu thơ với Hằng Phương, Anh Thơ và Vân Đài.
Ngoài sáng tác thơ, văn, kịch, Mộng Tuyết còn dịch thơ, viết báo và viết khảo cứu văn học. Các tác phẩm chính: Phấn hương rừng (thơ, 1939), Nàng Ái Cơ trong chậu úp (tiểu thuyết lịch sử, 1961), Truyện cổ Đông Tây (dịch, 1969), Dưới mái trăng non (thơ, 1969), Núi mộng gương hồ (hồi ký 3 tập, 1998)…
Từ năm 1935 trở đi, bà có nhiều truyện ngắn, kịch đăng trên các bài Sài Gòn như báo Sống, Nhân Loại, Đông Tây, Tri Tân… và cho đến lúc mất, bà vẫn miệt mài viết hồi ký.
Năm 1939, bà cùng Đông Hồ từ Hà Tiên ra Hà Nội thăm và nhận giải thơ, nơi ngàn năm văn vật mà các danh nhân Nam Kỳ “rào ước mai ao”. Nhưng Đại chiến thế giới thứ 2 bùng nổ, ông bà chỉ đi được một vài nơi như Hải Phòng, Hà Đông, Hà Nội, tiếc là chưa thăm Hạ Long… Cũng may là ông bà đã đi thăm Nguyễn Trọng Thuật, tác giả Quả dưa đỏ, thi sĩ Quỳnh Dao, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng Lư mà “Mấy năm đã nuôi tình trong mộng, bắt tay nhau tưởng tượng tự bao giờ”.
Trong ký ức của nữ sĩ, buổi tiễn đưa tại ga Hàng Cỏ vào 5 giờ chiều ngày 2/9/1939 vẫn còn nguyện vẹn. Nguyễn Tuân và Lưu Trọng Lư, những danh sĩ Bắc Hà ra tiễn bạn phương Nam. Nữ sĩ đã ghi lại: “Trên ga Hàng Cỏ đông nghẹt người. Người đi đã đông mà người tiễn còn đông hơn. Có hai mẫu người đứng gần nhau mà rất tương phản: Một người dễ dãi, giản dị, một người thì thì nghiêm chỉnh. Người trên là tác giả “Con nai vàng ngơ ngác…” người dưới là một văn nhân thèm đi. Nhà văn “Vang bóng một thời” này đang gợi dậy lòng say mê phong vị sông hồ của tôi từ tấm bé…”.
Sau năm 1945, bà chuyên viết ký sự lịch sử, tùy bút và khảo cứu cho tạp chí Bách khoa, Văn học ở Sài Gòn. Năm 1960, xuất bản ký Đường về Hà Tiên, truyện lịch sử Nàng Ái Cơ trong chậu úp năm 1961, Truyện cổ Đông Tây 1969. Ngoài ra bà còn viết khảo luận. Những năm 1995-1996, bà cho tái bản Gầy hoa cúc, Hà Tiên xưa và nay, Hà Tiên thập cảnh và mới đây, năm 1999 bà vừa cho ra đời bộ ba hồi ký Núi Mộng Gương Hồ trên 800 trang. Mặc dầu viết nhiều thể loại, chủ yếu Mộng Tuyết là một nhà thơ, theo Hoài Thanh trong thi nhân Việt Nam, “Thơ Mộng Tuyết có một vẻ yêu kiều riêng với nhiều cung bậc, lúc bàng bạc sương khói như trong Dương Liễu Tân Thanh, lúc hồn nhiên nhí nhảnh như Làm cô gái Huế, Em xấu hổ…”.
Thế nhưng năm 1945, giặc Nhật gây nạn đói, hai triệu người chết ở miền Bắc Tổ quốc, bà đã dõng dạc lên án trong Mười khúc đoạn trường với lời tố cáo “đốt thóc thay vì đốt củi khô”. Và nữ sĩ đã đứng lên “dưới cờ” khởi nghĩa: “Kết chặt hàng đi dưới bóng cờ. Trời Nam dành lại nước non xưa…” có đề tặng Ân Ngũ Tuyên (tức bút hiệu Nguyễn Tuân).
Ba tập hồi ký Núi mộng gương hồ của nữ sĩ Mộng Tuyết được Nhà xuất bản Trẻ phát hành từ mùa thu 1998 đến mùa hạ 1999, gần 800 trang. Đây là cả cuộc đời thơ văn của nữ sĩ Mộng Tuyết từ thập niên 30 đến thập niên 90, hơn 60 năm.
Ba tập hồi ký văn học của Mộng Tuyết gồm 60 bài viết, về những kỷ niệm với văn nhân cả nước như: Trương Gia Mô, Tản Đà, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tô Hoài, Lưu Trọng Lư, Vũ Đình Liên, Hội Thơ Quỳnh Giao… Các cuộc du ngoạn của ông bà từ Angkor, Bangkok, Nhật Bản, Paris, Hà Nội, Sông Hương, Hải Phòng… giao lưu thù tạc với các bạn văn bốn phương trời.
Nếu như xem đây là bộ sách du ký của nhà thơ Mộng Tuyết – Đông Hồ hay là tập biên niên sử văn học nước nhà, ba phần tư thế kỷ của một giai đoạn hào hùng đầy biến động của dân tộc ta, thì đây là những trang hồi ký rất độc đáo và hiếm thấy trong lịch sử văn học nước ta.
Những tháng ngày xuân Ất Mão (1975), tôi thường làm “tiểu đồng” theo các bác Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi,… đến thăm nữ sĩ ở 318 Nguyễn Trọng Tuyển, và khi bà dời về Hà Tiên năm 1995, tôi cùng đi với Nguyễn Đình Thi và anh đã viết vào sổ lưu niệm: “Trong lịch sử văn học mỗi nước, thường ghi lại những đôi thi nhân, vừa là người yêu, vừa là bạn thơ, bạn đời. Trong văn học nước ta, suốt một quãng dài thế kỷ XX, đã ghi hình ảnh hai nhà thơ Hà Tiên mà những người yêu văn học cả nước đều biết đến, đều kính trọng: Đông Hồ – Mộng Tuyết”. Và trong cảm đề Núi mộng gương hồ, nhà thơ Huy Cận đã viết: “Đông Hồ – Mộng Tuyết là duyên văn tự, mà cũng là tình duyên, tình đời, thấm đượm tình non nước”.
Mùa xuân năm 1995, bà từ Úc Viên (Phú Nhuận) về quê cũ Hà Tiên. Trong bài thơ Trời Cố Viên gửi tặng tôi có đoạn:
Mây trắng bay về trời Cố Viên
Tô Châu còn đó dãy non huyền
Hồ Đông bến đợi còn lưu xứ
Quy khứ lai hề! Quê Hà Tiên
Bây giờ, nhớ Mộng Tuyết – Đông Hồ đã thành người thiên cổ, nhưng để lại dấu ấn sâu đậm đất Hà Tiên chốn tận cùng của đất nước tình duyên, tình đời và tình non nước tuyệt đẹp và trên tầm cao của văn học.
Đoàn Minh Tuấn – Theo eVan