Tây Bắc |
Có lần lão kể, quê tao ở Nam Hà. Nhưng lại gắn bó nhiều năm với Hòa Bình. Các con lão đều lấy tên : con Hòa, thằng Bình, thằng Sơn. Hòa Bình Sơn gợi cho ta nhớ tới một vùng đất bán sơn địa. Nơi có hoa ban trắng, có xôi nếp nương, có con sông Đà ngược thuyền đuôi én. Có sàn phơi giống má dành riêng cho đàn ông. Chính tại đấy, các con được sinh ra. Nước sông gạo chợ miền Tây Bắc đã nuôi các con lớn khôn thành người. Các con hãy nhớ mối tình thiêng liêng này của cha mẹ. Từ khi hai người gặp nhau dưới chân núi hoa. Yêu nhau bên tiếng suối tiên róc rách. Rồi cưới nhau và sinh ra các con. Đấy. Hầu như ngày nào lão cũng kể về vợ con mình, với một giọng rung rinh mằn mặn.
Hình như tôi nghe loáng thoáng vào thời trước cách mạng, gia đình lão có lắm đất đai. Thóc lúa, tiền bạc, của nả chả bao giờ thiếu. Nên lý lịch lão dính dáng đến vấn đề giai cấp thì phải. Rõ khổ. Cái thời hễ nhà ai có bát ăn bát để, là người ta ghen ghét đua nhau bình bầu lên phú nông địa chủ. Xoẹt một cái ra thành phần bóc lột. Con cái những gia đình thuộc thành phần bóc lột có ho cũng không dám phát ra thành tiếng khẹc khẹc. Thế là lão buộc lòng đi thanh niên xung phong thời chống Mỹ. Tôi hỏi sao không đi bộ đội cầm súng đánh giặc cho nó oách. Bộ đội đếch thèm lấy, chú mày tưởng dễ à. Học xong phổ thông, anh mày xung phong lên miền Tây vời vợi nghìn trùng. Cảnh đẹp. Người xinh. Non nước mình đâu đâu cũng ngọt thịt. Hớ hơ hớ thế là tao nhón nhén viết văn làm thơ. Vốn máu me văn chương có trong người, từ những năm lớp chín lớp mười mày ạ. Đừng tưởng nhé. Đây đã từng làm Tổng biên tập một tờ báo nhé… he he he, báo tường thôi. Nhưng ở vào những năm năm chín sáu mươi của thế kỷ trước, làm cái chân biên tập báo tường, cao giá lắm. Bọn con gái cứ chạy theo anh mày hàng đàn hàng lũ. Anh Chiểu ơi xem em cái. Anh Chiểu ơi ấy em chưa. Mày bảo có sướng không. Bác chỉ có phét. Bác mà biết tán gái khối. Ơ hơ chú mày lạ nhỉ. Tao cần gì phải mở miệng ra tán. Cái loại người dùng ba tấc lưỡi để nịnh đầm thì xoàng. Rất xoàng. Anh mày đây chỉ cần nhùm nhìm đưa đẩy thôi. Chết cả hổ báo chứ đừng kể đến đám tóc dài.
Về cái mục gái gú này thì quả tình tôi khó tin ở lão. Ngoài giờ lên lớp là lão cắm đầu vào bàn mà viết. Cách viết của lão cũng chả giống ai. Hở ra một chút rỗi rãi bằng mắt muỗi là lão ngồi vào bàn cắt dán thật lực. Tôi thấy lão không bao giờ dập xóa lem nhem lên bản thảo. Chữ nào cũng nghiêng lả lướt đi trong nắng xuân. Lão thương chữ lắm, chỉ dán đè lên những chỗ cần phải sửa. Một ngày không viết được thì lão ngồi đọc. Không đọc thì nằm gác chân lên chăn để nghĩ. Không nghĩ được thì ra vào hút thuốc vặt. Túm thuốc lá vụn cạn nhanh như mất cắp. Thế là lão tọt tẹt sang gõ cửa liếp : Đức Ban ơi! Cho tao xin điếu thuốc. Một lúc sau, tôi thấy hai gã bật đèn sáng trưng ngồi tán gẫu đến 3 giờ sáng. Tiếng cười hai lão rúc rích như trẻ con trốn tìm. Mùa đông thì lão trùm chăn ngồi thu lu.
Dưới ánh đèn mờ mờ, trông lão Chiểu như đụn rơm biết thở. Còn mùa hè thì cho hai chân vào bao tải. Muỗi đực muỗi cái chỉ còn cách vo ve rình nhà văn mà nuốt nước bọt. Lão lấy làm thích thú khoái chí về sự phát minh ra cái trò cho chân vào bao tải, lừa muỗi. Muỗi ở trường Nguyễn Du, mà ai đã từng trọ học, cũng phát ngán về nó. Trước mặt ký túc có một cái ao nhỏ, nông choèn. Nước xâm xấp đến ngang thềm nhà. Muỗi mẹ muỗi con rủ nhau về đấy đẻ. Con nào con nấy to béo lặc lè. Cứ đêm đến là vù vù inh tai nhức óc như tiếng máy bay OV10, thời chiến tranh.
Có một lần, giữa đêm xanh ngăn ngắt. Tôi đang ngủ ngon lin lít, với cơn mơ rất đẹp. Tôi cưỡi một chú hươu sao màu vàng nhạt, là là bay qua cánh đồng hoa. Bay đến dòng thác bạc thì nghe có tiếng lượn nàng ơi cong vút lên như cầu vồng bảy sắc. Tôi túm lấy cầu vồng, đang chơi vơi chới với thì lão vỗ vào vai tôi : Dậy! Dậy! Tao bảo cái này. Mày thị phạm cho tao mấy miếng võ. Đến đoạn tao đang bí. Võ vẽ nào? Võ nào chẳng được. Võ Tày của nhà mày càng tốt. Bực mình quá, nhưng tôi không dám hỗn với lão. Tôi bèn tụt nhanh xuống đất. Cứ để nguyên quần đùi mỏng tang như hai ống giảm sóc, áo ba lỗ màu tàn nhang, lập tức tôi xuất chưởng. Nhìn đây. Phịch. Miếng này là phượng hoàng vồ mồi. Còn miếng này chết mất ngáp nhé. Ý, em quên rồi. A đây. Lão trố mắt nhìn tôi múa may loang loáng, huỳnh huỵch. Này thì hai chân đá cắt kéo. Này thì tay trái đỡ đòn, còn tay phải đấm ngang mặt. Túm lấy cổ đối phương bẻ ngoặt lại như thế này. Một lúc sau, tôi vã mồ hôi hột, nói hì hừ trong hơi thở. Lão tỏ ra thán
phục thực sự. Tôi thấy mắt lão đơ ra như tê dại. Còn tôi thì cười thầm. Võ vẽ gì đâu, chẳng qua ba mươi sáu động tác cơ bản, học mót từ ngày còn ở đặc công. Nay nhớ lại, dọa đại ca tý thôi.
Chợt tôi thấy một cái nồi con đen đen, đặt bên cạnh chồng bản thảo cuốn tiểu thuyết Chiều hè oi ả. Cái nồi nằm chềnh ềnh như con mèo mun trên bàn viết. Tôi hỏi cái của khỉ gì thế này. Lão bảo cơm nguội đấy. Để làm gì? Lúc nào đói thì bốc ăn. Anh ăn vã cơm nguội à. Thì đã sao? Trời ạ. Nhà văn nhà veo gì mà khổ thế hả. Mày hỏi ai? Thì biết ai đây mà hỏi. Cuộc đời nhà văn, không trải qua nhàu nát, khổ đau, viết đếch hay được đâu mày ơi. Ấy đấy. Mày nhìn đấy. Tôi nghĩ bụng, lão này hâm đến nơi rồi. Ăn cơm nguội với nước bọt ư. Hạt cơm đã hết hơi ấm nóng, nó đông cứng như đá sỏi. Chả hột nào dính với hột nào. Nhai làm sao nổi nữa. Nhưng quả thật, vào những năm 80, cả nước thiếu thốn đủ thứ, khổ đủ đường, chứ chả riêng anh em mình. Nhà văn còn có cơm nguội để ăn, đã là sang lắm.
Cứ đến chiều thứ bảy, lão lại chằng buộc cọc cạch đạp xe ngót trăm cây số về Hòa Bình thăm vợ con. Lần nào xuống cũng nhớ mang theo can dầu mazut. Can dầu đích thị là vàng, với anh em tôi khi đó. Kho cá, nấu cơm, đun nước, luộc rau, rán trứng tất tần tật đều tìm đến anh mazut. Khói mazut nhuộm đen cả một khoảnh trời. Cứ thấy cột khói đen ở đâu, biết sinh viên đang đun nấu ở đó. Nhớ lại cảnh nghèo ngày nào, anh em tôi nâng niu từng đồng bạc lẻ. Thi thoảng có nhuận bút, xài hoang một tý, mới dám ra ngồi quán bà Duẩn. Người đàn bà bán chè chén ở sát nách cổng trường, trông vẻ ngoài rệch rạc nhôm nhoam nhưng tốt bụng. Tôi chưa thấy ai có tài nhớ chính xác tên từng người như chị Duẩn. Chỉ một lần ngồi quán chị, là chị nhớ hết. Chị không cần ghi sổ nợ. Ai nhớ và có sẵn tiền trong túi thì trả. Còn ai quên, coi như chị biếu. Chị biết tính bố nhắng bố nhít của bọn học viên nhà văn các em rồi. Tuy thế thôi, chúng mày ăn ở với nhau chân tình, đầy đặn lắm.
Biết tôi là dân miền núi Cao Bằng chính hiệu, chẳng nghiện ngập gì, chỉ thèm sắn khoai. Nhìn thấy sắn khoai, tôi nhớ đến những người thân. Nhớ nương rẫy ngạt ngào hương hoa đất đá. Đất nhà tôi xác xơ lẫn với nhiều sỏi xít, nên nghèo kiệt mỡ màu. Người làm ra củ khoai củ sắn phải đổi bằng mồ hôi ướt đầm lưng áo. Nhớ con trâu con bò lầm lũi khó nhọc kéo cày. Nhớ cái cuốc cái mai đi ngủ cũng dính đầy bùn thối. Nhớ làn khói vờn bay cuốn vào chiều tím như quả cà đang rụng. Khoai sắn ấy là da thịt nơi quê nhà của tôi. Vì thế lần nào lão cũng cố đem theo dăm ba củ sắn đùi ếch, đã luộc kỹ. Củ nào củ nấy mướt mát, chắc nịch, ngọt lịm. Lão nheo mắt, chống tay hai bên hông, nghiêng bên này, lắc bên kia, đứng nhìn tôi nhâm nhi quà quê một cách chậm rãi, ngon lành. Chủ nhật sau chú về nhà anh. Cái gì chứ, sắn, khoai, đu đủ, mía mật cứ gọi là thả cửa cho chú ăn cả ngày không hết.
Từ khi ra trường đến nay, lão và tôi đều lên chức ông nội ông ngoại. Bây giờ thì hưu cả rồi. Hưu trọn vẹn đến từng mi-li-mét khối. Nhưng khi gặp nhau đâu đó vẫn mày tao ồn ào rôm rả. À này. Trông lão có vẻ già đi thật. Tóc bạc trắng như mây Non Tản, Ba Vì. Ồ không. Nhầm. Lão vẫn như hơn hai chục năm về trước. Đôi mắt vẫn tinh nghịch lắm. Hai chòm râu cá trê bên mép vẫn động đậy ngo ngoe đấy thôi. Vừa nhìn thấy tôi, chưa gì lão đã nheo nhéo : Này này anh Đải anh Đải. Anh cho cháu tui ăn cơm tám với ruốc như ri, thì đủ dinh dưỡng làm sao được. Hơ hớ hơ hớ!
Y Phương
Nguồn : TCNV