Có thể tưởng bài ca dao trên là để tả bức tượng này. Tôi và các cộng sự đã đo đạc kỹ pho tượng theo các thông số chấm hoa hậu hiện đại và cô Ngọc nữ chùa Dâu chắc chắn đoạt vương miện.
Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là dao cau
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen
Kiệt tác điêu khắc này có lẽ là pho tượng tả thực duy nhất cỡ người thật ở Việt Nam. Người mẫu chắc chắn là một cô gái quê cụ thể, có tên họ rõ ràng, là con gái, cháu gái, em gái hay người yêu… của nhà điêu khắc khuyết danh.
Ngọc nữ chùa Dâu, thế kỷ 18, gỗ sơn thếp, cao 155cm |
Không lý tưởng hoá, quy mẫu thống nhất như các tượng tôn giáo khác, nó giống như các tượng chân dung trở nên phổ biến hơn ở các chùa Bắc bộ từ thế kỷ 16 trở đi, đánh dấu một bước phát triển của tự do làng xã và ý thức về thân phận cá nhân bộc lộ mạnh mẽ trong văn nghệ cổ điển nước nhà.
Con mắt lá răm, lông mày lá liễu; trắng như ngà ngọc, như trứng gà bóc… là thường bởi chỉ là mô tả, so sánh bên ngoài, nhưng (ánh) mắt như dao cau, (cái miệng) cười như hoa ngâu thì quả là thần tình. Và nhà điêu khắc cũng chẳng kém nhà thơ khi tạc đôi mắt cô Ngọc nữ lim dim, lúng liếng vừa tình tứ dân dã vừa huyền bí như mắt Phật bà.
Trên gương mặt bầu bĩnh phúc hậu, cái miệng nhỏ xinh mỉm cười để hương thầm lan toả như hoa ngâu trong vườn chùa. Tư thế tượng thờ dâng hoa thường cứng nhắc được làm mềm thành động thái thân và tay khá tự nhiên khiến ta quên đi cả hương khói ban thờ.
Phục trang lễ hội được trau chuốt và có tính ước lệ trong khi cái khăn vấn trên đầu thì tả thực hoàn toàn, rất nâng niu, chi li, diêm dúa. Có lẽ đây cũng là cái khăn cuốn tóc duy nhất tôi được thấy trong điêu khắc.
So với các cô tố nữ trong tranh khắc dân gian Hàng Trống sau này, Ngọc nữ chùa Dâu thực hơn, duyên hơn, cá tính hơn hẳn. So với bức đối xứng bên ban thờ ở chùa Dâu này là bức Kim đồng cũng hoàn chỉnh hơn nhiều.
Mặt khác, pho tượng cũng mang tính điển hình cao, ở mức cổ điển. Nếu đặt gương mặt cô Ngọc nữ chùa Dâu bên cạnh các gương mặt nữ cổ điển của Trung Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Mông Cổ, ta sẽ thấy nét Việt Nam khác biệt và nổi bật không thể chối cãi. Nghệ thuật điêu khắc ở miền Bắc Việt Nam mở đầu từ thời Lý cho tới giai đoạn cổ điển thế kỷ 17 – 18 đã tiến một bước rất dài.
Theo sgtt