Đạo văn không phải điều gì mới mẻ. Từ khi sáng tạo nghệ thuật của cá nhân được thừa nhận thì cũng kéo theo nạn đạo văn xuất hiện. Vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định có vấn đề đạo văn trước thời Khuất Nguyên để lại kiệt tác “Ly tao”. Như vậy, đạo văn cũng giống như bao sự trộm cắp khác, hoặc vì lợi, hoặc vì danh. Thế nhưng, dùng cách viết văn để kiếm danh lợi đã cực nhọc, mà dùng cách đạo văn để kiếm danh lợi còn nhục nhằn hơn!

Với sự phát triển công nghệ số, mọi thông tin đều được kiểm chứng tương đối dễ dàng. Đáng buồn thay, sức mạnh vô tận của internet vẫn không chứng minh được khả năng răn đe hay cảnh tỉnh cho những hành vi đạo văn. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, giới cầm bút xôn xao khi lần lượt bẽ bàng chứng kiến hết chuyện một nữ cử nhân ở Đắc Nông sao chép nguyên xi mấy truyện ngắn của nhiều cây bút khác nhau để in trên tờ báo văn nghệ địa phương, lại đến chuyện một cô giáo ở Đà Nẵng ghép hai bài thơ của tác giả Đặng Nguyệt Anh trở thành bài thơ “Ngày xưa” ký tên mình in trong tuyển tập “Thơ tình lục bát”, rồi tiếp chuyện một nhà phê bình copy cả đoạn văn của nhà thơ Vũ Từ Trang để có bài viết ngắn “Nén tâm hương” về nhà thơ Hoài Anh vừa tạ thế! Ba trường hợp cụ thể trên đều được học hành đàng hoàng và có chức phận rõ ràng trong xã hội. Như vậy, tâm lý và hành vi đạo văn phải nhìn nhận ra sao?

So với việc chạy bằng cấp để lên chức hoặc giữ chức, thì món hời danh lợi nhờ đạo văn không đáng kể. Với máy tính được kết nối, vài động tác cắt dán hoàn tòan có thể biến tác phẩm của thiên hạ thành của mình trong vài giây. Sự thuận tiện đôi khi giống như chỗ ươm mầm cho sự tiêu cực. Tính tham lam thường phát sinh khi của cải bày ra trước mặt, và tính tham lam cũng lây lan như một thứ dịch hạch nếu kháng sinh từ đạo đức cộng đồng không còn tác dụng.

Có ba yếu tố cần cân nhắc khi bàn về đạo văn hiện nay. Thứ nhất, hình như đã manh nha tâm lý đời sống văn chương bây giờ không ai đọc của ai, nên kẻ có dụng ý thấp hèn không hề mảy may run sợ về kết cục bị phát hiện đạo văn. Thứ hai, có vẻ những tác động từ một xã hội khủng hoảng giá trị chuẩn mực đã làm chai lỳ cảm giác xấu hổ và lòng tự trọng. Thứ ba, hệ thống pháp lý và ý thức bản quyền vẫn chưa được thực thi nghiêm túc, khiến cho tình trạng đạo văn được dung dưỡng như cỏ dại, chỉ chờ cơ hội tươi tốt thêm. Xin nêu ví dụ, một người ăn cắp một con vịt hoặc một con gà có thể bị tòa án kết tội, nhưng một người ăn cắp một bài thơ hay một truyện ngắn thì không có qui chế nào xét xử.

Đành rằng, văn chương là sản phẩm tâm hồn, thì bản án thiêng liêng nhất và uy nghiêm nhất sẽ do lương tâm định đoạt. Tuy nhiên, nói về đạo văn thì không thể không đặt hiện tượng này vào bức tranh chung của xứ sở mà nạn đạo văn đang lộng hành. Chỉ cần sự minh bạch được thượng tôn, nạn đạo văn cũng như các tệ nạn khác sẽ chấm dứt! 

Theo Tuy Hòa (NNVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *