Đây là ngã tư Cách mạng Tháng 8 và Nguyễn thị Minh Khai. Ở hai góc đường chéo nhau là hai cửa hàng bán máy tính và các thiết bị vi tính, điện tử, ở hai góc đường còn lại có hai trạm xe buýt. Thường thường, tôi đi xe buýt đến trạm dừng phía trước một cơ quan y tế có dựng một tấm bảng quảng bá phòng chống HIV to đùng, rồi đi bộ thêm mấy bước để vào vườn Tao Đàn. Buổi sáng và buổi chiều ở đó đông vui người ta tập thể dục và đi bộ, trong đó có tôi. Tập xong, tôi đi bộ trở lại ngã tư, đợi xe buýt về, ở cái trạm chéo góc đường bên kia.

Chỗ tôi đứng cách góc đường vài chục mét, xéo xéo cổng một cái chùa Tàu, cũng thuộc loại di tích văn hóa của thành phố, nhưng ít khách vãng lai. Đôi khi để tránh nắng và mùi xú uế ở trạm chờ xe, tôi đứng dưới hiên chùa, thấy ông từ già ngồi ăn cơm một mình. Bên trong chùa thấp và tối, đồ đạc và trang trí có màu chủ đạo là đỏ và đen, đều cũ kỹ, có vẻ rầu rầu. Tôi luôn nhủ thầm, mỗi khi đứng ở cổng chùa nhìn vô, là bữa nào rảnh sẽ vô trong thắp nhang và ngắm kỹ đồ thờ. Còn bữa nay, hầu như mọi bữa, tôi vừa lác một con mắt nhìn vô chùa, vừa nhóng một con mắt canh xe buýt. Thấy xe tới bên kia ngã tư là phải ra đứng sát lề ngoắc, chứ không thì xe chạy tuốt.


Nền chùa cũ thấp hơn mặt đường, suy ra đường làm sau khi đã có chùa. Mặc dù những cây dầu cao sừng sững đều đáng gọi là cổ thụ, nhưng theo ông Sơn Nam thì đường Sài Gòn có cây dầu cây sao đều thuộc về thế hệ “trẻ”. Những con đường đô thị đầu tiên Pháp xây ở xứ này thường trồng cây me. Tôi nghĩ khi đứng vơ vẩn ở ngã tư, có khi những cây me đã quá già, chết đi, người ta trồng lại cây dầu không chừng. Bỗng thấy như thấp thoáng đâu đó, bên kia hai chiều xe chạy chóng mặt, một ông già còm nhom, đi xăng xái mà như bước thấp bước cao. Ông đứng lại bên lề đường, ngước nhìn tán cây cao, trong lúc cây buông xuống hàng trăm trái dầu có đôi cánh màu nâu đỏ, xoay tít và bay la đà chung quanh.

Nói là nghịch lý thì cũng nghịch, nhưng nghĩ cho cùng là điều thuận lý, đương nhiên, rằng một trong những người hiểu biết nhất về thành phố ồn ào, tấp nập, quay cuồng, hối hả này là một người luôn thong thả, thích đi bộ. Sơn Nam có một dáng đi rất đặc biệt. Sau này, tôi có dịp gặp mấy người anh em họ của ông còn ở quê nhà mới thấy tướng tá và dáng đi của họ giống nhau. Dù cho đó có là di truyền, hay chẳng qua thuở nhỏ ở chung nhà chung xóm, học đi học nói với nhau, thì vẫn chắc chắn một điều : dù đi khắp đất Sài Gòn, ông vẫn còn nguyên cốt cách của mình, y như anh em họ ông cả đời quẩn quanh ở Miệt Thứ.

Cũng giống ông từ già ngồi ăn cơm kia, chỉ nhìn cách ông ngồi còng còng cái lưng, cách ông bưng cái chén, cầm đôi đũa lùa cơm vô miệng – giống như cách bất cứ người nào ăn cơm – mà tôi dám nói chắc ông là một người Tàu. Vì có một cái gì rất đặc biệt toát ra từ toàn bộ cung cách đó gợi tôi nhớ ngay đến cha tôi. Ông rời quê nhà tận một xóm núi Trung Hoa xa xôi thuở mười mấy tuổi, sống sáu bảy chục năm ở thành phố này, làm nghề buôn bán, từng xuống chó lên voi, không phải không có dịp ăn cao lương mỹ vị, vào ra nhà hàng. Nhưng cách bưng chén cầm đũa của ông không hề thay đổi đã đành, mà vạn lần như một, luôn toát lên một phong thái đặc biệt Tàu.

Tôi hồ nghi dáng đi của ông Sơn Nam và cách bưng chén cơm của cha tôi có thể tiêu biểu cho nét đặc trưng gì đó của thành phố này. Nhưng sao lại không? Lúc đứng ở ngã tư chờ xe buýt, nhìn trái dầu xoay tít mù trong gió, tôi nghĩ đến cuộc đời ngắn ngủi của con người, có dài lâu gì hơn khoảnh khắc trái dầu rơi. Mới là đứa trẻ chạy rong trên phố đó, xoay qua xoay lại đã thành bà già ông già, rồi biến mất trong miệng ống cống nào đó. Nhanh lắm, dù là sáu bảy tám chục năm. Mà cái khoảnh khắc ngắn ngủi lìa cành xoay tít trong gió chướng, hay quay cuồng trong cuộc sống đô thị, người ta đâu có đủ thì giờ để tự vấn mình là ai. Mà là ai, rốt cuộc có khác gì đâu?

Những dòng xe bỗng đổ dồn về ngã tư, xoắn xít nhau rồi kẹt cứng, xe buýt cách trạm vài mươi thước mà không nhích tới được. Vậy tôi nghĩ tiếp về dáng đi ông Sơn Nam và cách bưng chén của cha tôi. Cả hai đều là di dân đến thành phố, dù nặng lòng hoài cố hương vẫn chọn đất này để sống trọn đời. Họ từng đi qua những đường phố đông đúc, như người nổi tiếng và kẻ vô danh, đóng góp cho bức tranh Sài Gòn – Chợ Lớn vài đường nét đã nhanh chóng bị lấp vùi chồng chéo bởi vô vàn đường nét sắc màu khác. Mỗi cá nhân họ không là hình ảnh tiêu biểu cho thành phố. Nhưng tất cả họ lại tiêu biểu cho một nét đặc trưng rất Sài Gòn – Chợ Lớn : nơi người tứ xứ thập phương hội tụ, quay cuồng, lai tạp, cọ xát, trộn lẫn, bản sắc của mỗi cá thể đều đóng góp thành những đặc tính không của riêng ai, đồng thời mỗi cá nhân vẫn có thể giữ nguyên đặc tính riêng của mình, nếu có bản lĩnh.

Lý Lan
Nhịp sống Sài Gòn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *