Có người nhờ tôi tìm dùm những sinh viên thuộc gia đình nghèo mà học giỏi. Tôi nhận lời vì tưởng đó là một việc dễ dàng : Nước mình thiếu gì gia đình nghèo, dân mình lại hiếu học, học giỏi là một con đường phấn đấu thoát ra nghèo đói đã được nhiều người thực hiện thành công. Nhưng khi hỏi một người bạn đang dạy ở một trường đại học, ông nói ngay : “Đa phần sinh viên trường này xuất thân trung bình khá, học lực cũng thường thường, nghèo mà học giỏi không có đâu.” Bởi vì : “Thực tế, giáo dục lâu nay từ lớp một trở đi không cho đứa trẻ nhà nghèo nào cơ may học hành tử tế. Giữa một đám trẻ cùng điều kiện ở một địa phương thì tất nhiên có đứa này hơn đứa kia, nhưng thảy vô cái sàng đại học quốc gia mà lọc, khó có đứa lọt vô hàng giỏi.”

Tôi nghĩ, chuẩn nghèo ở xứ mình thấp. Mức kinh tế gia đình trung bình có thể nên được coi là nghèo. Nhưng học lực thường thường – ông giáo sư khẳng định – không thể coi là giỏi, thậm chí giỏi ở cái trường không đứng được top 10 trong khu vực này thì cũng là loại thường thường trên thị trường lao động. Nỗi bức xúc của ông giáo sư nằm ở chỗ, muốn nâng cao chất lượng đại học thì phải làm một cuộc cách mạng giáo dục, bắt đầu từ đào tạo và tuyển chọn lại giáo viên mẫu giáo và tiểu học trước, sao cho người ta ý thức mọi đứa trẻ đều là đối tượng đầu tư của gia đình và xã hội, chứ không phải là phương tiện mưu sinh của nhà trường. Ông cho là với thành phẩm của nền giáo dục phổ thông hiện nay thì đừng trông mong đại học đào tạo ra nhân tài kiệt xuất nào.

Mục đích người nhờ tôi tìm sinh viên nghèo mà học giỏi không chỉ để giúp đỡ những cá nhân có tài năng và ý chí, mà muốn qua những tấm gương đó cổ vũ những người trẻ xuất thân ở thế bất lợi trong xã hội vươn lên đỉnh cao tri thức để trở thành người hữu ích cho nước nhà. Có thể đoán không sai là người mong ước điều đó trên 70 tuổi và xa rời thực tế giáo dục Việt Nam khá lâu.

Khoảng hai, ba chục năm trước còn một thế hệ phụ huynh vì những hoàn cảnh lịch sử, xã hội mà gặp khó khăn kinh tế, nhưng vẫn có ý thức giáo dục là lối thoát cho con cái. Thời xưa cũng còn một thế hệ thầy cô có lương tâm nghề nghiệp. Cho nên, trong đám trẻ trưởng thành khoảng mươi năm về trước xuất hiện những tài năng xuất sắc vượt lên trên hoàn cảnh vật chất khó khăn của bản thân lẫn xã hội. Mười năm trở lại đây, nền giáo dục phổ thông có lẽ phản ảnh được sự phân hóa của xã hội : Ít nhất, có hai thế giới nhà trường : một là nơi mà ngay từ lớp một, điều kiện tiên quyết để được nộp đơn (chứ chưa được nhận) là tự nguyện nộp một số tiền có thể bằng nhiều tháng lương của một công nhân hay nông dân trung bình. Lộ trình khởi từ điểm đó dẫn tới con đường du học hoặc đại học “quốc tế”. Con đường còn lại dành cho những con chuột bạch giáo dục xuất thân từ đại đa số gia đình thường thường. Những gia đình này không nhìn thấy cách nào đổi đời bằng con đường giáo dục chấp vá mà con cái họ có thể hưởng thụ. Đột xuất cũng còn những người trẻ cố vươn lên, nhưng ngày càng hiếm.

Người bạn nhà giáo của tôi hơi chua chát : Ba mươi năm làm thầy, ông đã yêu mến và bằng cách này cách khác giúp đỡ những người trẻ nghèo khó hiếu học. Kết quả là phần lớn họ thoát được nghèo khó, thậm chí trở nên giàu có, thành đạt. Nhưng ngẫm lại, họ cũng chỉ sử dụng học vấn như ưu thế để vơ vét cho bản thân. Hiếm hoi mới có kẻ nghĩ, mình là kẻ suốt đời mang một món nợ xã hội mà khi có điều kiện mình phải trả. Ông giáo nói, ông hiếm gặp những người đã từng được giúp đỡ vật chất để vượt khó, nay thành đạt, trở về trường để làm một cái gì đó dù đơn giản như lập một quĩ học bổng giúp đỡ đàn em. Có thể họ có lý : Vấn đề cơ bản không phải là tiền. Mà cái chốt chuyển đổi thì ở ngoài tầm tay của người như họ.

Dù sao, tôi quay trở lại mục tiêu khiêm tốn ban đầu là tìm dùm một người hảo tâm vài sinh viên giỏi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Nghèo không phải là một chuẩn đạo đức, nhưng khi cơ hội không được chia đều cho mọi người, thì người từng trải sự khốc liệt của cuộc tranh sống muốn giúp đỡ người ở thế thua thiệt. Người bạn giáo sư của tôi có quan điểm khác. Ông bảo : “Sinh viên thì đứa nào chẳng khó khăn, bao nhiêu mới đủ cho chúng tiêu xài trong xã hội tiêu thụ này. Nhưng đây, những đứa giỏi nhất lớp.” Ông giở sổ ghi ra năm cái tên, mỗi tên kèm theo một số điện thoại di động để liên lạc.

Lý Lan
(Báo Sinh viên)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *