Từ khi biết cầm muỗng tự ăn đã được người lớn dạy cách đối xử với hột cơm. Phải múc cơm cho gọn, phải lượm ăn bằng hết những hột cơm rơi ra trên bàn và phải vét sạch chén cơm. Đến khi biết cầm đũa thì phải và cơm cho gọn, không để cơm rơi vãi và vẫn là điệp khúc vét cho sạch chén cơm.

Đến khi biết nấu ăn thì phải biết lường bụng cả nhà, không xúc gạo quá nhiều để cơm thừa rồi thiu, thối và phải biết vần nồi sao cho cơm ở đáy không cháy, không dề. Biết bao nhiêu bài học về gạo và cơm. Chúng đã được nâng lên thành văn hóa ứng xử và cao hơn, là văn hóa sống, văn hóa của người làng quê.

Lớn lên biết ra đồng làm đất, ủ giống, dặm lúa, bón phân, gặt hái… Biết cây lúa có nhịp điệu ứng với cuộc đời của người đàn bà. Chào đời, ấu thơ, dậy thì, hiến dâng, tàn lụi. Biết lúa nghẹn khi nắng khô, biết lúa cười khi mưa xuống, biết lúa vui khi trăng thanh và biết lúa hát khi bông oằn, hạt mẩy. Chén cơm vì vậy mà nặng hơn, đằm hơn khi giáp hạt hay khi mùa mới. Không gì thiết thân hơn cây lúa, vì vậy mà không gì quan trọng và thiêng liêng bằng. Đã từng đi rất xa để thấy nhớ cây lúa hơn mọi thứ cây từng có trong vườn nhà. Đã từng thán phục những thứ cây vạm vỡ và no ấm xứ người nhưng thâm tâm vẫn cãi lại: lúa vẫn đẹp hơn, khi xanh cũng như khi vàng, không gì có thể sánh nổi!

Thế nhưng con người vẫn có xu hướng sùng bái những loại cây cao niên chung quanh mình. Đạp lên một bụi lúa rày, không xót. Lỡ đi một khoảnh mạ xấu, không đau. Và mấy ai bõ công ra để nghe lúa tâm tình, than thở. Thế nhưng, một gốc cây ăn trái trong vườn thì lại khiến người ta thuộc lai lịch và cuộc sống của nó như đứa con của mình. Có thể nhớ cây vú sữa này trồng từ năm nao, có thể kể cây xoài này mua từ dưới ghe bán cây con dạo hay ươm từ hột xoài xin của nhà ai đó. Có thể nhớ cây dừa xiêm này cho lứa trái đầu từ năm nào và vị ngọt của nước dừa có thể sánh với dừa của nhà hàng xóm không. Cũng tự nhiên thôi, cây thì ít mà trái của chúng lại nhiều vẻ, nhiều vị khiến cho cuộc sống phong phú, đủ đầy hơn lên. Cây lúa lại bạt ngàn, giống hệt nhau và cơm bữa nào chả có, dù không có cơm trong vài bữa thì đã thấy cuộc sống đen kịt đi rồi.

Thời bình, tưởng lúa cứ thế bình an, không sóng gió, không long đong, không bị đe dọa tàn phá nữa. Tưởng nhà nông cứ thế mà cần cù, hai vụ rồi ba vụ, năm tấn rồi sáu, bảy tấn. Cây lúa và nhà nông như vợ với chồng, cứ thế mặn nồng, sinh sôi, sung túc. Nhưng không ai phụ ai mà nhà nông chán lúa, nhà nông phụ bạc lúa để vui duyên với những thứ khác sinh lợi nhiều hơn. Những cánh đồng vụn ra, cây mía chen vào, cây vườn tiến ra, gặp nhau người ta toàn bàn chuyện cây gì con gì chứ lúa thì giống như vợ cả, già nua, cũ mèm, chán ngắt. Và bỗng dưng, những vùng lúa trù mật như bị úm ba la, hết thời, mất tăm. Những khu nhà đường bệ, những cao ốc chọc trời, những căn phố dằng dặc và những sân gofl. Nhà nông không thèm đến cây lúa, người thành phố muốn tìm lại những cánh đồng thì cứ thấy hiện ra hai bên cửa xe khung cảnh nhàm chán được gọi là hình ảnh của công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Có một con đường gọi là cao tốc đang nức tiếng cả nước về mọi mặt. Ô tô bon bon trên ngọn cây tính về độ cao của cầu vượt. Dĩ nhiên lũ lúa phải chịu cảnh lè tè bên dưới tầm nhìn. Ánh sáng cao áp rã rượi suốt đêm, âm thanh rung chuyển suốt ngày, người ta cho rằng đó là quy luật để đến với tốc độ, tiện ích và văn minh. Cây lúa đâu có biết điều đó, đời lúa chỉ có trăm ngày, từ chào đời, ấu thơ, dậy thì, dâng hiến và tàn lụi. Vỏn vẹn chỉ có trăm ngày. Chào đời trong âm thanh cuồng nộ, lớn lên trong ánh sáng triền miên công nghiệp, lúa nghẹn, lúa nín mà mấy ai hay. Nhà nông chỉ biết lúa không cho bông và nếu lúa cho thì không có hạt mẩy cũng không có bông oằn.

Rồi sẽ có lúc một đứa bé không có cơm để xúc, không có hột cơm nào rơi ra để nó lượm lên ăn và sẽ không cảm giác được hít thật sâu một chén cơm mùa mới để mùi thơm ấy theo nó suốt cả cuộc đời. Sẽ có hàng tỷ người thiếu đói, con người biết trước cả, con người biết mà vẫn thản nhiên cho đó là cái giá mà con người phải trả. Nhà nông biết ít hơn do lầm lụi với đất đai, nhà nông đang thưa dần vì con cái nhà nông thích lên thành công nghiệp hóa hiện đại hóa. Những nhà nông chung thủy ngơ ngác sao lúa bên đường cao tốc không sai, không chín, không oằn, chỉ có cây lúa mới biết vì sao như vậy. Cây nào mà chẳng có tâm tư, có điều người ta không ngờ có lúc lúa cũng phải khóc, duy tiếng khóc ấy ra sao thì chắc có trời mới biết.

Theo Dạ Ngân (PNO)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *