Trước đây, trong chiến tranh, nghe nói đến Nhật Bản, Hàn Quốc vốn “đồng văn, đồng chủng” với mình, cũng vừa mới từ chiến tranh, từ nghèo đói như mình, nhờ công nghiệp hóa mà bỗng chốc giàu sụ, văn minh, rạng rỡ khoe sắc trong vườn nhân loại, ai cũng ham. Câu trả lời cũng rất dễ, chỉ có một : Người là hoa của đất, con người sống nhờ đất, họ cũng từ đất mà lên chứ sao!

Lúc đó đang mải đánh giặc, trong tay không có vốn liếng, tiền gạo đều ăn đong, còn gì khác hơn là đất? Lương cán bộ, bộ đội, học phí của học trò đều tính bằng đơn vị tương đương ki-lô gạo. Gạo là đất, là sản phẩm từ đất, “cái thuở ban đầu dân quốc ấy”, khi vừa thoát khỏi vòng nô lệ, “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, tài sản quốc gia chỉ có DÂN và ĐẤT. Dân được trọng mà đất cũng được trọng, trở thành bất khả xâm phạm, gắn liền với Tổ quốc.

 

Không ngờ đến hôm nay, chỉ còn hơn mười năm nữa là hoàn thành sứ mệnh công nghiệp hóa theo kế hoạch, câu hỏi ấy lại càng phải đặt ra cấp thiết. Người ta sống bằng gì? Bằng ti-vi, tủ lạnh, ô-tô, máy bay, Ipod, Mobi, ổ cứng ổ mềm vi tính? Bằng sân gôn hay nhà nghỉ? Từ chỗ phải bình bầu thâu đêm suốt sáng mới phân phối xong một cái đài ORIONTON, bây giờ nhiều o thôn nữ đi cấy đeo tai nghe của máy MP3. Từ chỗ cả nhà ngồi bên mâm cơm trộn bo bo mà không ai được ăn no, nay gạo ê hề cho mọi người. Chỉ nghèo nhưng không còn đói. Từ chỗ ống quần cắt ra quay bốn hướng cho chỗ đầu gối được mòn đều để tiết kiệm vải, nay ngay cả vùng nông thôn, nhiều nơi người nghèo không chịu mặc áo cũ do các nước giàu hay từ bà con thành phố chuyến đến. Không ai nói phải từ đất đi lên nữa. Mà ai cũng tấm tắc : phải công nghiệp hóa nhanh nhanh. Vì công nghiệp hóa đi đôi với tiện nghi, với giấc mơ sung sướng ngàn đời nay của người Việt.

Nhưng câu hỏi vẫn được đặt ra : Vậy người ta sống bằng gì? Dân Việt Nam ta sẽ sống bằng gì?

Đúng là phải công nghiệp hóa, không ai giàu lên được mà không đi theo con đường công nghiệp hóa. Nhưng hãy chớ vội quên rằng, con người ta, dù ở những nước  công nghiệp hóa tận răng, thì con người vẫn là hoa của đất, vẫn phải đứng vững hai bàn chân lên mặt đất mà sống.

Đặc biệt với nước Việt Nam ta, dân Việt Nam ta, vốn nhiều đời nay trong lịch sử, chông chênh đầu ngọn sóng, kẻ thù luôn sát nách, bão tố gầm gừ quanh năm, nếu quên đất, phũ với đất, lãng phí đất, tốc độ  công nghiệp hóa nhanh mà không vững, lấy đất của người cày để giao cho người xây nhà kiếm lời hay thỏa mãn tham vọng có nhiều thành phố lớn thì hậu quả chắc sẽ là bi đát. Nguy cơ người thất nghiệp ở nông thôn sẽ tăng nhanh vì thiếu đất, trong khi đó, nhà cửa thành phố không có người ở mà giá lại vẫn trên trời. Đất không những cho ta gạo – ngô – khoai – sắn. Đất là môi trường bền vững, là chỗ dựa cho tất cả những bất trắc nguy nan của con người và xã tắc. Cho nên, tốc độ công nghiệp hóa, đào bới khoáng sản để giàu nhanh mà không tính đến sự hài hòa với quỹ đất là sẽ có thảm họa.

Xin nhớ câu : “Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân – Theo VNQĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *