Tôi lên Sài Gòn, mấy ông bạn đồng nghiệp có tiếng sành ăn dẫn đi một quán đặc sản để ăn rạm. Họ nói thêm : "Món đặc sản này mới lên ngôi, ngon lắm!".

Món ăn dọn lên là một cái dĩa được trang trí cầu kỳ với khoảng 20 con rạm to chỉ bằng cẳng cái (vậy mà khi tính tiền đến những 70.000 đồng một dĩa). Những con rạm được tách mai ra, chặt bỏ càng ngoe, gạch trong mai thì họ rưới lên rạm… Sau đó rang lên vàng cháy, trông đo đỏ, vàng vàng cũng ngon mắt.

Mấy ông bạn Sài Gòn của tôi vừa nhai rau ráu vừa nút chùn chụt rồi "rên" lên một cách khoan khoái rằng : "Trời sinh cái con chi mà ăn béo và ngọt đến tận xương tủy!". Còn tôi, sau khi ăn và nhướng mắt nhìn kỹ con rạm, tôi cũng "rên" lên rằng : "Kính thưa quý anh Sài Gòn, con rạm của quý anh, ở quê tôi người ta gọi là con rẹm. Nó ở đầy kinh, đầy rạch. Chợ Cà Mau, Bạc Liêu bán có 4 – 5.000 đồng một ký".

Bất kỳ cư dân miền Tây nào ở vùng sinh thái ngập mặn thì không thể không biết đến con rẹm. Vùng bán đảo Cà Mau là vương quốc của rẹm. Thuở nhỏ, tôi có một ấn tượng về con rẹm mà bây giờ ngồi nhớ lại cứ rõ mồn một. Tôi có ông anh chú bác ruột tên Tư Cừ. Cha mẹ anh mất sớm nên ba tôi nuôi anh từ nhỏ, rồi cưới vợ, cất nhà cho ở riêng, lại sắm cho một miệng đáy nhỏ đặt dưới kinh Thào Lạng để vợ chồng anh mưu sinh. Hồi đó (khoảng thập kỷ 60 – 70, thế kỷ 20), chiến tranh ác liệt lắm, pháo 105 ly từ chợ Bạc Liêu bắn ra cầm canh như tiếng mõ ở chùa Nàng Rền vọng về đêm đêm. Rồi máy bay "đầm già", "cá lẹp"… quần đảo soi mói và phóng pháo đì đùng. Suy nghĩ tập trung nhất của người dân quê tôi là để chạy trốn cái chết. Thế nên, công việc làm ăn chỉ dựa vào thiên nhiên là chủ yếu.

Hồi đó, ruộng đồng không có hệ thống thủy lợi gì cả, chỉ có mấy cái bờ ranh nho nhỏ để ngăn cách ruộng này với ruộng kia, mà cũng chỉ là loại bờ đứt khúc, đứt đoạn vì bom pháo tàn phá. Vì thế, nước mặn từ các cửa biển đi theo sông rạch chảy tràn lên những cánh đồng bao la rộng lớn. Có những tỉnh ở vùng bán đảo Cà Mau, đất ngặp mặn chiếm đến hơn nửa diện tích. Đất như thế, nông dân quê tôi gọi là đất "thào lềnh". Nghĩa là quanh năm nước lên xuống tự nhiên theo chu kỳ nước ròng nước lớn của thủy triều. Và cũng chính vì thế, bao nhiêu ấu trùng tôm cá của biển Đông giàu bậc nhất nước theo thủy triều vào sinh sôi trên lục địa. Từ đó, cư dân vùng sinh thái mặn này sống nhờ vào khai thác thủy sản là chính, còn làm lúa chỉ là phụ. Không biết bao nhiêu nghề khai thác truyền thống ra đời : đóng đáy, đặt nò, đặt đó, giăng lưới, thả câu… Người Khmer Nam bộ còn có thêm những nghề khai thác thủy sản như đặt sà ngom, sà vi… Thời đó, nếu không có chiến tranh thì cuộc sống của con người thoải mái lắm, bởi cá tôm hằng hà sa số trên sông rạch, không làm sao mà khai thác cho hết, và có khi nó còn làm khốn khổ cư dân ở đây.

Ông anh chú bác với tôi chỉ có một miệng đáy nhỏ đặt trên kinh Thào Lạng mà nuôi một vợ hai con khỏe re. Khỏe re là theo cuộc sống thời đó. Mỗi một con nước rong, anh bắt hàng tấn cá kèo. Có bữa, một đụt đáy đổ lên là một xuồng ba lá cá kèo, bán không ai mua, phải đào hầm rọng, chờ nước kém để bán.

Anh Tư Cừ ít học nhưng lại rất tài hoa. Anh ca giống hệt như Thành Được (một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của thập kỷ 60 – 70, thế kỷ 20). Ngón đàn ghi-ta phím lõm với các làn điệu vọng cổ, Nam ai, Phụng hoàng… của anh đã làm say đắm không biết bao cô gái trong làng. Cái trại đáy nhỏ của anh là địa điểm tập hợp của thanh niên trai tráng trong xóm. Buổi tối nào mà im tiếng pháo là cái trại đáy ấy rộn ràng tiếng cười nói, réo rắt tiếng đàn ca. Do chiến tranh ác liệt nên con người khao khát được giải tỏa, làm tươi mới tâm hồn cho cuộc sống trước cái chết luôn rình rập. Hồi đó, tôi khoảng 10 tuổi. Chiều nào, tôi cũng có mặt để giúp anh Tư tôi đổ đụt đáy, để được nghe đàn ca. Chị Tư tôi nấu đồ ăn rất ngon. Chị tự giác nấu nướng như công việc của gia đình hàng ngày. Khi thì chị đãi khách bằng một nồi cháo cá kèo béo ngậy, khi thì món cá chẻm nấu canh chua… Rượu thì do bạn bè mang đến. Khách cứ tự do ăn nhậu đến thâu đêm suốt sáng.

Buổi tối đó, tôi không nhớ rõ năm, nhưng chắc chắn là vào ngày rằm tháng 9 âm lịch. Nước trên kinh Thào Lạng dâng cao lắm, ngập cả sàn lựa cá của trại đáy và trăng cũng thật sáng, ánh trăng trải dài trên kinh Thào Lạng. Trong ánh trăng, chúng tôi thấy rất nhiều rẹm. Chúng đeo dày đặc trên cột đáy, bò lóp ngóp lên sàn, và một lúc thì nền nhà đã đầy rẹm. Những người đến đàn ca phải quét chúng đi rồi lấy ván chặn lại mới được ngồi yên để nhậu. Còn trên mặt kinh thì rẹm nổi đầy, chỉ cần lấy vợt vớt một cái là cả ký. Mấy ông già bảo nước rong tháng 9 âm lịch là thời khắc rẹm giao phối để đẻ trứng. Dân quê tôi gọi là mùa rẹm hội. Nó cũng giống như mùa hội của ba khía, cá đường… Những con rẹm từ các hang sâu, từ các ao đầm, biền, trảng đổ xô ra các nhánh sông, kinh, rạch để gặp bạn tình. Trên đôi bờ kinh Thào Lạng, rẹm bám dày đặc các gốc cây, bập dừa nước. Con nước rong của đêm rằm tháng 9 đó chắc mẻm là trại đáy của anh Tư tôi thu ít gì cũng một tấn cá kèo, tôm, cua… Vậy mà rồi tôm, cua không có một con nào. Trong khi đó, rẹm vào đầy ứ miệng đáy, đến nỗi cột đáy xiêu vẹo gần sập. Anh Tư phải tháo dây cột đuôi đáy để thả rẹm ra sông rồi cùng với bạn bè quáng quàng cuốn đáy lên. Quy luật của đời sống sinh vật thật lạ lùng. Khi lũ rẹm đổ xô ra sông rạch thì cá kèo, tôm, cua dường như trốn mất tăm. Điều này ở nông thôn ai cũng biết. Đặt một cái nò, chỉ cần vài chục con rẹm vào là nó quậy tép, cá trong nò đi hết. Thế cho nên, rẹm là vấn nạn của người nông dân quê tôi. Thời đó, rẹm chẳng ai mua, chẳng ai ăn cả.

Đêm đó, chị Tư tôi ngồi vo gạo bắc nồi cháo lên sẵn để chờ đổ đụt lên là cho cá kèo vào. Thế là lâm vào cái cảnh tiệc nhậu của sòng đàn ca không có mồi. Cực chẳng đã, các thành viên sòng nhậu phải xoay qua bắt rẹm nướng để đưa cay. Sẵn có cái bếp than un muỗi đỏ rực để giữa trại đáy, chúng tôi chỉ cần thò tay bắt những con rẹm cái to, bò đầy dưới sàn bỏ vào lửa than cho chúng vàng cháy là tách mai ra ăn. Tháng 9 âm lịch là mùa rẹm gạch son, thế cho nên mai rẹm đầy gạch. Gạch rẹm ăn còn béo hơn cả gạch cua biển, thịt rẹm thời điểm đó cũng nhiều (gọi là rẹm chắc) nên rất ngọt. Cứ thế, những người ngồi nhậu rẹm vừa ăn vừa thổi, vừa nướng… cũng xôm tụ lắm. Chị Tư tôi vốn nổi tiếng trong xóm bởi tài nấu ăn rất ngon. Chốc sau, chị mang ra hai dĩa rẹm rang mỡ. Những con rẹm được chặt bỏ càng ngoe, tách mai ra, lấy gạch trong mai rưới lên mình rẹm rồi cho vào chảo rang lên (cách làm giống hệt như chỗ nhà hàng đặc sản mà tôi nói trên), mấy tay nhậu ăn rồi khen tấm tắc…

Chưa hết, đến giữa tiệc nhậu, chị Tư lại mang ra món rẹm muối. Cách làm thì giống như ba khía muối, nhưng tôi có thể đảm bảo chắc chắn rằng, ba khía Rạch Gốc (Cà Mau) nổi tiếng Nam Kỳ lục tỉnh hồi đầu thế kỷ 20 ăn thua xa rẹm muối. Cả tiệc nhậu ai cũng khen nức nở. Chị Tư tôi tách mai, xé con rẹm ra rồi trộn với tỏi, ớt, giấm, đường… Rẹm vốn nhiều gạch hơn ba khía nên cái mai của nó ăn béo vô cùng, còn mình rẹm thì vừa mặn, vừa béo… ngon một cách lạ lùng.

Tiệc nhậu đàn ca đến gần 11 giờ đêm thì đành phải tan trong nỗi ấm ức của nhiều người, vì pháo từ chợ Bạc Liêu đã bắt đầu bắn ra. Hồi đầu thì bắn thưa và rớt xa xa, sau đó thì bắn gần, cả sòng nhậu nháo nhào, ai chạy về nhà nấy. Khoảng một tiếng sau thì pháo dứt. Bỗng tôi nghe tiếng khóc dậy ở phía đầu xóm. Và lát sau thì một tin đau xót bay lại trại đáy : Anh Sáu Nhiều (bạn ca rất thân tình với anh Tư tôi) trên đường chạy về nhà đã bị bọn biệt kích Mỹ bên sông bắn qua, làm anh chết ngoài ruộng. Anh Tư tôi vừa khóc vừa chạy lại đầu xóm, còn tôi thì thất thần. Mới đây, anh Sáu Nhiều còn xuống câu vọng cổ trong bài "Lòng dạ đàn bà" rất ngọt, và luôn khen món rẹm muối của chị Tư tôi rất ngon, vậy mà… Kể từ đó, ở xóm tôi, mỗi năm đám giỗ anh Sáu Nhiều ai cũng nhắc buổi nhậu rẹm ở trại đáy anh Tư Cừ. Đó là buổi rẹm không phai trong cuộc đời tôi.

Ngày xưa, ở quê tôi làm lúa mùa muộn. Tháng 8 âm lịch mà lúa mới đang thời con gái, khi đó cũng là lúc lũ rẹm trưởng thành (ấu trùng rẹm từ biển vào bắt đầu từ những con nước rong tháng giêng, tháng 2). Chúng tràn lên ruộng, cắn rạp những bụi lúa non tơ mà không có cách gì trừ khử chúng.

Rằm tháng 8 – 9 âm lịch, trong đêm trăng sáng, lũ trai tơ gái lứa chúng tôi rủ nhau xuống xuồng bơi ra sông Bạc Liêu để hò hẹn và cũng để vớt rẹm, trên xuồng để một bếp un muỗi và một cây vợt. Lúc đó, rẹm nổi dày mặt sông, dùng vợt vớt một cái là cả ký rồi bỏ vào cái khạp có chứa sẵn nước muối. Vui lắm! Chúng tôi vừa vớt rẹm vừa nướng rẹm ăn và hẹn hò tình tự. Mỗi xuồng vớt hai, ba trăm ký rẹm là chuyện thường. Hồi đ&o
acute;, dân quê tôi muối rẹm để dành ăn lâu ngày phòng khi nước kém không có cá ăn như muối ba khía. Một bữa cơm cấy thường chỉ có hai món ăn là bí rợ hầm dừa và rẹm muối. Vậy mà các thợ cấy ăn đến 9, 10 chén cơm.

Bây giờ, ở quê tôi, rẹm đã giảm đến 90%. Vùng Bạc Liêu, Cà Mau đã không còn thấy mùa rẹm hội nữa. Thi thoảng chỉ thấy một khu vực nhỏ, một nhánh sông nào đó có rẹm nổi vào tháng 9 âm lịch.

Tôi có trọn vẹn một tuổi thơ là nông dân. Con rẹm, con cá, ngọn rau… ở vùng đồng chua nước mặn đã nuôi tôi nên vóc nên hình. Thế nên tôi quý yêu, kính trọng cái vùng đất Nam bộ giàu sản vật nức tiếng của ngày xưa.

PHAN TRUNG NGHĨA – SCLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *