Tôi về Phú Lộc, mảnh đất nằm bên dòng sông Vu Gia, thuộc xã Đại Hoà, huyện Đại Lộc, Quảng Nam một buổi chiều cuối năm. Tuy tiết trời se se lạnh nhưng vẫn có ánh nắng, dù là thứ ánh nắng yếu ớt sau đợt mưa và chút rét kéo dài trong thời gian vừa qua. Đường vào làng, cách đây chừng năm bảy năm hãy còn là đường đất, với những ổ gà, ổ voi nhưng nay đã được bê tông hoá, cứ thẳng tăm tắp. Rồi nhà cửa khác xưa quá. Khang trang hơn, vững chắc hơn. Nhìn qua đủ biết cuộc sống người dân Phú Lộc giờ đã đổi thịt thay da, khấm khá và no đủ hơn nhiều.
Tuy nhiên, điều gây ấn tượng với tôi nhất là dọc hai bên đường, người dân phơi đầy hương. Càng vào sâu, hương càng nhiều. Màu đà đất, màu vàng sẫm, vàng choé… của hương nổi bật giữa màu xanh của những hàng chè Tàu càng làm cảnh vật làng hương thêm rực rỡ. Lại gần, mới biết người ta phơi hương bằng nhiều cách. Có người phơi trên những chiếc nong. Cũng có nhiều người phơi bằng giàn tre trước sân, ngoài ngõ. Màu sắc sặc sỡ cùng mùi hương trầm thơm ngát đang thoang thoảng trong không gian góp phần tô điểm thêm cảnh vật, đất trời, báo hiệu lại một mùa xuân nữa sắp về trên mọi nẻo đường của làng hương dọc bờ sông Vu Gia này.
Ảnh minh họa |
Được biết, làng hương Phú Lộc là một trong những làng hương truyền thống của Quảng Nam. Có câu chuyện kể khá lý thú rằng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, ông Hứa Tàu, tiền hiền tộc Hứa, không hiểu vì lý do gì không có đất ruộng cho nên ông phải đi làm ăn xa. Trong những chuyến đi ấy, ông có ra Đà Nẵng, thường xuyên ghé vào các chùa ở Ngũ Hành Sơn thăm các thầy. Bấy giờ, các vị sư sãi tự làm hương thắp ở chùa. Ông để ý học hỏi và nhận ra rằng chuyện làm hương cũng dễ thôi, chẳng có gì khó khăn đến mức không thể làm được. Về nhà, ông bắt chước làm. Từ ông Hứa Tàu, làng hương Phú Lộc mới dần dần ra đời và phát triển như ngày nay.
Trong ký ức của những cụ già cao tuổi, ngay từ khi hình thành, làng hương Phú Lộc đã phát triển mạnh, nhà nhà làm hương, người người làm hương. Thị trường tiêu thụ không chỉ bó hẹp trong huyện mà còn vươn ra nhiều huyện khác như Duy Xuyên, Điện Bàn… Sản phẩm bán chạy, đời sống người dân dễ chịu hơn. Theo ước tính, vào thời kỳ cao điểm, cả làng có chừng 150 hộ làm hương. Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhờ nhanh nhạy làm ăn, một số gia đình có của ăn của để nhờ nghề thủ công truyền thống này. Nhà ngói không còn là chuyện hiếm ở làng hương Phú Lộc.
Tôi rời làng hương khi trời chưa tắt nắng. Khung cảnh đồng quê những ngày cận Tết mới thanh bình làm sao. Tôi chợt nhớ đến câu hát xưa “Xuân xuân xuân tất cả vài ba trăm xuân chín chục/ Tết tết tết trong mười hai tháng tết có ba ngày/ Kể ra ba vạn sáu ngàn ngày phỏng ước chừng trăm cái tết…”. Mà Tết thì dù ở quê hay ở phố, nhà nhà đều chuẩn bị một chút hương cho… Tết. Hương Tết dĩ nhiên phải là loại đặc biệt nhất. Để rồi, khi thắp mấy nén hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên, cái mùi hương trầm thứ thơm lừng trong không gian càng đậm thêm không khí ngày Tết. Và trong những giờ phút thiêng liêng ấy, giữa mùi hương trầm ngào ngạt, khi giao thừa đã điểm, mấy ai còn nhớ những người sản xuất hương ở Phú Lộc nói riêng và nhiều nơi khác nói chung đã thức thâu đêm, suốt sáng để “bắt” hương, “lăn” hương… và rộn ràng chuẩn bị mùa hương tết ở vùng đất chưa mưa đà thấm này?
Phạm Hữu Đăng Đạt – Theo Sức khỏe và đời sống