Tàn tiệc cưới đã hơn mười giờ, tôi bước ra khỏi cửa nhà hàng, loá mắt vì đèn xe, đèn đường và đèn màu giăng mắc rợp con đường Lê Lợi. Làn đường dành cho xe gắn máy xe chen khít rịt, nhích từng chút như kẹt xe giờ tan sở, nhưng không ngợp cái không khí bực bội ngột ngạt, mà có vẻ tưng bừng háo hức. Tôi đứng lại bên đường một lát để nghe nhìn và cảm nhận cái không khí ấy. Không có nhiều tiếng còi thúc giục khó chịu, người ta có vẻ bình tĩnh hơn. Người ta cũng dấn tới, nhưng không có vẻ sốt ruột đến gấp nơi nào đó. Người ta vừa chạy xe vừa trò chuyện với người ngồi sau, vừa quan sát chung quanh, có vẻ như vui vì đông đúc quá.
Các toà cao ốc, khu thương mại, nhà hàng, khách sạn, hàng quán đều giăng đèn màu rực rỡ, trang trí cây thông, ông già Noel, hươu nai, ngôi sao, bông tuyết và những cảnh mùa đông xứ ôn đới. Hồi chiều, đi qua những nơi đó, tôi nhìn đám tuyết giả, cây thông giả, kim tuyến lòng thòng, thấy chúng đến là vô duyên bên bãi cỏ bồn hoa tươi thắm và tán cây xanh rì. Nhưng khi nắng tắt hẳn, đường phố chỉ còn được chiếu rọi bằng ánh đèn chớp tắt, mọi thứ giả giả ấy bỗng trở nên huyền ảo, lung linh. Những người đứng cạnh tôi nói : “Lộng lẫy”, “Đẹp quá”, “Hoang đường”, “Như bên Tây.” Ừ, chỉ còn thiếu cái lạnh thở ra khói là y như bên Tây.
Tôi rẽ vào những con đường nhỏ, không giăng đèn kết tuội, ít xe cộ hơn, để thong thả nghĩ ngợi. Hàng quán trên những con đường này đã hoặc sắp đóng cửa, khiến con đường tối thui, người đi bộ thưa vắng. Chợt nhớ cảm giác đêm trước, lúc đi lêu bêu trên những con đường ở phố núi Buôn Mê Thuột. Do có lễ hội Cà phê nên dân chúng dường như tập trung về quảng trường, nơi có ca nhạc, có pháo hoa, khiến cho khu trung tâm xảy ra trận kẹt xe hiếm thấy ở nơi trời đất đều rộng rãi này. Nhưng chỉ cần đi bộ ra những con đường nhỏ, không khí phố núi thấm vào theo từng hơi thở. Trời lành lạnh, thỉnh thoảng chút gió vừa cho tóc bay chứ không đủ khiến rùng mình. Đường vắng xe, nhà bên đường đóng cửa. Nỗi lo sợ ban đầu về an ninh khi một mình đi lang thang trong đêm trên phố lạ tan dần trong sự yên vắng. Yên tâm rồi thanh thản. Rồi vui. Nói là hạnh phúc cũng không ngoa. Một hạnh phúc của kẻ nhàn du qua xứ khác.
Bây giờ là giữa Sài Gòn của tôi. Con đường vắng nhứt cũng không đến nỗi vắng ngắt, và dù là chốn quen thuộc, tôi vẫn không sao yên tâm. Ở vài góc khuất thấp thoáng những người ngồi thu lu hay đứng lừng khừng. Có thể họ cũng là những người của miền quê hay xứ núi hiền lành tôi gặp hôm qua. Nhưng tôi đang ở Sài Gòn và họ đang là những người nhập cư xa lạ. Bỗng nhiên tôi sợ. Bỗng nhiên tôi rảo bước nhanh. Những chiếc xe vụt ào qua càng khiến tôi hoảng. Người chạy xe ôm đậu ở góc đường nhìn tôi hỏi đi không cũng khiến tôi cảnh giác. Tôi cương quyết lắc đầu, mặt mày đanh lại. Tôi đi thật nhanh trở lại con đường lớn. Khi chung quanh tôi xe cộ tấp nập, người qua lại đông đúc, tôi gọi một chiếc ta-xi để về nhà, tưởng như vừa thoát được một cuộc phiêu lưu dại dột hiểm nghèo.
Khi viết những dòng này, tôi kiểm lại cảm giác của mình. Thì tôi cũng như mọi người, thấy hào nhoáng lộng lẫy thì loá mắt, thấy tăm tối mù mờ thì nghi ngại. Thấy người chung quanh có vẻ văn minh đô thị thì tin tưởng, thấy người nghèo hèn cù bất cù bơ thì tránh xa. Cho nên, nghệ thuật tiếp thị cần tạo ra sự hào nhoáng lộng lẫy, sự sáng chói tưng bừng, khiến cho người ta loá mắt, tin tưởng, an tâm, vui mừng. Người có tâm trạng đó thì sẵn sàng chi tiêu. Mùa này “ở bên Tây” là mùa mua sắm. Ngày đông ngắn ngủn âm u, các trung tâm mua sắm vui chơi tưng bừng rực rỡ thu hút người ta đến. Dù thâm hụt ngân sách, nhà nước và các trung tâm mua sắm vẫn phải chi to cho khoản trang hoàng, quảng cáo, để kích thích người tiêu dùng. Dù thắt lưng buộc bụng trong thời khủng hoảng kinh tế, nhiều người chỉ định đi coi chơi, mà rồi cầm lòng không đặng trước những thứ đại hạ giá ba bốn tầng (giảm giá trên từng sản phẩm, giảm giá ở quầy tính tiền, tặng thưởng khi ra/vào cổng, tặng phiếu giảm giá cho lần mua sau… ) khiến nhiều người đã nợ đìa vẫn cứ chìa thẻ tín dụng ra ghi nợ tiếp. Về đại cục, sự tưng bừng mua sắm vui chơi có thể tác động tích cực đến nền kinh tế đang eo sèo, ít nhứt cũng lấp liếm những bộ mặt lo âu thất bại, cho đến khi nào một bộ phận dân chúng vẫn còn khả năng chi tiêu.
“Ở bên ta”, mùa mua sắm lớn nhứt trong năm là một tháng trước Tết. Lúc đó, người ta mới được lãnh tiền thưởng cuối năm, tiền tết, tiền lương tháng 13 và các hình thức phúc lợi khác. Tục lệ xưa cũng quà cáp, biếu xén, bày tỏ tình cảm hay tri ân vào những ngày trước Tết. Những năm gần đây mùa mua sắm kéo dài – sớm hơn – từ Tết tây, rồi trước cả Lễ Giáng sinh. Tôi nghe nói vì những người làm việc cho công ty nước ngoài được thưởng theo lịch tây, và dù có đạo hay không, người ta cũng tặng quà vào Lễ Giáng sinh. Những người đi làm hay đi học ở nước ngoài cũng được nghỉ và trở về nhà vào dịp Giáng sinh và Tết tây. Kinh tế toàn cầu chi phối biến đổi văn hoá ở mọi nơi. Bây giờ có thể vẫn còn là một sự tập nhiễm mới lạ ở nước mình. Trong số những người ùn ùn xuống phố đêm nay có rất nhiều người trẻ, chở từng đôi chạy rong trên phố để ngắm nghía, để hưởng cái cảm giác tuôn theo dòng chảy của cuộc sống đô thị, cảm giác thuộc về đám đông hưởng thụ. Rồi chẳng bao lâu, ký ức và tập quán hôm nay trở thành truyền thống.
Nhớ khoảng mười năm trước, tôi có nghe bàn đến việc chuyển lệ ăn Tết ta thành ăn Tết tây cho phù hợp với thế giới, nhưng người phản đối nhiều hơn người ủng hộ. Thậm chí có người còn khẳng định không đời nào người Việt bỏ tục lệ ăn Tết ta. Chắc năm mười năm nữa thì chưa đâu. Sau đó nữa thì… tôi không biết, lúc đó tôi cũng thuộc hàng lão bà vô viện bảo tàng rồi.
Lý Lan – Sài Gòn Giải Phóng Thứ bảy