Ngày 9/6, tại TP HCM, NXB Trẻ có buổi ký kết sử dụng trọn đời 5 tác phẩm của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc. Giá trị ban đầu của hợp đồng ký kết này là 100 triệu đồng.
5 tác phẩm NXB Trẻ mua bản quyền của nhà Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc gồm: Mặt gương Tây Hồ; Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; Hà Nội – cõi đất, con người; Hà Nội – phong tục, văn chương.
Các đầu sách kể trên là kết quả của quá trình làm việc bền bỉ, miệt mài của một người nổi tiếng yêu Hà Nội, muốn lưu giữ lại nét hồn xưa phố cổ tinh tuyền của đất ngàn năm văn hiến qua trang viết.
Theo hợp đồng ký kết với nhà nghiên cứu, NXB Trẻ trả cho tác giả khoản nhuận bút ở mỗi lần in và tái bản. Ngoài ra, NXB này còn tiếp tục trả các khoản này cho gia đình nhà văn trong khoảng thời gian 50 năm sau khi tác giả qua đời, theo đúng Luật sở hữu trí tuệ. Trong khoảng thời gian đó, NXB Trẻ có quyền sử dụng tác phẩm của Nguyễn Vinh Phúc ở dạng ấn bản in, ấn bản điện tử, ebook, điện thoại….
Nguyễn Vinh Phúc xúc động khi những tác phẩm của ông được xuất bản một cách trang trọng. Ngoài 5 tên sách nói trên, NXB Trẻ còn ra mắt nhiều đầu sách giá trị của ông như: "Hà Nội qua những năm tháng", "Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (40-43SCN)", "Lịch sử Thăng Long – Hà Nội" (viết chung với giáo sư Lê Văn Lan), "Văn Hiến Thăng Long – Hà Nội", "Hà Nội – Dòng sông, con đường, lịch sử", "Hà Nội – những nẻo đường du lịch"… |
Tại lễ ký kết, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc xúc động nói, ông rất vui mừng khi ở tuổi 84 lại nhận được nhã ý từ phía NXB Trẻ như thế: "Tôi cám ơn NXB đã dành tình cảm cho một người Hà Nội. Và tôi xúc động vì ít nhiều qua các trang sách của mình, đất Thăng Long trở thành nỗi niềm vấn vương trong tâm hồn của người TP HCM. Cám ơn các bạn còn quan tâm đến một ông già Hà Nội lẩm cẩm như tôi", ông chia sẻ.
Dù ở tuổi "thất thập cổ lai hy", Nguyễn Vinh Phúc vẫn giữ được sự điềm đạm từ phong cách của một người gắn bó trọn đời với sách vở và cả vẻ tinh anh hiếm có của người làm bạn với chữ nghĩa. Bị vây quanh các phóng viên TP HCM với nhiều câu hỏi, nhưng ông không tỏ ra mệt mỏi mà luôn vui vẻ trả lời.
Khi được hỏi "bí quyết" giúp ông có thể làm việc bền bỉ qua hàng chục năm trời với nhiều đầu sách nghiên cứu giá trị, ông cười hóm hỉnh: "Chẳng có bí quyết gì đâu. Ngày xưa sống ở thời gian khổ nên chắc tôi quen tính chịu khó chịu khổ. Ngày xưa, để viết sách, tôi phải vào các thư viện, mỗi lần chép tay hàng chục trang tư liệu chứ chưa có máy sao chép nhanh chóng, tiện lợi như bây giờ mà vẫn rất mê, rất thích".
"Khi có ý tưởng viết thì chỗ nào, dù trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào tôi cũng có thể ngồi xuống viết được. Sau này, khi việc nghiên cứu, viết lách trở thành nghiệp dĩ thì viết đã trở thành phản xạ với tôi", ông nói thêm.
"Bây giờ thì không còn sung sức như hồi 30 tuổi được rồi. Ngày trước tôi có thể ngồi viết hàng giờ liền, chỉ rời bàn đứng dậy khi vợ gọi ăn cơm. Nhưng giờ không còn như thế được nữa, mỗi ngày chỉ cố gắng viết được 15 trang. Phải viết được ít nhất 15 trang thì mới cảm thấy yên tâm về công việc", nhà Hà Nội học tâm sự.
Nụ cười ở tuổi 84 của ông Nguyễn Vinh Phúc tại lễ ký kết với NXB Trẻ. Nhà nghiên cứu cho biết, ông đang viết cuốn "Địa chí vùng Tây Hồ và những cõi đất thiêng". |
Ngay từ năm 1998, NXB Trẻ chú ý đầu tư vào các tác phẩm của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nhằm chuẩn bị một nguồn tư liệu cho bạn đọc cả nước về Hà Nội. Giám đốc Nguyễn Minh Nhựt cho biết, trong số hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm viết về Thăng Long – Hà Nội thì các đầu sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc luôn được bạn đọc cả nước đón nhận do sách vừa mang tính chuẩn xác về mặt tư liệu, vừa dễ hiểu và dễ nhớ. Vì vậy, sách của Nguyễn Vĩnh Phúc phù hợp với đối tượng bạn đọc phổ thông và các nhà nghiên cứu.
"Chỉ tính riêng cuốn 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc được in từ năm 2009, đến nay đem lại doanh thu cho NXB Trẻ một tỷ đồng và đã được tái bản lần thứ ba", ông Nguyễn Minh Nhựt nêu ví dụ về sự đón nhận của độc giả dành cho tác phẩm của nhà Hà Nội học.
Sắp tới, NXB Trẻ tiếp tục in các tác phẩm của Nguyễn Vinh Phúc là: Quốc đô Việt Nam qua các thời kỳ, Văn Miếu Việt Nam, Lễ hội Thăng Long – Hà Nội.
Ngoài nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, đơn vị này từng ký hợp đồng sử dụng trọn đời bản quyền các tên tuổi như: Sơn Nam, Toan Ánh, Vương Hồng Sển.
Theo Thoại Hà – eVan