Báo chí Czech vừa phát hiện Lan Pham Thi, 19 tuổi, tác giả của cuốn Bílej k, žlutej drak (Ngựa trắng, rồng vàng) mới nhận giải thưởng uy tín Book Club năm nay là ảo; mà tác giả cuốn sách này là nhà văn Jan Cempírek.
Đây là cuốn tiểu thuyết viết về đời sống của cộng đồng người Việt nhập cư tại Cộng hoà Czech, nên có người đặt ra vấn đề, phải chăng nhà văn Jan Cempírek lấy một cái tên Việt Nam để dễ thuyết phục bạn đọc về tính chất “trong cuộc” của người viết? Có người lại phê phán trò chơi này đã đi quá xa khi mà tác giả tìm ra những nhân vật khác để “đóng vai” Lan Pham Thi trong đoạn video clip và soạn bức thư gởi đến Book Club cám ơn và từ chối đến Prague nhận giải vì bận… đi học ở Malaysia!
Nhưng, điều đáng nói, sau khi sự việc được phát lộ, tác giả thực, Cempírek thì rất bình thản, ông tự nhận chính mình đã “bày trò” này. Ông hé mở rất nhiều khâu quan trọng trong “kịch bản Lan Pham Thi”. Ông cũng cho biết “trò chơi” sẽ còn tiếp tục. Mặc nhiên, điều đó là một thách thức.
Báo chí Việt Nam cũng xôn xao về sự kiện này. Có thể có nhiều rào cản trong dịch thuật, song, việc phản ánh thông tin vụ việc này được nhìn theo hai hướng có phần chủ quan: 1. một vụ scandal văn chương, một cuộc chơi khăm gây hẫng hụt cho nhiều người; 2. một trò đùa ngoạn mục, đáng nể.
Thế nhưng, khi nhìn vào bản chất câu chuyện phía sau những chi tiết lắt léo, có thể thấy hé lộ vấn đề rất quan trọng – mối liên hệ giữa tác giả và tác phẩm văn chương; có hay không sự thiên kiến mà bạn đọc và giới phê bình dành cho tác giả trong khi tiếp nhận tác phẩm. Chúng ta thử đặt ra câu hỏi ngược lại, khi tác giả Jan Cempírek ký tên thật của mình trên một cuốn sách viết về cộng đồng người Việt, liệu nó có được giải thưởng uy tín của Book Club, có được cộng đồng người Việt ở Czech và trong nước tìm đọc như khi nó được dán dưới cái tên Phạm Thị Lan? Và rốt cuộc thì cái tên tác giả hay chính giá trị văn bản tác phẩm là quan trọng nhất trong văn chương? Ban giám khảo Book Club rất “cao tay” khi tuyên bố, dù tác giả là ai, họ cũng không thu hồi giải thưởng! Phía sau đó, là một câu trả lời bản lĩnh: “Chúng tôi ghi nhận giá trị tác phẩm, không phải vì tác giả của nó là ai!”.
2 – Tác giả hay tác phẩm là vấn đề trung tâm trong phê bình văn học? Chuyện xét giá trị tác phẩm văn chương dưới cái tên (thương hiệu) nhà văn vốn là căn bệnh thâm căn cố đế, thậm chí có khi nó cho phép nhà phê bình giải mã tác phẩm thông qua tiểu sử, đời sống xã hội của nhà văn. Trong khi đó, tiến trình thẩm định có khi phải đi theo chiều ngược lại, chính giá trị nghệ thuật của văn bản tác phẩm mới đủ sức làm nên tầm vóc tác giả. Và câu chuyện tâm lý sáng tạo (tại sao tác phẩm được viết ra như thế?) phải là những kiến giải phía sau đó.
Qua câu chuyện Ngựa trắng, rồng vàng, chúng ta thử đặt ra một câu hỏi khác: Liệu một ngày, trong chính nền văn học Việt Nam, có một tác giả tên tuổi đình đám tự nhận mình chỉ là “ảo”, tác giả thực của những tác phẩm giá trị kia chính là một người mà bấy lâu dư luận chưa hề ngờ đến. Vậy khi đó, chúng ta có tiếp tục thừa nhận giá trị của những tác phẩm văn chương mà bấy lâu nay chúng ta đã dành cho nó một vị trí xứng đáng? Hay chúng ta sẽ hạ bệ ngay chúng chỉ vì ông tác giả mà chúng ta quen ưu ái kia không phải là tác giả thực của cuốn sách?
Nếu đánh giá tác phẩm qua cái tên hay vị trí tác giả thì giả định gặp sự việc trên, người ta sẽ sụp đổ niềm tin.
3 – Vậy, cuối cùng, niềm tin vào giá trị văn chương được đặt vào đâu? Trước hết, là những đóng góp mới mẻ của tác phẩm vào sự phát triển của bối cảnh nghệ thuật. Bất kể tác giả của nó là ai, một cô gái Việt, một nhà văn Czech, một cô nông dân hay một ông nguyên thủ…
Có lẽ, người ta nên lên án trước tình trạng tác giả chủ động lấy tác phẩm của người khác để điền vào đó tên của mình, vẫn gọi là đạo văn. Còn thì, một khi chính tác giả (cũng chủ động) lấy một cái tên lạ hoắc thay tên của mình, như cách đẻ ra một bút danh mới, thách thức sự công bằng trong thẩm định của mọi người, thì đó là một trò chơi văn minh, cá tính và đem lại nhiều điều lý thú.
Vì cuối cùng, sau những chộn rộn dư luận, thì trò chơi đó ít ra cũng đóng góp cho văn chương thêm một tác phẩm đáng kể. Rồi người ta sẽ quên đi những bung xung của trò chơi kia, để chỉ nhớ đến giá trị tác phẩm.
Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên – SGTT