Tập tản văn của Y Phương được Hội nhà văn VN trao bằng khen không chỉ là niềm vui cho ông mà còn là niềm vui của giới cầm bút, vì lần đầu tiên giá trị của thể loại tản văn được công nhận ở góc độ nghề nghiệp.
Giải thưởng Hội nhà văn VN năm 2010 tiếp tục phản ánh sự đơn điệu và chậm buồn của đời sống văn chương nước nhà. Điều bất ngờ đáng kể nhất là xuất hiện thêm một kiểu tôn vinh là… bằng khen. Xem ra trong thời buổi danh phận lấp lánh, sẽ còn có thêm nhiều chuyện thú vị nằm ngoài tiên liệu của công chúng. Tuy nhiên, một trong ba tác phẩm được trao bằng khen, bạn đọc tinh mắt sẽ nhận ra trường hợp đặc biệt: tập tản văn Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm của Y Phương, do NXB Phụ Nữ ấn hành. Đây không chỉ là niềm vui cho nhà thơ Y Phương mà còn là niềm vui của giới cầm bút, vì lần đầu tiên giá trị của thể loại tản văn được công nhận ở góc độ nghề nghiệp.
Trong cái nhìn cởi mở và đồng điệu của bạn đọc, thì tản văn gần gũi với báo chí hơn văn chương. Có thể khẳng định, giữa nhịp sống sôi động với muôn ngàn tâm tư khác nhau, tản văn đang trở nên đắc dụng. Bởi lẽ, tản văn có dung lượng tương đối khiêm tốn và có cấu trúc tương đối phóng túng, khiến những rung cảm nhỏ nhoi của cá nhân được khơi nguồn và kết nối với những người xung quanh. Xét về thẩm mỹ, tản văn đứng giữa thơ và truyện ngắn. Tản văn không kén độc giả, vì tản văn không đòi hỏi ở người tiếp nhận khả năng tách bóc ngôn ngữ như đọc thơ, và cũng không đòi hỏi ở người tiếp nhận khả năng lý giải tình tiết như đọc truyện ngắn. Công bằng mà nói, tản văn dễ đọc nhưng không dễ viết!
Tản văn "Tháng giêng tháng giêng một vòng dao quắm" của Y Phương được bằng khen của Hội nhà văn Việt Nam. |
Là một nhà thơ Tày thành danh, Y Phương từng nhận được Giải thưởng nhà nước với những câu thơ xao xuyến viết về vẻ đẹp người miền ngược: “Bàn tay mềm ra suối mọc thành cây/ Cầm ngọn khói dựng lên trời thẳng tắp”. Chuyển về Hà Nội sinh sống, Y Phương như một cánh chim khắc khoải đêm ngày nhớ nhung đại ngàn gió chuyển mây bay. Thi ca trầm bổng vần điệu không thể giúp ông mở lòng mở dạ với nơi chôn nhau cắt rốn. Y Phương chọn tản văn để chia sớt thao thức của mình. Và thật sự, tập tản văn Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm không khác gì những bài thơ mà Y Phương từng tin cậy “Câu hát thiêng liêng lắm chứ/ Hát bây giờ còn để hát mai sau”.
34 tản văn trong tập sách có nhiều nét riêng biệt khi đặt cạnh các tập tản văn đã xuất hiện trên thị trường sách năm 2010. Nguyên nhân chính: Y Phương có một không gian văn hóa Tày độc đáo vùng núi Cao Bằng để lặn ngụp tâm hồn một cách thỏa thích. Câu chữ dùng dằng trong thương mến của Y Phương lần lượt mở ra cho bạn đọc cảm nhận được từng lễ hội đắm đuối “Tết anh cả”, “Tết cốm”, “Tết Slip Sli ăn thịt vịt”, “Còn có một cái Tết Vía Trâu”… Có nhiều trang, nhiều đoạn được Y Phương viết như một cách gìn giữ thuần phong mỹ tục cho đồng bào, ví dụ “Dzương eng, tục thăm gái đẻ”, “Dân Co Xàu hát Woàng dzà” hay “Ông dzang tâng hương đèn”.
Nhờ khả năng quan sát tinh tế của một nhà thơ, Y Phương cuốn độc giả vào sự quyến rũ nao nức của buôn làng cheo leo Đông Bắc xa xôi và xanh ngát. Chẳng hạn, miêu tả cái duyên dáng của những người phụ nữ chân tình trước ngày vui láng giềng: “Bà nào cũng diện bộ cánh mới tinh, còn thơm nguyên mùi chàm hồ. Mỗi khi nhấc chân lên, đặt hài xuống, tạo ra tiếng sột soạt phát ra từ váy áo, từ thắt lưng. Những âm thanh làm rộn ràng, ríu rít trên con đường đất êm êm lá cỏ. Họ vừa đi vừa trò chuyện. Bà nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Cung đường bay theo mùi trầu cay, có lẫn mùi chàm ấm. Làm cho những người đi sau cứ hít lấy hít để, cái mùi hạnh phúc no ấm ấy mãi. Đến con dế con giun cũng ngóc đầu lên nhìn ngó. Con trâu con bò đang gặm cỏ cũng dỏng đôi tai lên lim dim nghe ngóng”.
Tản văn của Y Phương không chinh phục người đọc bằng ánh mắt sắc sảo, mà bằng cái nhìn âu yếm. Có lúc Y Phương cao hứng, tung tẩy ý tứ theo bút pháp nhà thơ: “Thời gian được làm bằng tóc của người. Thời gian được làm bằng mùi hương của cây trong vườn, ngoài rừng. Thời gian được làm bằng đôi chân của nắng, mưa, sương, gió. Bằng đôi mắt, đôi tai của núi cao sông dài. Bằng những luống cày lật đất thơm cho đồng ruộng. Thời gian âm thầm chảy như nước. Không thể lấy bất cứ cái gì ngăn chặn… Nhưng, những người dân quê tôi biết làm chậm thời gian lại bằng nhiều cách. Cách phổ thông nhất là vùi đầu vào trong chăn bông vải chàm mà ngủ… Người Tày cổ xưa có câu khuyến dụ "slíp ám nựa cáy ton bấu tấng đua nòn rẳp rủng”. Nghĩa là "mười miếng thịt gà thiến không bằng giấc ngủ về sáng” ". Thế nhưng, bao trùm lên Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm vẫn là trái tim khẽ khàng của tác giả muốn được bâng khuâng cùng cốt cách người Tày thắp lửa truyền đời: "Nhà rách, vách nát, áo ngắn, quần vá, nhưng chủ nhân lại đầy một bụng chữ. Chữ nào cũng lành lặn. Chữ nào cũng núc ních béo tròn phúc hậu. Những con chữ đưa tay ra cứu vớt người".
Tuy Hòa – Theo eVan