(NCTG) Hai lá thư sau đây của Pasternak (gửi lãnh tụ cộng sản Khrushchev và báo “Pravda”) cho chúng ta thấy thêm một phần "hậu trường" của việc văn hào phải chối từ Giải Nobel Văn chương 1958. (Trích từ cuốn sách “Trong vòng kiềm tỏa của thời gian – Những năm tháng sống cùng Boris Pasternak” của Olga Ivinskaya và tờ “Pravda” số ra ngày 6/11/1958)


Cảnh trong bộ phim truyền hình mới "Bác sĩ Zhivago" – Ảnh : BBC

Hai lá thư của Boris Pasternak

1.Thư gửi Nikita Khrushchev

Nikita Sergeyevich kính mến!

Tôi gửi lá thư này đến Đồng chí, đến Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Xô-viết.

Qua bản báo cáo của đồng chí Semichastniy, tôi được biết chính phủ "không dựng bất cứ một trở ngại nào trước con đường rời bỏ Liên Xô của tôi".

Đối với tôi, không thể có điều đó. Từ lúc sinh thành, cuộc đời và sự nghiệp của tôi gắn liền với nước Nga.

Thiếu nó và ở ngoài nó, tôi không thể hình dung được số phận mình. Cho dù tôi có phạm phải những sai sót và những lỗi lầm đi nữa, tôi không hề nghĩ rằng tôi sẽ rơi vào trung tâm của một chiến dịch chính trị mà người ta bắt đầu lan truyền quanh tên tuổi tôi ở phương Tây.

Khi hiểu ra điều đó, tôi đã thông báo cho Hàn lâm viện Thụy Điển rằng, tôi khước từ Giải Nobel theo ý nguyện cá nhân.

Đối với tôi, rời bỏ Tổ quốc đồng nghĩa với cái chết và vì thế, xin đừng áp dụng biện pháp tột cùng này với tôi.

Nếu muốn thành thực, phải nói rằng tôi đã cống hiến ít nhiều cho nền văn học Xô-viết và tôi còn có thể hữu ích đối với nó.

B.Pasternak

Đại thi hào của tâm thức Nga truyền thống

2.Thư gửi tờ “Pravda”

Đề nghị BBT “Pravda” hãy đăng tải lời tuyên bố sau đây của tôi.

Lòng tôn trọng chân lý đòi hỏi tôi phải tuyên bố.

Cũng như tất cả những việc xảy ra đối với tôi cố nhiên xuất phát từ những hành động của tôi, toàn bộ các hành vi của tôi liên quan đến việc trao Giải Nobel cho tôi đều xuất phát từ quyết định tự do và tự nguyện của tôi.

Tôi nhìn nhận việc trao Giải Nobel như một sự thừa nhận về văn chương, tôi mừng rỡ và thể hiện điều đó trong bức điện gửi Anders Esterling, thư ký Hàn lâm viện Thụy Điển.

Nhưng tôi đã nhầm. Tôi có cơ sở để nhầm lẫn, cũng như trước kia, chẳng hạn năm năm trước, tôi đã từng là ứng cử viên Giải Nobel. Khi đó, cuốn tiểu thuyết của tôi còn chưa tồn tại.

Một tuần sau, khi tôi thấy chiến dịch chính trị xung quanh cuốn tiểu thuyết của tôi đã đến mức độ như thế nào và tôi tin tưởng rằng việc trao Giải cho tôi là một hành vi chính trị, đã dẫn đến những hậu quả kinh hoàng, không bị bất cứ sự cưỡng bách nào, tôi tự quyết định khước từ Giải thưởng.

Trong thư gửi Nikita Sergeyevich Khrushchev, tôi khẳng định rằng, tôi sinh ra ở đây, cuộc đời, sự nghiệp tôi gắn liền với nước Nga và đối với tôi, việc rời bỏ đất nước và sống lưu đày ở một xứ sở xa lạ là điều không thể có được. Khi nói về mối liên hệ này, chẳng những tôi nghĩ đến lòng bác ái gắn bó với mảnh đất và thiên nhiên của Tổ quốc tôi, mà cố nhiên, tôi còn nghĩ tới tình đoàn kết anh em liên kết nó với nhân dân, với quá khứ, với hiện tại và tương lai vẻ vang.

Nhưng giờ đây, vì sai lầm của tôi, những trở ngại xuất hiện do cuốn tiểu thuyết của tôi đã chia cách tôi với tất cả những thứ đó như một bức tường.

Chưa bao giờ tôi có ý làm hại cho Nhà nước và cho nhân dân tôi.

BBT tờ “Novy Mir” đã cảnh cáo tôi rằng, độc giả có thể suy diễn tác phẩm của tôi như một hành vi chống lại Cách mạng Tháng Mười và những nền tảng của chế độ Xô-viết. Khi đó, tôi không nhận ra điều này. Bây giờ, tôi cảm thấy đáng tiếc.

Quả thực, nếu chúng ta nghĩ đến những kết luận rút ra khi phân tích, phê bình cuốn tiểu thuyết, thì dường như trong tiểu thuyết, tôi đại diện cho những quan niệm sai lầm sau đây. Dường như tôi khẳng định rằng, về mặt lịch sử, mọi cuộc cách mạng đều trái với luật pháp, rằng Cách mạng Tháng Mười là một biểu hiện của sự phi pháp đó, rằng cuộc cách mạng này mang lại bất hạnh cho nước Nga và dẫn dắt giới trí thức truyền thống Nga đến chỗ diệt vong.

Rõ ràng là tôi không thể ký nhận những lập luận đã bị bẻ cong đến mức phi lý này. Tuy nhiên, tác phẩm được Giải thưởng Nobel của tôi đã gây nguyên cớ cho kiểu suy diễn đáng tiếc đó, và đây là lý do khiến cuối cùng, tôi đã khước từ Giải thưởng.

Nếu có thể ngăn chặn việc ấn hành cuốn sách như tôi đã yêu cầu Nhà xuất bản của tôi ở Ý (tại các nước khác, cuốn sách được in mà tôi không hề biết), thì có thể loại trừ phần nào điều đó. Nhưng cuốn sách đã được in ấn và đã muộn để nói về nó.

Trong tuần lễ sóng gió này, người ta không mở cuộc truy đuổi tôi, tôi cũng không đánh liều mạng sống, sự tự do của tôi. Nói chung, tôi không liều lĩnh gì cả. Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng những việc tôi làm đều xuất phát từ quyết định cá nhân của tôi. Những ai quen biết, gần gũi tôi, có thể thấy không gì trên thế gian này có thể buộc tôi phải giả cách hoặc phải hành động trái với lương tâm của tôi. Lần này cũng như vậy. Chẳng cần phải chứng minh rằng không ai cưỡng bức tôi, rằng tôi viết lời tuyên bố này với một tinh thần tự do, với niềm tin chung và trong đó, với niềm tin vào tương lai của chính tôi, tự hào về thời đại tôi sống và về những con người xung quanh tôi.

Tôi tin rằng tôi sẽ còn đủ nghị lực để phục hồi danh tiếng của tôi và lòng tin dành cho tôi của các bạn hữu, nay đang bị lay chuyển.

B.Pasternak

Trần Lê dịch và giới thiệu

Theo Nhịp cầu Thế giới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *