…Anh Hậu đi vào cuối ngõ, cửa giả các nhà đều đóng kín. Đến lúc ai cũng nhà cao cửa rộng thì lại thiếu người, bọn trẻ giờ rủ nhau đi ráo cả, có đứa vào Sài Gòn, có đứa qua Úc, qua Mỹ, có đứa lấy vợ có con bên Tiệp, bên Đức, bên Nga… Người Việt rắc khắp quả đất như hạt cải hạt vừng, gieo đâu mọc đấy, không khéo hóa kiếp Do Thái thì khổ.
Họa sĩ Trần Lưu Hậu |
Đứng trước cổng sắt ngôi nhà trong cùng anh bấm chuông gọi. Trên tầng có tiếng vọng hỏi, ai thế? Đáp lại, Hậu đây mà. Chờ nhá chờ nhá, đúng là rồng đến nhà tôm. Người ra mở cổng đón khách là họa sĩ Phạm Công Thành, cũng một ý nghĩ như Hậu, vừa lạch xoạch gỡ dây khóa anh Thành vừa thở, cái khu tập thể này bây giờ buồn bỏ mẹ, nhớ những ngày nó còn là mấy dãy lều cấp bốn, chạy sang nhau vô ý cộc đầu vào kèo vào cột nhưng lại thấy gần gặn, nay hóa gần nhà xa ngõ mất rồi.
Anh Thành kém anh Hậu năm sáu tuổi, một người cầm tinh Khỉ, một người cầm tinh Rồng. Năm anh Hậu qua Matxcơva vào Trường Surikốp là năm anh Thành vào khóa I Mỹ thuật Hà Nội. Anh Hậu kiệm lời còn anh Thành lại có tiếng là nói nhiều. Một người trọng phương Tây còn một người lại chuộng phương Đông. Nhưng suốt gần ba chục năm cùng dạy một trường, cả hai đều trọng nhau và đều cùng được đám học trò yêu quí. Nói khác nhau thì hút nhau là vậy.
Anh Thành quê gốc Hà Nam, cha mẹ làm thợ may nổi tiếng tại Hà thành. Những năm ở trung học là đầu kháng chiến, anh về quê cùng học với Trần Quốc Vượng, Nguyễn Phúc Giác Hải và nhiều người nổi tiếng khác, lên tú tài anh về Trường Bưởi ngồi cùng lớp với tướng Nguyễn Cao Kỳ. Dạo ấy sớm ra nhảy lên xe đạp đến trường rất dễ bị chặn lại đẩy lên xe bịt bùng vài hôm sau thành lính ngụy. Có ông cậu ruột là Tỉnh ủy viên Thái Nguyên nhắn gọi anh phải nhanh chóng ra ngoài ấy, có người tin cậy dẫn anh vượt vành đai trắng vùng Phù Lỗ đi tìm cậu.
Ở Thái Nguyên, anh được xếp học lớp kế toán của ngân hàng quốc gia Việt Nam vừa ra đời, do ông Lê Viết Lương làm Tổng giám đốc. Bài học đầu tiên có tên là "chính sách kim dung của Đảng và Nhà nước". Đấy đã là cuối năm 1953, chỗ nào cũng có mít tinh toàn dân hướng về chiến dịch Điện Biên Phủ. Học xong lớp kế toán cấp tốc, anh Thành được một đoàn họa sĩ kháng chiến ngang qua phát hiện có khả năng vẽ chân dung các lãnh tụ trong nước và quốc tế, thế là anh được điều ngay lên ngân hàng Trung ương để phục vụ công tác tuyên truyền. Anh vẽ Mao Trạch Đông, Malencốp, Bunganin và lãnh tụ các nước xã hội chủ nghĩa khác, vẽ ai được người nấy, chỉ riêng vẽ Bác Hồ là khó nhất. Vẽ giống đến mấy vẫn có người phàn nàn là chưa được, chưa được là bởi Bác Hồ thì ai cũng biết, cho nên cứ phải sửa mãi cho đến lúc tất cả đều gật đầu mới thôi.
Hòa bình lập lại, anh Thành được gửi vào thi Mỹ thuật Hà Nội, học xong ở lại trường. Các trường Mỹ thuật trên toàn thế giới đều phải có một giáo trình được xem là cơ bản nhất, chưa có nó chưa thể gọi là học viện. Đấy là cuốn sách dày có tên là "Luật xa gần". Ở ta, Phạm Công Thành đã viết cuốn đó, từ bấy đến nay nó đã được in lại không biết bao nhiêu lần. Có một giáo sư nước ngoài sang thăm Mỹ thuật Yết Kiêu hỏi các ông đã làm được cuốn "Luật xa gần" chưa, trả lời đã, lại hỏi ai là người làm cuốn đó xin được cho gặp, Phạm Công Thành ra gặp, nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, vị khách vui mừng bắt tay, tôi lấy làm vinh dự. Lúc sắp chia tay, vị khách nói, tôi ra thăm Hạ Long vài ngày, lúc về muốn được ông kiếm cho ít phác thảo dáng dấp người Việt Nam nhìn theo góc độ nhân chủng học để có thể nhận ra giữa những người Á Đông khác liệu có được không?
Anh Thành vui vẻ nhận lời, tôi sẽ giúp ông làm việc đó. Anh Thành thức trắng mấy đêm, chỉ bằng bút sắt trên giấy can, thể hiện hàng loạt ký họa, đàn ông Việt đàn bà Việt, lúc nhỏ lúc lớn lúc già, khi đứng khi ngồi khi đi, những bàn tay những bàn chân, những khuôn mặt những đôi mắt những nụ cười… Tất cả được xếp gọn trong một phong bì lớn ngoài có dấu nhà trường và ghi tên người thực hiện.
Trở lại Hà Nội, người khách mở xem cả buổi lúc ra sân bay, ông ta nói với anh Thành, tôi biết trả ơn ông thế nào cho phải bây giờ đây? Anh cười, người Việt chúng tôi khi đã nói làm giúp có nghĩa là không kể công, hãy xem đây là quà tặng, chúc ông lên đường may mắn. Có ông trong Đảng ủy nhà trường bảo sao không viết đơn xin vào Đảng, anh Thành thưa, sẽ trọn đời đi với Đảng nhưng xin được ở ngoài là vì tôi theo đạo Phật từ nhỏ, trong nhà tôi có bàn thờ phật, ngày nào tôi cũng niệm kinh Bát Nhã.
Chiều xuân Trần Lưu Hậu tìm tới là lúc anh Thành cũng vừa tụng kinh xong. Hôm ấy anh Hậu ngồi nghe anh Thành bàn về Kinh Dịch. Quẻ cuối cùng của Kinh Dịch là quẻ 64, đó là quẻ vị tế, nghĩa là mọi chuyện ở đời đều dang dở chả đâu vào với đâu. Có lẽ những năm tới anh sẽ tập trung vào vẽ, xoay quanh đề tài văn hóa làng, lịch sử văn hóa nước nhà rất có thể được thu lại với một cái ao.
Ngày anh chuẩn bị thi lấy bằng phó tiến sĩ để làm phó giáo sư, có người bạn trẻ đến chơi, anh than phiền không khéo mình chả thi
cử làm gì nữa, cứ nghĩ đến cái hội đồng chấm thi mà đủ ngấy. Nghe nói có anh tốt nghiệp ở Bình Nhưỡng về khoa học thể dục thể thao, giờ cũng được mời vào chấm phó tiến sĩ mỹ thuật thì có đáng sợ hay không? Ông bạn mình là Bùi Phụng không qua một lớp Anh văn nào, chỉ học trong nhà, vậy mà làm nổi từ điển Anh – Việt. Lúc xin làm phó tiến sĩ ngôn ngữ tiếng Việt bị hội đồng yêu cầu phải có bằng C tiếng Anh. Ông ấy nổi cáu, tôi là người được mời sang Mỹ hội thảo về tiếng Anh ở các trường đại học, vậy mà chưa đủ để được xem là đã có bằng C tiếng Anh hay sao? Cũng may lần ấy Bùi Phụng gặp được ông Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp là dân có tiếng Anh, ông Hiệu trưởng vội ký bằng C tiếng Anh cho ông Phụng rồi nói với tập thể, ông ấy là thầy tôi.
Anh bạn trẻ nghe Phạm Công Thành than vãn thì chỉ cười, rồi người ấy mang chuyện này kể với Giáo sư, Tiến sĩ Đình Quang, ông Quang lại cười chảy nước mắt, thi cử ở ta đúng là đang có lắm cái phải phàn nàn, nhưng đề nghị ông về nói hộ với anh Thành là hãy cứ yên lòng mà đi thi, đời Trần có cụ Đoàn Tử Quan tám hai tuổi mới đỗ thì đã làm sao.
Người ấy lại quay về nói lại với Phạm Công Thành, anh Thành bằng lòng đi thi. Năm ấy anh được chọn đỗ hạng ưu, cuối năm được Bộ Đại học phong giáo sư cấp hai, bỏ qua bậc phó giáo sư. Trong ngành mỹ thuật ở ta chỉ có hai người được xếp vào học hàm ấy, đó là cụ Thọ và anh. Mấy năm nay anh Thành vừa vẽ lại vừa hoàn tất một cuốn sách bàn về sự trong sáng của tiếng Việt. Anh hay ngồi xem tivi, chê các phát thanh viên dùng chữ hay nhầm lẫn, được cái nói nhanh, nhưng nói nhanh chưa phải là một chỉ số của thông minh. Anh cũng chê cán bộ ta trong Quốc hội, trong Nhà nước có đôi người còn nói ngọng n và l, thế là thuở nhỏ chưa được luyện kỹ sơ học yếu lược. Anh bảo tiếng Việt một khi nói đúng, viết đúng sẽ rất đẹp, rất phong phú. Đỏ có nhiều đỏ, đỏ chóe, đỏ lòm, đỏ rực, đỏ hỏn, đỏ khé, đỏ hoe, đỏ lòe, đỏ loét… Đen có nhiều đen, đen tuyền, đen sì, đen láy, đen nhức, đen kịt, đen thui, đen nhẻm, đen nhánh, đen ngòm…
Mấy năm gần đây nhiều người tìm đến anh hỏi ngày lành tháng tốt để xây nhà, làm cưới, làm tang. Có cô bé con một cán bộ cao cấp loay hoay tìm thầy để hỏi ngày bốc mộ cho mẹ nó, ông cụ phẩy tay bảo, việc ấy đến hỏi chú Thành. Giá thú bất tương, thượng lương sát cống. Nhân duyên có ngày thiên xá thiên ân, hoàng đạo, thanh minh. Không chỉ là một họa sĩ, anh Thành còn là một nhà Đông phương học.
Ngồi nghe bạn chuyện trò một buổi chiều, đến lúc nhìn ra sân thấy trời đã xế bóng, anh Hậu bèn đứng dậy, chỉ tay vào bức tranh trên tường mà hỏi, bức này đẹp, gọi nó là gì? Anh Thành đáp, nó là đồng quê. Lại chỉ tay vào một bức khác, còn bức này? Nó là ao quê. Rất đẹp, hiện thực hay siêu thực cũng đều một con đường đi đến cái đẹp, chỉ không thể đẹp với những ai thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào.
Anh Thành gật đầu, Lê Quí Đôn khi bàn về văn học đã phân ra bốn đẳng cấp, văn hay nhất là ý đậm lời nhạt. Thứ mới đến ý đậm lời đậm. Hạng ba là ý nhạt lời đậm. Còn hạng bét là ý nhạt lời cũng nhạt. Hội họa hay gì gì chắc cũng vậy cả thôi, hình thức dẫu quan trọng đến mấy vẫn cứ là thứ yếu.
Quay về nhà anh Hậu đi thuận chiều kim đồng hồ. Anh nghĩ, có leo được lên một đỉnh mới thấy nổi những đỉnh khác, những cái đỉnh làm nên quần sơn, nhiều cái đỉnh thành một nền tảng. Không cần bàn lớn hay nhỏ, cao hay thấp, Hậu này chỉ biết mình thuộc về một nền nghệ thuật có phẩm chất.
…Một ngày sống là thêm một ngày ngẫm ngợi, có câu sáu mươi tính năm, bảy mươi tính tháng, tám mươi tính ngày. Một ngày của người đã về già là quí lắm, với người trẻ một ngày của họ như rượu đầy chum, có thể mang ra hào phóng mời nhau cả bát, còn với những người ở tuổi ngoài tám mươi như Trần Lưu Hậu thì một ngày là chén rượu gạn dưới vò, chén tống nhấp từng giọt. Mới thấy sống là khó, là hết sức nhọc nhằn, nhưng cái sự được sinh ra làm người trong cõi đời này bản thân nó đã là một may mắn, mỗi ngày một chén đời, sống với nhau là cùng nhau nhấp những chén đời.
Có người ở xấp tuổi đàn em một hôm đã hỏi chuyện Trần Lưu Hậu, xin anh nói thật, đã có lúc nào anh chán vẽ chưa? Anh trả lời, cũng có chứ, những lúc mệt mỏi thì chả còn thiết gì. Hội họa, cái đẹp là một câu hỏi suốt đời chưa trả lời xong, suốt đời vẫn cứ dang dở, với ai cũng vậy.
Anh nghĩ thế nào về cái chết, liệu anh có sợ nó không? Chết thì anh chó nào chả sợ. Chết là hết chuyện, người sống nhìn thấy cái chết chứ người chết lại không hiểu mình chết thế nào. Nó mới đúng là một bí mật lớn. Riêng mình đang cố gắng đến với nó bằng sự thanh thản. Chính ra chết không đáng sợ bằng tuổi già đau ốm.
Cứ cho hôm nay là ngày cuối, giờ c
uối, vậy anh sẽ ăn gì? Một đĩa nhỏ bít tết, mẩu bánh mì, chút xì dầu hồ tiêu ớt tươi và một cốc vang Bordeaux. Người dọn bữa ăn ra bàn phải có nước da rám nắng Địa Trung Hải, mùi thơm tỏa trên khắp cơ thể cô nàng, cửa hàng phải nằm trong một góc phố cổ đẹp nhất của Hà Nội. Hà Nội giờ đang mở rộng, đang lên cao, nhưng xô bồ quá, càng xây càng thấy thiếu phong độ, lam lũ nhếch nhác, thành phố thiếu những góc yên tĩnh, phải biết tạo những góc yên tĩnh, chỉ ồn ào giống như bản giao hưởng thiếu khoảng lặng, như thể ta đang ngồi giữa một dàn nhạc thiếu người cầm đũa chỉ huy. Phải tìm ra nhạc trưởng tài ba, phải có cách nhìn tổng thể, cần kỹ lưỡng trên từng mét vuông và cần phải có khát vọng, cần phải biết lãng mạn, thiếu lãng mạn sẽ thấp đi mọi thứ ở cả phong cảnh và con người. Đất đai quí trên phương diện tâm linh, tình cảm, là mồ hôi nước mắt, là xương máu tổ tiên gửi lại cho chúng mình và mai sau chứ sao lại chỉ tính thành tiền thành vàng, để rồi thấy hở mảnh nào ra là vội nghĩ đến mua mua bán bán, là tính chuyện dúi ngay một căn nhà không cửa sổ vào đấy.
Điều gì thoáng hiện ra vào lúc anh sắp biến? Đó là một đêm trên đường ra mặt trận, chúng mình cùng ngồi trong một chiếc nong ngoài sân, cô ấy không nói gì cả. Trăng trung du ngời ngợi, tấm lưng cô ấy cũng như đang tỏa sáng, mình sẽ mang hình ảnh đó để đi xa. Mà như thế thì khó chết lắm nhỉ.
Trần Lưu Hậu mỉm cười. Một nụ cười không thành tiếng, bao giờ cũng chỉ là vừa đủ. Nghe đâu đó khuyên mỗi ngày con người ta nên cười lấy dăm phút, cười thật to, thật vang lừng, như thế sẽ sống lâu, biết thế nhưng chịu không làm nổi, anh thấy nó cứ ngường ngượng thế nào, vả lại cũng không cần thiết thì phải.
Theo Đỗ Chu – CAND Online