Phần lớn bài hát của Trịnh Công Sơn được viết bằng giọng thứ, ca từ mềm mại và luân chuyển theo lối kể chuyện. Vì vậy, dòng ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn được kỳ vọng có rất nhiều ứng viên đứng riêng như những bài thơ trọn vẹn.
Ca từ của Trịnh Công Sơn giàu chất thơ, điều ấy ai cũng thừa nhận với không ít sự thán phục. Thế nhưng, có ca từ của Trịnh Công Sơn có thể đứng biệt lập trên trang giấy như một bài thơ thực sự hay không? Câu hỏi này vẫn là ẩn số không dễ dàng giãi bày phía những người yêu mến Trịnh Công Sơn. Đành rằng, vị trí nhạc sĩ của Trịnh Công Sơn đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng mà không cần phải có thêm danh hiệu nào khác. Tuy nhiên, nếu tìm kiếm giữa hàng trăm ca từ của Trịnh Công Sơn mà thấy được một bài thơ riêng lẻ mang đầy đủ giá trị thi ca, thì cũng có thêm sự thú vị cho giới mộ điệu!
Những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có ca từ đậm chất thơ. Ảnh: S.T. |
Hầu hết ca từ của Trịnh Công Sơn đều có những câu thơ hay, thậm chí rất hay. Vậy mà, nhiều khi đặt nguyên vẹn ca từ nào đó lên văn bản, lại chẳng thể thuyết phục được độc giả thơ vốn khó tính. Phải chăng, do chúng ta đã quen ý niệm văn bản thơ của Trịnh Công Sơn là ca từ, nên khó chấp nhận việc chuyển đổi nó thành một bài thơ? Cũng có thể tồn tại yếu tố cảm tính kia, nhưng trên thực tế có ca từ không chứa đựng phẩm chất bài thơ, và có bài thơ cũng không thể trở thành ca từ!
Phần lớn bài hát của Trịnh Công Sơn được viết bằng giọng thứ, ca từ mềm mại và luân chuyển theo lối kể chuyện. Vì vậy, dòng ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn được kỳ vọng có rất nhiều ứng viên đứng riêng như những bài thơ trọn vẹn. Bởi lẽ, những tiếng kêu nhói buốt về chia ly và mất mát giữa đạn bom luôn tạo ra hiệu ứng của bài thơ run rẩy. Thử nhìn lại những bài hát trong tập Da Vàng, chúng ta không khó phát hiện nhiều ca từ được viết theo những thể thơ nhất định, ví dụ Gọi đời bên nhau viết theo thể thơ 4 chữ hay Người ở phố về viết theo thể thơ lục bát, ngỡ có thể yên tâm xem như bài thơ chỉnh thể thì lại nằm ở dạng thường thường bậc trung. Thật đáng tiếc! Ca từ có thể bám vào giai điệu để thăng hoa vào lòng người, còn bài thơ phải tự xây dựng khoảng trống mỹ cảm để đánh động trái tim bạn đọc.
Cũng may, tách khỏi tiết tấu, có một ca từ của Trịnh Công Sơn mà theo tôi đủ sức tượng hình một thi phẩm rung động, đó là bài Một buổi sáng mùa xuân gồm 5 khổ thơ:
Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé ra đồng
Đạp trái mìn nổ chậm
Xác không còn đôi chân
Một buổi sáng mùa xuân
Ngực đứa bé tan tành
Ngàn hoa đồng cỏ nội
Cúi xuống nhìn con tim
Em thơ ơi, chiều nay trường học lại
Trong sân chơi bạn và thầy im lời
Bài học về yêu thương trên giấy mới
Sao hôm nay nét mực đã phai
Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé yên nằm
Bàn tay cầm cỏ dại
Có hoa vàng mong manh
Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé im lìm
Bờ môi dường thầm hỏi
Có thiên đường hay không
Trịnh Công Sơn viết Một buổi sáng mùa xuân năm 1969. Hình như đến nay, chỉ duy nhất Khánh Ly thể hiện ca khúc này. Khúc thức của bài hát Một buổi sáng mùa xuân tương đối đơn giản, nhưng ý nghĩa của bài thơ Một buổi sang mùa xuân phơi bày đầy đặn. Đọc bằng mắt, không cần vin bất cứ trợ lực âm thanh nào, bài thơ 5 khổ vẫn kể cho chúng ta nghe một câu chuyện xúc động. Dù không có câu chữ tài hoa so với những ca từ khác của Trịnh Công Sơn, nhưng bài thơ lặng lẽ len lỏi thẳng vào tâm hồn chúng ta bởi hai câu hỏi day dứt "bài học về yêu thương trên giấy mới, sao hôm nay nét mực đã phai" và "có thiên đường hay không". Chính hai câu hỏi ấy thiết lập khoảng trống mỹ cảm đặc thù của thi ca, và giúp Một buổi sang mùa xuân có thể đứng riêng như một bài thơ!
Theo Lê Thiếu Nhơn – eVan