Sinh thời, hoạ sĩ Lưu Công Nhân vẽ bằng nhiều chất liệu, nhưng những người yêu thích tranh ông vẫn mê mảng tranh giấy. 50 bức tranh giấy tại triển lãm diễn ra từ 17 – 28.7 tại hội Mỹ thuật thành phố là 50 câu chuyện tinh tuý của ông

Vậy mà đã hai năm tính từ ngày hoạ sĩ Lưu Công Nhân yên nghỉ mãi mãi dưới bóng thông của nghĩa trang Du Sinh ở Đà Lạt. Ông chọn thành phố ngàn hoa để sống những ngày tháng cuối đời sau những năm dài đi và vẽ ở nhiều miền của đất nước. Dường như ở bất kỳ nơi nào Lưu Công Nhân cũng tìm thấy vẻ đẹp và mê mải đưa tất cả những gì quan sát được vào tranh, với một tình yêu cuộc sống không hề vơi đi theo tháng năm. Chỉ có thế mới hiểu được vì sao khi đã bị bệnh Parkinson hành hạ nhiều năm, tay run bắn mỗi khi cầm cọ mà ông vẫn không ngừng vẽ.

Đã nhiều lần ông nói rằng chẳng bao giờ sợ thiếu đề tài vẽ, chỉ sợ mình không còn sự rung động và không còn sức để vẽ. Ông vẽ nhiều tranh trừu tượng nhưng chỉ như một cách dạo chơi vào cõi tranh này, còn thì suốt đời Lưu Công Nhân chỉ vẽ tranh hiện thực. Người và vật và cảnh sắc trần gian đầy ắp trong tranh ông. Có khi chỉ là những tàu lá cọ trung du xanh ngắt khi sống ở Vĩnh Yên trong ngôi nhà gạch mái ngói có chữ “nhân” phía trước. Có khi là những hoa loa kèn trắng muốt khi sống ở Đà Lạt trong ngôi nhà phủ kín những dây cát đằng và hoa móng rồng và mỗi sớm mai ông lại lật bật chống gậy, khó nhọc bước lên con dốc cao để đi bộ đến hồ Xuân Hương. Có khi là một mảng tường rêu khi đến Hội An và bị hút hồn bởi đô thị cổ này, nên ban đầu định ghé lại một thời gian nhưng rốt cuộc ông đã sống gần cả năm để vẽ hàng loạt tranh về phố Hoài, có những bức vào loại đẹp nhất trong số những tác phẩm hội hoạ vẽ Hội An. Cũng có khi chỉ là một bộ ấm chén pha trà ông thường uống một mình buổi sáng…

Tranh Lưu Công Nhân được vẽ bằng nhiều chất liệu nhưng phần lớn những người yêu thích tranh ông vẫn mê nhất mảng tranh giấy, nhất là những bức aquarelle mà nét bút đã “thành thần”! Đôi khi tôi thầm so sánh một cách khập khiễng rằng tranh giấy dó, giấy điệp của Lưu Công Nhân tựa những truyện ngắn gọn ghẽ, súc tích nhưng đọc thì nhớ đời. Lại nghĩ tranh giấy của ông là sự nối dài và hiện đại hoá tranh giấy Đông Hồ, Hàng Trống…

Suốt cuộc đời dài sáng tác, Lưu Công Nhân vẽ có đến vài ngàn bức tranh giấy. Sẽ thật đáng tiếc nếu cái gia tài ấy bị thất tán. Sẽ thật đáng tiếc nếu không có một bảo tàng tranh Lưu Công Nhân…

Nhân ngày giỗ lần hai của Lưu Công Nhân, một triển lãm hơn 50 bức tranh giấy của ông được nhà sưu tập Đỗ Huy Bắc tổ chức trưng bày tại hội Mỹ thuật TP.HCM (218A Pasteur, từ 17 đến 28.7). Nhiều bức trong số tranh này đã được in trong mấy tập sách tranh của Lưu Công Nhân. Với tôi, chúng thật quen thuộc vì khi xem tranh tôi lại nhớ những lần được chính tay ông mở những thùng giấy, những rương gỗ nhỏ chất đầy tranh, thong thả lấy ra từng chiếc một, nâng niu chúng trên tay và giới thiệu với tôi. Như hồi ở Vĩnh Yên, tôi đã xem tranh giấy của ông đến hơn nửa đêm mà vẫn thấy còn biết bao bức chưa được lật tới…

Một mảng nhỏ trong sự nghiệp của Lưu Công Nhân được bày dịp này là mấy nén hương tưởng niệm một tài hoa.

Theo Diên Vỹ – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *