Người ta chỉ có thể mở cửa một thành phố bằng vỉa hè. Mỗi người, từng ngày bước từ vỉa hè này qua góc phố nọ là bước vào một thế giới để bắt gặp cùng lúc quá khứ và tương lai, một chỗ đến đầy ắp chuyện cá nhân, một nơi về không bao giờ là đủ cho lòng ham sống
Từ vỉa hè hẹp và đầy rác của một con đường nhỏ, tôi nhớ em đã hỏi tôi: “Nếu có quyền, anh sẽ đặt tên đường này là gì?”
Tôi vẫn thường nghĩ tới những cái tên danh nhân mà tôi kính trọng, nhưng gần như mọi người mà tôi biết đều đã có tên đường để đi vào lịch sử. Tôi bỗng nhiên muốn có một con đường nào đó cho những bàn chân của nhiều, rất nhiều người vô danh. Và tôi nghĩ đến một số từ, nhưng không hiểu sao lại toàn là những từ như: “đường gập ghềnh”, “đường vấp ngã”, “đường ổ chuột ổ gà”… Tôi trả lời em: “Tôi thích đặt tên đường này là “đường dầu cù là” hoặc “đường dầu gió”, hay một loại dầu nào đó mà tuổi thơ mẹ và chị đã xức cho chúng ta mỗi lúc chạy chơi té ngã trầy xước. Tôi cần có tên một con đường như vậy để những người tôi yêu dù còn hay khuất vẫn luôn gần gũi chân thành với đời sống của tôi”. “Anh làm em liên tưởng đến một khu phố có tên là Ông Tạ, ông là thầy bốc thuốc, bà em kể, ông Tạ trị bệnh ban đỏ, trái rạ … cho con nít hay lắm” – em nói.
Dạo gần đây nếu đi bộ, tôi sẽ nói với bạn bè: Nhà tôi ở số 162/30 đường bánh bột chiên, khu Chợ Lớn. Và tôi thích nói với mấy tay xe ôm, xích lô, tắcxi: Cho tôi về nhà ở đường bánh tiêu người Hoa, đường bánh cống Cà Mau, đường bánh xèo miền Trung, đường bánh căn Nha Trang, đường bánh đậu xanh Hà Nội. Rồi nào là đường mang tên các loại kẹo, các loại trò chơi. Cả thành phố của chúng ta với nhiều con đường kẹo bánh như vậy chắc là sẽ làm cho các bậc vĩ nhân được đặt tên đường thêm ngọt ngào vui vẻ. Có khi các vị sẽ cười hồn nhiên như trẻ con rồi biểu: “Nè, đừng có mang bụng dân tộc hẹp hòi, hãy hiện đại một tí, nên có thêm tên đường như đường kẹo sôcôla, đường bánh pizza, đường trò chơi điện tử…”
Đô thị nơi tôi ở tập cho tôi một thói tật hay đi dưới lòng đường. Thành ra bàn chân tôi như một con tàu nhỏ đi giữa đại dương đỏ đỏ, vàng vàng, trắng trắng, đen đen. Màu sắc những con đường tôi đi hợp thành những dòng chảy bất tận và tôi nghĩ, mọi dòng chảy đậm màu cuộc sống đều đưa con người đi về bến thương nhớ những ngày sống trong thiếu thốn tuổi thơ.
Nhưng chuyện tôi mơ được sống ở một thành phố bánh kẹo và trò chơi không phải là một tình trạng tâm lý bù đắp những thiếu thốn của con người.
Dù có lúc thiếu, lúc đủ, lúc thừa nhưng những phẩm vật thế gian đó đã không ngừng nuôi dưỡng tâm hồn và ý thức mỗi người. Khao khát về một đô thị với những con đường mang tên từng miếng bánh, từng cục kẹo còn chính là ý thức tri ân trước sự rộng lòng vô hạn của cuộc sống
Không hề có bài học nào đủ nghĩa khi ở lâu nơi chốn nào đó mà chỉ toàn là những chuyện trọng đại như điều thiện, cái ác, chiến tranh, hoà bình… Có lẽ khi các bậc vĩ nhân lịch sử đáp đĩa bay hoặc thuyền giấy trở lại đô thị này thì tình trạng đầu tiên sẽ giúp các vị thấy mình sống lại chính là chuyện thèm ăn và ham vui. Và chỉ những khu phố hàng rong, từng con đường bánh kẹo, trò chơi mới có thể giúp các vị ấy thoát khỏi cái cảm giác đắng cay của người cô đơn ở chốn hoành tráng bao la không thường được chăm sóc.
Theo Trần Tiến Dũng – SGTT