Có một miền đất mà xung quanh ta bao giờ cũng nghe tiếng chim líu lo, rộn ràng, trên đầu ta là rợp trời chim, cò chao lượn trong một bình minh đỏ. Không gian cứ y như chuyện cổ tích về một cõi thiên thai đầy chim hạc, chim công. Đó chính là miền đất bán đảo Cà Mau xưa.
Vào khoảng 40 năm trước, lúc đó tôi đã lên chín, lên mười, được tận mắt nhìn cái không gian như chuyện cổ tích ấy. Thuở đó, đất đai vùng bán đảo Cà Mau rất khác xa với bây giờ. Rừng đước, rừng tràm, rừng cốc, chà là của hệ sinh thái ngập mặn còn nguyên sinh và rộng bao la. Đặc biệt, do hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, đất bị ngập mặn hoặc ngập úng nên năng suất lúa rất thấp, lại trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, nên đất bỏ hoang rất nhiều. Trên những vùng đất hoang hóa ấy, cỏ thi nhau mọc cao đến bụng người. Tất cả tạo nên một vùng đất lý tưởng cho chim, cò sinh sống.
Trong ký ức tôi vẫn còn nguyên vẹn cái hình ảnh một trưa hè oi ả bỗng đâu như có giông bão nổi lên. Ngước nhìn lên bầu trời thì phát hiện một đàn chim giang sen hàng chục ngàn con từ đâu di trú về Bạc Liêu. Chúng bay với đội hình rất lạ, khi thì hình trái tim, khi hình cánh cung… Bao giờ cũng là một con chim đực dẫn đầu. Hình tích của chim giang sen rất giống với con hạc trong huyền thoại. Cái mỏ vàng nghệ… Chúng nặng đến 3 ký. Thịt giang sen mà nấu cari thì có thể sánh với thịt công, phụng… Hay một buổi chiều mùa đông se se lạnh, đất trời bỗng như có giông gió nổi lên và trên đầu ta là hàng chục ngàn con vịt trời bay về. Hồi đó, nhà nông vùng Bạc Liêu rất sợ vịt trời đáp xuống ruộng mình, chỉ cần một giờ đồng hồ là chim phá tiêu tan một công lúa sắp gặt.
Mùa sa mưa, bọn trẻ chúng tôi mang trâu lên cầm trên những cách đồng cỏ mênh mông ngút ngàn. Thời gian rảnh rỗi là đi lượm trứng chim, cò. Trong những cánh đồng cỏ cao đến bụng người là nơi làm tổ của các loại chim, cò. Chúng làm tổ rất đơn giản, bẻ những ngọn cỏ năn rồi đan thành cái tổ đặt trên đọt năn, đọt lác… rồi đẻ trứng. Trứng xanh xanh là trứng cò ngà, trứng xám bông đen là trứng chàng nghịch, trứng trắng bông xám là trứng trích cồ, trứng to bằng nắm tay bọn trẻ là trứng diệc, giang sen. Cứ vài chục bước chân là đã gặp một tổ chim. Đi chưa đầy hai giờ đồng hồ là trứng đã đầy nón đệm. Thức ăn trưa thường ngày của lũ chăn trâu chúng tôi là trứng chim luộc, có bữa cải hoạt hơn thì nhổ đọt năn xào với trứng chim. Mùa sa mưa là mùa sinh sản của các loại chim, cò. Đi lượm trứng gặp chim con nhảy ra khỏi tổ đi vụng về ngơ ngác đầy ra đó. Hồi xưa, những cánh đồng có chim làm tổ rất nhiều. Có những cánh đồng sát nách chợ Bạc Liêu bây giờ. Quang cảnh chung của nông thôn thời đó là thưa thớt một xóm nhà lá nhỏ, sau hậu làng là một cánh đồng bát ngát điểm trắng những cánh cò. Đó là hình ảnh gợi thương gợi nhớ về quê hương xứ sở cho những ai đi xa.
Mùa sa mưa cũng là thời điểm lũ trẻ chúng tôi đi rình bắt ổ le le (vịt trời) và bẫy trích cồ. Le le làm ổ rất nhiều trong các bẹ dừa. Chúng tôi chờ đêm tối là nhẹ nhàng leo lên đọt dừa rồi bất ngờ chụp con le le mái đang ấp trứng. Thế là chiến lợi phẩm là một con le le, hình thể giống con vịt huế, nặng gần nửa ký và gần mười trứng le le được thu về. Còn bẫy trích là thế này : dân nông thôn chúng tôi có một loại bẫy gọi là "bẫy giò" đặt dưới mặt ruộng. Hễ con trích nào mà thọt cái chân vào là vô phương chạy thoát. Chúng tôi gài hàng ngang khoảng vài chục mét, xong thì lên tuốt trên đầu đất đuổi dồn xuống. Trích cồ là giống rất đẹp, mình xanh đen, mỏ đỏ, cái đuôi phe phẩy như đuôi công trước bạn tình. Chúng ít khi bay, khi bị đuổi dồn là chúng đi bộ dần dần xuống bẫy. Có buổi, chúng tôi gài được hàng chục con. Hồi đó, người lớn hay khuyến khích bọn trẻ gài trích cồ như phát động diệt chuột bây giờ. Bởi trích phá lúa rất dữ, thức ăn của nó là đọt lúa non. Cái chân trích xé lúa vô cùng điệu nghệ. Mỗi lần nó làm ổ là kể như vạt lúa ở gần đó bị cắn phá hết vì ổ được kết bằng đọt lúa và rất to. Trích cũng là loài chim đẹp mà khôn. Hồi đó, có ông Tám Lượm nuôi hàng chục con trích trong nhà. Không biết ông huấn luyện kiểu nào mà trích ra đồng ăn xong thì về. Cái vườn nhà ông Tám đầy chim trích xanh xanh, đỏ đỏ như vườn thượng uyển đầy công, phụng của vua chúa ngày xưa.
Khi mưa già một chút, lúa trên đồng đang thì con gái, lũ trẻ chúng tôi đi lượm ổ và phang cúm núm. Đó là lúc trời chập choạng tối, hễ thấy chỗ nào mà một đôi cúm núm cứ bay lên bay xuống là chắc chắn ở đó có một ổ cúm núm. Khi lấy trứng xong thì chúng tôi rình phang cúm núm. Dụng cụ phang là một cây sào. Ở quê tôi có anh Hai Cảnh phang cúm núm rất tài ba, như Vân Tiên quơ gậy đánh bọn cướp Phong Lai. Một đường sào của anh là một con cúm núm rụng.
Đất quê tôi có nhiều con lung, những con lung có tên tuổi hẳn hoi như Lung Rong, Lung Sình… Vào khoảng tháng 8 âm lịch, mưa thu dầm dề đến thúi đất, đám chàng bè ăn trên Lung Rong đứng rúc đầu vào cánh để tránh mưa. Thế là lũ trẻ chúng tôi trầm mình dưới lung rồi lấy rong đội lên đầu để ngụy trang và di chuyển từ từ đến bầy chàng bè, sau đó thì bất thần nắm chặt hai cái chân. Con chàng bè nặng 5 – 6 ký giãy giụa làm mình mẩy chúng tôi trầy sướt, đến muốn bay khỏi mặt đất. Mấy đứa khác phải tung rong lên ứng cứu thì mới bắt được con chàng bè. Thịt chàng bè thơm ngọt tuyệt vời. Hơn 20 năm nay, tôi không còn thấy loài chim to này nữa.
Đất quê tôi đâu đâu cũng đầy chim, cò. Đám lá dừa nước và trâm bầu sau nhà tôi không biết từ đâu cò vạc về ở đầy ra đó. Có những buổi đờn ca không có mồi nhậu, mấy tay thanh niên trong làng tôi xách đèn pin và dàn thun đi một tiếng đồng hồ là quảy về 5 – 7 con cò vạc để nấu cháo đậu xanh. Cụm rừng chồi sau nhà tôi nhỏ xíu chừng nửa công đất mà cò ráng, cò ngà cũng về làm tổ đẻ trứng.
Vùng đất bán đảo Cà Mau xưa có rất nhiều vườn chim, rừng tràm, rừng đước, rừng chồi… không sao đếm hết. Có những vườn chim tự nhiên rộng cả ngàn héc-ta. Có những vườn chim nằm sâu trong rừng tràm nguyên thủy không ai biết để đặt tên. Còn vườn chim nho nhỏ thì gần như làng quê hẻo lánh nào cũng có. Chim muông nhiều như thế nên nó làm cho đời sống thôn quê thêm phần phong phú, bởi nó hình thành rất nhiều nghề đánh bẫy chim. Hồi đó, hầu như làng nào cũng có người làm nghề gác cu. Đó là một thứ nghề không có kinh tế nhưng đầy ma lực, nó hút hồn hút vía người ta. Những lão già gác cu giống như thầy bùa lỗ ban. Bao giờ trong nhà cũng thờ một cái trang đỏ chót, không ăn cơm cúng và ít khi tắm rửa. Mùa gác cu là mùa hè, các ông đội nắng vác lụp và một con cu mồi đi đánh bẫy suốt ngày cũng chỉ có 2 – 3 con, nhưng không đi không được. Mỗi lần nghe tiếng cu gù là thần trí mê man, tay chân ngứa ngáy… nên bỏ hết việc nhà mà sải những bước chân trong những cánh rừng.
Mùa gió chướng thổi sòng, đó chính là mùa lũ trẻ chúng tôi đi đánh bẫy. Chim chóc thì có bốn mùa nhưng phải nói rằng đây là mùa chim về nhiều nhất. Những con chàng nghịch, ốc cao, gà nước… mập ú, mập đến nỗi cái lũ gà nước chỉ có thể bay sà sà trên ngọn lúa. Gà nước mà đem nấu cháo xé phay trộn rau răm thì ngon tuyệt trần, đã ăn một lần thì ấn tượng không phai. Mùa này, từ trong các cánh rừng, chúng theo cửa rừng mà ra ruộng ăn lúa. Bọn trẻ chúng tôi cứ nhằm vào cửa rừng nào mà dấu chân chim nhiều là đặt bẫy. Mê lắm! Sáng sớm, sương còn đọng trên cành lá, chúng tôi đã đi thăm bẫy, những cần bẫy giật giật và kéo rịt trong bụi lá là đã bẫy được chim, kéo lên một con gà nước mập ú. Mỗi đứa chỉ cần 20 cần bẫy là suốt mùa gió chướng đến Tết, gia đình chỉ ăn thịt chim. Có bữa còn bẫy được chồn đèn, kỳ đà. Và nói không ngoa chứ cần bẫy chim của tôi rất nhiều lần bẫy được cua kình và những con tôm càng bằng bắp tay. Bởi vì nước rong lên ngập rừng chồi, cua, tôm cũng vào cửa rừng tìm mồi.
Người lớn trong làng tôi có cách đánh bẫy chim riêng của họ, phổ biến là "tút" quốc và chụp lưới bồng bồng. Xưa có ông Năm Nhơn, ông sống một mình trong căn chòi nhỏ và sống bằng một nghề độc nhất là "tút" quốc. Chiều, ông chống xuồng đến bìa rừng để giăng lưới. Sau đó, ông bày trên sạp xuồng một bình trà "quạu", vừa hút thuốc vừa uống trà rồi đọc thơ Vân Tiên, phong thái nho nhã như ông tiên. Khi màn đêm chụp xuống, tiếng quốc từ gốc rừng kêu "quốc oa, quốc oa"… là ông đưa ống trúc lên miệng thổi. Tiếng trúc của ông giống tiếng quốc đến kỳ lạ, nó ma quỷ như tiếng sáo Trương Chi, khiến những nàng quốc như Mỵ Nương say đắm, từ trong cánh rừng bay vụt ra và đâm sầm vào lưới rồi giãy giụa trong tuyệt vọng. Đến 9 giờ tối thì ông Năm cuốn lưới thu được vài chục con quốc. Thịt chim quốc ngon, mật chim dùng để chữa bệnh trẻ em khi sốt động kinh rất hiệu nghiệm. Có lẽ vì thế mà hồi đó quốc bán được giá.
Còn nghề chụp lưới bồng bồng thì du nhập về vùng Hậu Giang khoảng thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Đây là một cách bẫy chim khá quy mô và không kém phần nguy hiểm, cũng như cần kinh nghiệm nghề nghiệp cao. Thường thì họ đi bằng xuồng vào những cánh đồng heo hút với 3, 4 nhân công. Mùa chụp lưới là mùa cấn bấc. Trong tiết trời se lạnh của một buổi chiều tà, người đánh bẫy nhìn cơn gió bấc hây hây thổi trên đồng xa rồi quan sát địa hình để có một quyết định chính xác rằng : đêm nay có một bầy le le (vịt trời) sẽ sà xuống mảnh ruộng này để mà đặt bẫy. Bẫy là một tấm lưới rộng, dài đến vài chục mét. Hai đầu là hai cây sào dài được mắc vào một sợi dây thun chắp lại bằng ruột xe đạp rồi kéo căng ra chờ sẵn. Khi bầy le le đáp xuống thì họ từ xa giật dây. Thế là cánh lưới bung lên không trung rồi chụp xuống đầu đám le le với một tiếng nổ như mìn. Sau phút thất thần, bầy le le hoảng loạn, rần rần như ong vỡ tổ. Một mẻ lưới có thể chở le le khẳm xuồng.
Lại có một nhóm người sinh sống bằng ghề gác trích. Có thể gọi đó là những bậc cao thủ của đồng quê. Thường họ là những ông già (nhiều nhất là người Khmer) hầu như ai cũng ghiền rượu. Nước da đen rám, suốt ngày các ông đi long nhong ngoài đồng, kè kè bên hông là chai rượu dùng để giải khát thay cho nước. Khi phát hiện cánh đồng nào mà trích cồ nhiều là các ông quay về chống xuồng chở dụng cụ đánh bẫy lên. Đó là những chiếc "bẫy giò" cặm thành luồng dài khoảng một công đất. Không biết những ông thầy gác trích này nhìn thiên văn địa lý kiểu nào mà khi đuổi thì bầy trích đi đúng cái luồng bẫy ấy. Có người chỉ cần một lượt gác chim là bắt được hàng trăm con trích cồ.
Tuy nhiên, không chỉ có đánh bẫy giết hại chim, mà người ta còn nuôi chim. Người lớn tuổi thì quan niệm rằng chim là một loài thú hiền lành, báo điềm vui, ai mà giết chim vô cớ thì mang tội. Thời đó, hầu như nhà nào cũng nuôi mấy con cu đất treo trên mái hiên nhà làm một thứ chim cảnh. Còn nuôi chim sáo, chim cưỡng để tập nói tiếng người là cái mốt của lũ trẻ chăn trâu chúng tôi. Đứa nào cũng có một con sáo đậu trên vai khi ra đồng. Sáo là loài chim khôn, nuôi trong nhà chúng không bao giờ bay đi mà cứ quấn quít bên chủ. Cho sáo ăn ớt hiểm rồi lột lưỡi và tập nói tiếng người thì sáo sẽ biết nói, giọng đỏ đẻ như con trẻ. Khi sáo nói được tiếng người là hiển nhiên sáo trở thành một thành viên của cộng đồng. Đã không ít lần khi chết, sáo đã lấy theo không ít nước mắt của lũ trẻ chúng tôi. Đó cũng là lúc con người chợt yêu quí chim muông, yêu quí thiên nhiên.
Những năm gần đây, rừng nguyên sinh ở bán đảo Cà Mau bị hủy diệt hoàn toàn. Những cánh đồng năn mênh mông cũng không còn vì chúng đã được đưa vào trồng lúa, nuôi tôm. Thế là môi trường của chim muông mất đi. Hơn thế nữa, khi chim muông ngày càng ít thì nhu cầu thịt chim của các nhà hàng đặc sản ngày càng cao nên lực lượng săn bắt chim ngày càng nhiều. Mà bây giờ, người ta săn bắt bằng phương tiện hiện đại, khác với trước đây. Ngày xưa, "tút" quốc bằng cách thổi ống trúc thì nay âm thanh ấy là do cát-sét phát ra. Chính vì thế mà chim chóc ngày càng ít đi. Đã 10 năm nay, tôi không thấy trích cồ, chàng bè, già đãy… nữa.
Thị xã Bạc Liêu của tôi bây giờ có một quán cà-phê có tên tuổi hẳn hoi, thế nhưng, khách cà-phê lại đặt cho nó là "Quán chim". Số là cái quán này trước mặt có một cửa hàng chim cảnh. Người ta treo tòn ten hàng chục lồng chim với các loại chim như chìa vôi, cu đất, họa mi… Chúng kêu chí chóe, ỏm tỏi bằng một âm thanh hỗn tạp. Dĩ nhiên, đó là tiếng hót hoảng loạn của những kẻ bị cầm tù. Thế mà lạ thay, những ông khách cà-phê cứ nhấm nháp cà-phê rồi mơ màng thả hồn theo tiếng chim hót. Tôi thì không nhập được với tiếng chim ấy, bởi trong ký ức tôi vẫn còn bổi hổi bồi hồi với những mùa chim gáy…
Thuở ấy, khi mặt trời hừng đỏ chào đón buổi sáng mai là trong vòm lá quanh nhà tôi líu lo ríu rít tiếng chim chìa vôi, chim chào mào, chim sẻ… Tiếng chim rộn rã như thúc giục mời gọi ta thức dậy để hòa nhập vào cái không gian trời xanh rợp bóng chim và đồng xanh mênh mông cánh cò. Cái không gian thơ mộng ấy đã nhen nhóm trong ta một ngọn lửa tình yêu quê hương xứ sở. Trưa một chút, đó là một buổi trưa hè oi ả, bỗng tiếng chim cu cất lên xua tan cái yên tĩnh của rừng trưa. Và khi nước nhửng lớn, tiếng bìm bịp dội rền rền mặt sông nghe âm u, trầm uất đến lạ. Lúc nắng chiều tắt dần, ráng chiều ửng hồng mặt nước là lúc từ trong một góc rừng đám lá dừa nước tiếng quốc trỗi lên (trong văn chương gọi đó là chim đỗ quyên). Đó là khúc nhạc gọi hồn đất nước, nó gợi cảm như tiếng đàn bầu. Đất nước thì đang bị chia cắt, loạn lạc, nghe tiếng chim đỗ quyên, ta cảm được niềm thương non nhớ nước vô vùng. Và những lúc chèo thuyền trên sông, trời khuya, trăng lạnh, bỗng một con vạc ăn đêm bay ngang và cất tiếng kêu làm rớt lại trên sông, đó là con vạc kêu sương lẻ bạn. Tiếng kêu của nó như cấy vào vào ta một nỗi buồn ly xứ. Ta chợt thảng thốt, bàng hoàng!
Ôi, tiếng chim gợi cảm và diệu kỳ! Cuộc đời sẽ tẻ nhạt và tâm hồn sẽ chai cứng nếu không còn tiếng chim. Bất chợt, tôi thèm khát cái không gian đầy chim như chuyện cổ tích về những đàn hạc bay dập dìu trong một bình minh đỏ của vùng bán đảo Cà Mau xưa.
PHAN TRUNG NGHĨA – SCLO