Nhà văn Trần Kim Trắc mồ côi mẹ từ nhỏ, cha ông tục huyền với một cô gái chưa tới đôi mươi. Người mẹ kế xuất thân hoàng gia Lào, nhưng cuộc đời bà cũng giản dị như bao phụ nữ Việt khác, làm mẹ, làm vợ và trên tất cả, biết vượt khỏi “nữ nhi thường tình” để chèo chống nuôi con trong gian khó.

Bà Phan Thị A-Na, vẫn mảnh mai như thân lúa nổi

Dáng dấp mảnh mai của bà Phan Thị A-Na gợi cho tôi nhớ đến những cây lúa nổi ở vùng trũng Đồng Tháp Mười. Nước lên đến đâu, lúa nổi đến đó, thân lúa mảnh mai vẫn trụ vững trong nước lũ, trao cho đời những hạt vàng. Chuyện kể của bà A-Na khiến những người phụ nữ Nhật vô cùng ngạc nhiên và cảm động trong cuộc giao lưu với các bà mẹ Việt Nam anh hùng tại bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Sau đó, bà ngỏ lời đi thăm ông Bình – nhà văn Trần Kim Trắc, tôi nhận lời dẫn đường. Vì tôn trọng chuyện riêng giữa “mẹ kế con chồng”, tôi lánh ra ngoài bancông. Không biết bà A-Na nói gì mà nhà văn mấy lần gỡ kiếng ra lau. Gương mặt ông chất nặng nỗi niềm.

Lá ngọc cành vàng giữa hai cuộc chiến

“Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”… Năm 14 tuổi, Bình (tên ở nhà của nhà văn Trần Kim Trắc) hát vơi với trước mặt mẹ kế rồi bỏ đi. Bà A-Na đau nhói ở tim, chưa kịp nói gì thì xuồng Bình đã khuất ngoài mé sông. “Mẹ nó bệnh mất mới 33 tuổi, để lại ba đứa con hai trai, một gái. Năm ấy, mẹ chưa tròn 20 tuổi nhưng vì cám cảnh gà trống nuôi con nên nhận lời cầu hôn của cha nó. Đời mẹ phải cắn răng vượt qua nhiều nỗi đau. Nỗi đau mẹ ghẻ con chồng coi vậy mà thật khó…”

– Khó là về phía mẹ, hay…

– Cả hai phía – ngập ngừng một lúc, mẹ A-Na nói – trong con người đàn bà nào mà chẳng có chút nữ nhi thường tình. Cũng có lúc mẹ không thắng nổi sự “thường tình” ấy. Về phía những đứa con riêng, chúng chưa hẳn lớn nhưng cũng không còn nhỏ dại, không dễ dàng tiếp nhận tình cảm của mẹ. Sau khi thằng Bình bỏ nhà ra đi, con Tích, em thằng Bình càng chống lại mẹ… Mẹ kể chuyện ngoài lề hơi nhiều. Kỳ thực, mẹ muốn nói người phụ nữ không phải chỉ đối phó với giặc ngoại xâm, mà còn phải dàn xếp sao cho gia đình được ổn thoả, hoà thuận, êm ấm. Đó cũng là một cuộc chiến. Vào lúc đó, mẹ cũng không biết sức chịu đựng của mình sẽ đến đâu. Mẹ quá mệt mỏi. Mẹ nhớ mãi hình ảnh bữa ăn trưa đầy nặng nề, đắng chát vì tiếng khóc ai oán của con chồng. Cha nó cầm con dao cắm phập xuống bàn, bất lực hét lên: “Vợ với con, các người giết tôi đi, rồi mặc sức cãi nhau!”. Lưỡi dao ấy cứ cứa vào tim mẹ. May mà lúc ấy biến cố lịch sử đã làm thay đổi tình thế…

Sau Cách mạng tháng tám, chồng mẹ vốn là một trí thức yêu nước, một huấn luyện viên thể thao có tinh thần xã hội bị tác động dữ dội trước sự lựa chọn của Bình, đứa con bỏ nhà ra đi từ năm 14 tuổi. Cậu bé tham gia ngành quân báo, bị Pháp bắt bỏ tù ba tháng. Được cha bảo lãnh ra khỏi nhà tù, chỉ hai ngày sau, Bình bỏ nhà ra đi.

Giờ đây, sau mấy mươi năm sau, đã trở thành một nhà văn nổi tiếng, một cán bộ hưu trí, đầu tóc bạc phơ, nhà văn Trần Kim Trắc bộc bạch nỗi lòng: “Gia đình nào cũng có những uẩn khúc riêng. Trong quan hệ “mẹ ghẻ con chồng”, dì A-Na và anh em chúng tôi còn có những điều chưa thực sự hiểu nhau. Nhưng tôi hiểu rất rõ là dì A-Na có ảnh hưởng rất lớn trong việc động viên cha tôi vào chiến khu Đồng Tháp Mười tham gia chống Pháp. Tôi cũng không nghĩ dì A-Na hành động được như vậy. Cũng từ đó, dì A Na cành vàng lá ngọc dấn thân…”

Thương con chồng, thương luôn cả cháu

Nhà văn Trần Kim Trắc kể thêm: “Mẹ kế của tôi mang hai dòng máu Việt – Lào. Cha bà là ông phán An khi nhận nhiệm vụ ngành “dây thép” ở Lào đã kết duyên với con gái một viên chức cao cấp, xuất thân từ hoàng gia. Nỗi niềm “quy cố hương” quá mãnh liệt, ông cụ sớm từ giã quan trường, về Mỹ Tho lập vườn bên bờ sông Thân Cửu Nghĩa. Sau khi mẹ tôi mất, mối lương duyên giữa cha tôi và bà A-Na bắt đầu. Cũng từ khi bước về ngưỡng cửa nhà tôi, thời thiếu nữ êm đềm của bà chấm dứt…”

Bà A-Na nhìn xa xăm về phía chân trời:

– Có lẽ đó là định mệnh. Nó bắt nguồn từ những giọt nước mắt đa cảm của mẹ thời thơ ấu. Khi cha đưa gia đình từ Lào lên Vân Nam (Trung Quốc) làm việc, mẹ được chín, mười tuổi gì đó. Hôm ấy, anh phát thư đưa mẹ lên ngọn đồi ngắm cảnh hoàng hôn bên bờ sông Xixôngpaxa. Mẹ ngạc nhiên khi phát hiện ra ngôi mộ của hai phụ nữ chết vào độ tuổi còn rất trẻ. Anh phát thư giải thích: “Hai cô gái ấy vì đi làm cách mạng mà bị nhà cầm quyền bắn chết. Cảm phục các cô gái còn trẻ mà dám làm chuyện quốc sự, dân làng chôn cất các cô tử tế, lập bia mộ cho các cô”. Bên nấm mồ hai liệt nữ, những đoá hoa màu trắng như những cánh bướm lô xô, chập chờn trước gió. Cảm thương hai cô gái nằm lại giữa núi đồi hoang sơ, mẹ ngồi lặng bên bờ sông Xixôngpaxa, nước mắt tuôn trào. Chính những giọt nước mắt đa cảm năm ấy là định mệnh của mẹ ngày hôm nay.

Ông Bình kể: “Để trả thù cha tham gia kháng chiến, giặc cho đốt toà nhà hai tầng bằng gỗ quý của ông. Trước lúc ra đi, dì A-Na còn động viên ba người em trai của mình cùng lên đường tham gia kháng chiến. Chỉ một tuần sau ngày cha ra đi, ông vô cùng mừng rỡ khi nhận ra mẹ kế tôi, thân mảnh mai chèo xuồng đưa mẹ già và đàn con lộc ngộc xuất hiện giữa chiến khu Đồng Tháp Mười. Với chiếc máy may, bà cặm cụi ngày đêm may mướn, vá áo chiến sĩ vừa kiếm sống, vừa góp phần bé nhỏ vào cuộc kháng chiến. Có lần bà bơi xuồng cùng ba con nhỏ trên kinh, đâm phải cọc, xuồng lật úp. Một mình, bà lặn hụp cứu ba con thơ, trong đó có đứa còn ẵm ngửa. Giặc ruồng bố, nhà kế mẫu tôi mấy lần bị đốt. Lúc ấy, tôi là chiến sĩ tiểu đoàn 307. Nghe tin nhà mẹ kế bị đốt lần thứ ba, tôi tìm đến nơi, phụ bà cất lại nhà. Rồi tôi cưới vợ, một nữ du kích. Bà trở thành chủ hôn. Bà xem cô ấy như con gái, chỉ bảo từng li, từng tí cách sinh hoạt, ứng xử. Cô ấy cũng rất thương quý bà”.

Giọng bà A-Na nghèn nghẹn:

– Thằng Bình đi tập kết, để lại miền Nam hai đứa con thơ. Nó đặt tên cho con gái là Thu Huyền có nghĩa là “thu huyền thù”, còn con trai là Hoài Nam với tâm nguyện luôn nhớ về phương Nam. Nhưng rồi bể dâu cuộc đời nào ai ngờ hết được. Chiến tranh khốc liệt không phải chỉ sức tàn phá, huỷ diệt của bom đạn mà còn trong sự chịu đựng đời thường mỗi con người. Mỗi khi nhớ lại hình ảnh cao lớn, tràn đầy sức sống của thằng Bình thời trai trẻ, mẹ hiểu và cảm thông cho sự “rẽ ngang” của nó. Chỉ còn một điều mà nếu không nói ra, mẹ không yên lòng xuôi tay nhắm mắt. Bây giờ, Bình sống với vợ kế. Vợ cũ cũng đã yên bề. Nhưng còn những đứa con… Cái mẹ cần là Bình phải đối xử tốt với những đứa con của mình. Được vậy là mẹ vui rồi.

Theo Trầm Hương – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *