Cuộc rước dâu kỳ lạ, mẹ chỉ bước đúng một bước chân là đến nhà trai. Cả cuộc đời tám mươi mấy năm của mình, niềm vui đến với mẹ thì ngắn như là không có thật, còn nỗi buồn thì lê thê.

1. Mùa lũ 2009, tôi gặp mẹ Sáu trên một doi cát nằm thoi loi bên dòng sông Trường Giang, thuộc huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), thật khó nói thuộc xã nào – Duy Vinh hay Duy Nghĩa. Lúc đó mẹ đã hơn 80, lưng đã gù, đôi mắt mờ đục. Mẹ lúi húi lấy dây buộc đống rơm vào bụi tre vì sợ lũ về trôi mất không có chi đun nấu.

Ngôi nhà nhỏ ẩm thấp, tường gạch tạm bợ, nền đất sét, trong nhà chỉ đủ chỗ kê chiếc giường tre và bàn thờ. “Nhà mẹ chỉ đơn sơ rứa thôi, gia tài lớn nhất của mẹ là đàn vịt hợp tác xã hỗ trợ giống, nhờ mấy cái trứng vịt mà mẹ sống qua ngày” – mẹ hiểu cái nhìn ái ngại của tôi. Ngoài sông, đàn vịt mấy chục con đang rượt đuổi bắt dế giữa làn nước đục ngầu đang cuồn cuộn chảy báo hiệu cơn lũ sắp đến. “Năm ni dế nhiều, đỡ tốn lúa, vịt ăn dế đẻ trứng to lắm”. Mẹ chờ vịt ăn no sẽ lùa lên nổng cát chạy lũ. Nếu lũ mà trôi vịt đi thì ngay ngày mai mẹ đói. Vài ba trứng vịt mỗi ngày là thu nhập của mẹ. Cũng có năm lũ về nhanh quá cuốn trôi cả đàn vịt ra biển, đến tận đảo Cù lao Chàm (Hội An). Mẹ đang lên uỷ ban xã xin hỗ trợ cứu đói qua ngày thì hay tin có người bắt được vịt và gọi mẹ ra đảo nhận lại. “Ai đời vịt nuôi trên sông, lũ cuốn ra tận đảo, vậy mà không mất con nào!” Mẹ cười, những nếp nhăn trên khuôn mặt nhăn nheo giãn ra và giải thích. “Thằng Sơn xóm trong là bạn của Thìn – cháu nội mẹ. Nó đi bộ đội ở Cù lao Chàm. Một lần về quê, đến thăm thằng Thìn, tự dưng nó xúi mẹ lấy sơn phết lên cánh vịt cho khỏi bị lộn với vịt người khác. Mẹ làm theo. Mấy tháng sau, lũ về, vịt trôi ra đảo gặp ngay thằng Sơn. Thấy dấu trên cánh, nó biết vịt mẹ…”

Ảnh minh họa

 

2. Đang vui nhắc đến đứa cháu nội tên Thìn tự dưng mẹ chùng xuống. Đôi mắt đục mờ nhìn xa xăm ra sông. “Nó bỏ mẹ đi bốn năm ni rồi, không biết lưu lạc ở đâu. Mẹ chừ chỉ còn mình nó…” Đợi mẹ nguôi ngoai, tôi tò mò hỏi sao mẹ lại ở cái nơi hiu quạnh sông nước này. “Mẹ cũng từng có nhà cửa trên bờ con à…” Mẹ quê Hội An, gia đình bảy người. Chiến tranh, nhà bị trúng bom chết hết, chỉ còn mình mẹ, mấy tuổi đầu cù bất cù bơ. Mẹ bôn ba khắp chốn, cuối cùng được ông già Bảy, người làm nghề rớ chèo trên sông, nhận làm con nuôi. Từ đó mẹ sống ở đò, trôi nổi trên sông, ngày ngày lo cơm nước và trông giữ bảy đứa con nhà đò. Khi mẹ lớn lên, ông gả mẹ cho một anh dân chài cũng sống dập dềnh trên sông. Lúc cưới nhau, hai chiếc đò nhỏ nhoi, nghèo khổ sáp lại. Khi đưa dâu, mẹ chỉ bước một bước chân là qua đến “nhà” trai. Sính lễ chỉ có mấy miếng trầu, không nhẫn, không áo cưới, không làm đầu, không trang điểm. Mẹ giặt cái áo bà ba cũ nát, hai, ba miếng vá, rồi lấy đồ đè lên cho thẳng thớm làm áo cô dâu mặc về nhà chồng. Chồng mẹ quanh năm suốt tháng cởi trần, chỉ có ngày cưới vợ là mặc áo. Cha mẹ chồng cho một chiếc ghe nhỏ, thêm hai tay lưới, vậy là “ra riêng”. Mấy năm sau mẹ sinh thằng Hai. Thêm một người, chiếc ghe thành chật chội. Vợ chồng ghé cái cồn cát này đắp đất dựng cái chòi ở. Lúc đào đất đắp nền, chồng mẹ chẳng may trúng mìn chết. Mẹ một thân, con dại, vừa ở cữ xong phải lo tang chồng. Ngày ngày mẹ ngồi trên ghe, một chân thả xuống nước bơi, một chân trên ghe thì đạp cái nôi để ru con ngủ, hai tay thả lưới, gỡ lưới, bắt cá, miệng hát ru con mà nước mắt chảy dài. Hai mẹ con côi cút cho đến năm Mẹo (1975), thằng Hai lấy vợ, sang năm Thìn (1976) thì sinh thằng Thìn. Năm đó mới giải phóng, đói quá, vợ chồng thằng Hai đêm đi thả lưới, ngày đi nhặt củi về bán, ai dè bị rắn độc cắn chết. Đêm nào thằng Thìn cũng khát sữa khóc, bà cũng đói mà cháu cũng đói, bà ngồi ru cháu, muốn hát mà không ra tiếng. Rồi thằng Thìn lớn lên, đi học. Nó học giỏi nhưng không hiểu sao thi đại học rớt. Buồn chán, bỏ nội ra đi, không biết đi đâu, bốn năm rồi…

Mẹ kể đến đó, ngồi thừ nhìn ra sông. Gió bắt đầu săn, mưa lớn, lũ tới rồi. Tôi chào ra đi, mẹ dặn níu theo: Rảnh rỗi lại đây nói chuyện nghe con!

3. Mùa đông năm nay, tôi quay lại chốn cũ. Đến bến sông, không thấy đàn vịt. Trong cái chòi, người đâu mà đông ghê. Một bác nghẹn ngào nói cho tôi biết mẹ đã mất, hôm nay mở cửa mả. Trước bàn thờ, có một người thanh niên với vành khăn trắng trên đầu và một phụ nữ đứng cạnh. “Xin phép mọi người, cho tôi được thắp nén hương cho mẹ Sáu.” Người phụ nữ cầm nén hương đưa tôi. Chờ tôi lễ xong, người thanh niên lên tiếng: “Cảm ơn anh, xin hỏi anh ở đâu?” “Dạ, tôi là nhà báo, lũ năm ngoái tôi có về đây nói chuyện cùng mẹ. Xin hỏi anh là…?”.“Tôi là Thìn, cháu của nội Sáu, kia là vợ sắp cưới của tôi”. Hớp ngụm nước chè nóng cho qua cái nghẹn ngào, tôi nói: “Thìn biết không, nội đã trông chờ anh đến mắt đục nhoà”.

Thìn quỳ trước di ảnh của bà nội được hoạ lại từ tấm thẻ căn cước, vừa nói vừa khóc: “Con thi rớt, vào Nam kiếm việc làm để có tiền đi học tiếp. Nay con đã có công ăn việc làm, có tiền. Con quay về đón nội vào để phụng dưỡng tuổi già. Đâu ngờ nội bỏ con đi. Lâu nay con không về chỉ vì quyết tâm muốn làm được sự nghiệp cho nội vui, không ngờ con trở thành người có lỗi…” Một bác hàng xóm an ủi Thìn rồi kể, thím Sáu ở cheo leo một mình ngoài doi cát, khi mất không ai biết, đến khi nghe đàn vịt kêu thất thanh khác thường, mọi người mới để ý chạy ra. Tới nơi thấy vịt, con ở trong sân, con chui gầm gường, kêu réo thảm thiết. Còn thím thì nằm trên giường, có lẽ “đi” từ lúc nửa đêm. Bà con gom góp kẻ ít người nhiều, rồi bán đàn vịt lo đám tang cho thím. Một đời thím trôi nổi trên sông, khi chết đi có miếng đất mà nằm, vậy cũng coi như có phước.

Trường Giang – Đoàn Nguyễn

Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *