Thẳng thắn và hài hước, nữ văn sĩ Canada chia sẻ với tờ Hindu những suy nghĩ của mình về nghề văn, về thành công của bà trong sự nghiệp và cả những danh hiệu mà bà không thích người ta gán cho mình.
– Là nhà văn nhiều năm liền được coi là ứng viên giải Nobel Văn học, bà nghĩ gì về khả năng đoạt giải?
– Bạn thân mến, nhà văn không viết vì giải thưởng. Họ viết vì những độc giả vô danh. Người cầm bút không nên sống với hy vọng đoạt giải này giải nọ…
– Khi nhìn lại sự nghiệp rạng rỡ của mình, điều gì khiến bà cảm thấy ấn tượng nhất?
– Tôi là người Canada và chúng tôi không tự ấn tượng với chính mình. Bất cứ nhà văn Canada nào có ý định lên mây đều nhanh chóng bị xì hơi. Điều tôi thấy hơi ngỡ ngàng một chút là mảnh đất có nền văn hóa kém phát triển như Canada trong những năm 1950 nay lại trở nên năng động và sản sinh ra được nhiều nhà văn có tầm ảnh hưởng quốc tế như vậy.
– Bà muốn trở lại thời kỳ nào nhất trong cuộc đời mình?
– Như bất cứ ai khác có tuổi thơ đẹp, tôi nhớ nhiều nhất đến quãng đời thơ bé. Tôi nghĩ mình đã rất may mắn khi được lớn lên theo cách đó – khá khác thường và cô đơn – nhưng nó lại trở thành chất liệu rất tốt để tôi viết. Hơn nữa, tôi cũng sinh ra trong một gia đình có truyền thống kể chuyện.
Nhà văn Margaret Atwood. Ảnh: Hindu. |
– Có điều gì khiến bà hối tiếc?
– Tôi tiếc là đã không được cao hơn một chút, không trở thành ca sĩ opera. Nhưng chuyện này cũng chẳng sao.
– Vậy điều gì khiến bà chọn nghề văn?
– Tiểu thuyết đầu tiên của tôi viết về kiến. Tác phẩm không có nhiều hành động nhưng đó là bài thực hành tuyệt vời cho việc viết lách… khiến độc giả tìm thấy được nguyên nhân khiến họ muốn đọc nó. Cô tôi bảo, tôi muốn trở thành nhà văn từ lúc 5 tuổi. Đến 6 hay 7 tuổi, tôi chuyển sang vẽ và lại trở về với viết lách từ năm 16 tuổi.
– Thành công đã đến với bà như thế nào?
– Tập thơ đầu tay của tôi bị từ chối thẳng thừng. Tôi nghĩ nó cũng kém. Tôi đã viết rất nhiều thể loại: thơ ca, tiểu thuyết, tác phẩm phi hư cấu… Rồi tập thơ Circle Game của tôi đoạt giải Governor General. Cuốn sách được in 420 bản – con số rất đáng kể cho một tập thơ.
Tôi ít đặt ra kỳ vọng cho sự nghiệp của mình. Và nếu như biết nghề viết nhọc nhằn như thế này, tôi đã không cố. Tôi khá là ngốc nghếch.
– Bà thường được gọi là nhà văn nữ quyền. Bà nghĩ sao?
– Vậy mọi người có thực sự hiểu điều đó không? Phải như thế nào thì được gọi là nhà văn chuyên đấu tranh cho nữ quyền? Bạn có nghĩ là phụ nữ mạnh mẽ hơn đàn ông không?
Xã hội là một cái kim tự tháp. Ở các vị trí trên cao là những người giỏi nhất, bất kể nam giới hay phụ nữ. Trong những năm 1960 – 1970, bất cứ ai có hành động gì vì phụ nữ cũng được coi là người đấu tranh cho nữ quyền. Nhưng tôi không nghĩ mọi người thực sự hiểu hết điều đó.
– Cuốn sách tiếp theo của bà là gì?
– Tôi sẽ không nói đâu. Tôi không muốn tiết lộ cái gì bên trong quả trứng trước khi nó được nở ra.
Theo Thanh Huyền – eVan