Bán cái laptop và đem cầm “con” Dream lo cho ba mẹ già, nhà văn ‘trẻ’ Mạc Can đang ở giai đoạn khốn khó. Trang viết của ông thường đề cập đến các thân phận trôi giạt, cút côi… Chính nhà văn cũng có một cuộc đời trôi giạt.
Không nhà cửa, không tài sản, không vợ, chỉ có đứa con rơi đang sống ở Nhật… Mạc Can nói, nhiều lần, ông thật sự muốn tìm đến cái chết. Như một lối thoát.
Chiều Sài Gòn mưa tầm tã. Mạc Can ngồi trong một quán nhỏ chuyên bán cà ri của người Ấn. Trong tiếng mưa tầm tã dội trên tấm bạt nhựa được căng làm mái che, Mạc Can ngồi im lặng thưởng thức đĩa cà ri thơm nóng. Ông ăn chậm, tỉ mẩn như đang làm một việc rất quan trọng. Thỉnh thoảng, ông hít hà vì cay rồi lại chặc lưỡi bâng quơ. Mạc Can ăn sạch đĩa cà ri, còn khúc bánh mì ăn dở, ông thu vén lại, cho vào cái giỏ cũ kỹ, để dành ăn sau. Đoạn ông rút chiếc tẩu nhỏ màu đen nhồi thuốc và bập bập mấy hơi liền. Cái miệng hay trề xuống và khuôn mặt lúc nào cũng như làm trò của anh hề in vào khuôn mặt ông nét têu tếu, hài hước không thể xóa được.
Nhìn khuôn mặt ấy, khó có thể nghĩ rằng chỉ vài hôm trước đây, trong một buổi ngồi với nhà thơ Đỗ Trung Quân, Mạc Can rớt giọt nước mắt già nua thú nhận: "Tui muốn tự tử, ông Quân ơi!".
Đây không phải là lần đầu tiên, Mạc Can nghĩ đến cái chết. Đời ông khi chưa đến với văn chương cũng vài lần tự tử hụt, vì buồn… vì bi kịch riêng tư. "Nhưng tui vượt qua được hết để được như ngày như hôm nay. Chuyện khó khăn gì tui cũng đã vượt qua được, nhưng đụng đến tiền thì gánh nặng quá, tui sợ không vượt qua nổi".
"Đời tôi có nhiều bi kịch mà chỉ mình tôi biết", Mạc Can nói. Ảnh: nguoivienxu. |
Mạc Can đang thiếu nợ đầm đìa. Ba mẹ ông đều đã trên 80 tuổi, vừa trải qua cơn bạo bệnh, anh em của ông ở quê có cả thảy 6 người, nhưng người nào cũng nghèo rớt. Trong gia đình chỉ duy nhất có ông là "người nổi tiếng". "Ai cũng tưởng tui là người nổi tiếng thì chắc có nhiều tiền. Nhưng nổi tiếng thì có nghĩa là nhiều người biết đến chứ tiền bạc cũng đâu có bao nhiêu. Mà cái nghề diễn, rồi thêm cái nghề viết… đâu phải lúc nào thu nhập cũng đều đặn", Mạc Can cười ngậm ngùi.
Để lo tiền chạy chữa cho ba mẹ già, Mạc Can đi vay ở chỗ cho vay lấy lãi số tiền hơn 40 triệu đồng. Mỗi ngày ông phải trả góp 400.000 đồng. Bữa nào không xoay kịp tiền đúng kỳ, thì lãi dồn tiếp lãi. Ông đã trả tiền gần nửa tháng nay, nhưng lãi vẫn còn mà nợ gốc vẫn nguyên.
"Có khi tôi ngồi một mình rồi bỗng dưng nước mắt rớt, khóc mếu máo mà sợ người ta thấy thì mắc cỡ", Mạc Can nói. Ông kể tiếp, hôm ngồi với Đỗ Trung Quân, khi nghe ông buột miệng nói có ý định chết, nhà thơ họ Đỗ đã nói: "Không nhá, không nhá! Ông mà làm chuyện đó thì đừng mong tôi thắp nhang trước mộ ông".
Chuyện nghe tưởng như đùa, vì có ai tự tử mà đi thông báo với người khác bao giờ, nhưng Mạc Can vẫn cứ nói. Gần đây ý nghĩ ấy cứ trở đi trở lại trong đầu ông. Nhiều đêm về sáng, tuổi già trăn trở không ngủ được, ông thấy, thật ra cái chết là một điều gì hết sức hiển nhiên, và như một cất bước nhẹ nhàng ra khỏi cõi tạm.
Hai chữ "cõi tạm" hoàn toàn được hiểu theo đúng nghĩa với lão nhà văn này, vì hàng chục năm nay, sống và làm việc trên đất Sài Gòn, Mạc Can vẫn không có một miếng đất cắm dùi, không có một chỗ ở cố định. Hiện tại, ông đang sống ở một xóm lao động nghèo và theo lời ông là "cực kỳ phức tạp" vì đủ mọi thành phần từ bài bạc, xì ke, gái giang hồ…
"Ngày xưa, khi còn trẻ, tôi cũng từng là dân chơi, cũng từng thử hút bạch phiến, thuốc phiện, nhưng thử ngay lần đầu tiên là bị ói ra ngay. Từ đó không bao giờ đụng vào nữa. Những xóm lao động phức tạp tôi đã quen rồi. Mình hiền lành, sống giữa họ như người thân quen. Chẳng sao cả".
Xóm nào thích thì ông ở lâu, không thích thì ngay trong đêm vẫn cứ xách xe đi rong ruổi tìm chỗ ở mới, có thể là ở một góc chợ, một xóm nghèo… Có lúc ông mắc võng nằm dưới gầm cầu Lê Thánh Tôn sống cùng những người không nhà ở đấy. Ông nói, ông chỉ một thân một mình, sống giữa những cảnh đời như vậy, quan sát họ, trò chuyện cùng họ, ông thấy vui và không quạnh quẽ.
Với Mạc Can, sống như vậy không phải nhằm chủ đích để kiếm đề tài cho công việc viết lách, mà đó chính là vì cuộc đời của ông từ nhỏ đến nay đã như thế: rày đây mai đó, lênh đênh theo ghe hát trên sông nước, lang thang giữ phố thị và rong ruổi cùng những đoàn làm phim. Chính vì sống hoàn cảnh như thế, trong đầu ông mới nảy ra những truyện ngắn chẳng giống ai.
Khi hỏi ông về tin đồn ông đang yêu một cô gái trẻ và vừa lấy tiền mua cho cô ta một chiếc xe Attila, Mạc Can không giận dữ, không cau mày. Ông chỉ lắc đầu, vai hơi rụt lại, rồi giở cái nón đang đội trên đầu làm lộ ra mớ tóc bạc xóa: "Tôi từng tuổi này, nhà cửa không có, không giàu, lo cho thân chưa xong thì sao lại như thế". Ông nói, không hiểu vì đâu mà có tin đồn ác thế. "Tôi cho một anh thanh niên chiếc xe honda cũ trước đây của tôi. Nhà anh ta ở Củ Chi, chiếc xe là phương tiện làm ăn, buôn hàng lo cho gia đình. Còn cô gái mà tôi quen, cô ta mua xe bằng tiền của cổ. Tôi không thanh minh, không hơi đâu mà đi giải thích tùm lum. Tôi không làm điều gì sai trái cả". Về cô gái được nhắc đến, Mạc Can khẳng định đó là người ông quý mến vì nghị lực vượt khó, biết vươn lên khỏi kiếp nghèo hèn để có cuộc sống sung túc hơn.
Hiện tại, Mạc Can đang viết gần xong cuốn tiểu thuyết Tờ vé số cuối cùng, đó là cuốn sách về những phận nghèo. "Tôi viết ra những gì tôi thấy, tôi xúc động về số phận cô gái này. Nhưng nói thật, những va chạm, những cảnh khổ trong thực tế còn hay hơn cả những gì tôi cố gắng thể hiện".
"Còn những lời đồn, tôi tin là sau này khi thời gian trôi qua, mọi việc trắng đen rõ ràng. Khi đó người ta người ta có thể tha hồ gọi tôi là "ông bụt" hay là gì đó cũng được", Mạc Can nói giọng không có vẻ gì là đùa.
Trở lại chuyện món nợ chưa trả xong, nhà văn Mạc Can tâm sự, ông sẽ tiếp tục cày. Ông vẫn đang đóng hai bộ phim, tờ báo nơi nhà thơ Đỗ Trung Quân làm việc cũng "đánh tiếng" mời ông viết bài cộng tác một mục nhỏ, và không ít báo tại Sài Gòn đặt hàng ông viết chuyện về Sài Gòn xưa, một Sài Gòn Mạc Can đã quen thuộc nhiều ngõ ngách…
Chiếc laptop Mạc Can luôn giữ khư khư bên mình để viết sách đã bán đi hơn tuần nay. Giờ ông viết bằng giấy, bút. Còn chiếc xe Dream mua từ tiền đoạt giải thưởng cuốn tiểu thuyết Tấm ván phóng dao ông sắp đem cầm. "Ráng cày để hy vọng mua lại được…", lão nhà văn nói.
Hỏi sao ông không kể rõ sự tình cho người con ruột tại Nhật Bản, hiện nay theo lời ông đã là cô gái 28 tuổi năng động, có công việc ổn định. Mạc Can lắc đầu "Tôi không muốn làm phiền đến con". Cô gái là kết quả mối "tình một đêm" của Mạc Can với một người phụ nữ Nhật lúc bà đến Sài Gòn cách đây gần 30 năm. Khi trở về Nhật, người phụ nữ mang tên Yoko chỉ thông báo cho ông biết đã có với ông một đứa con. Yoko một mình nuôi con gái trưởng thành. "Về tình nghĩa tôi là cha nó, nhưng trên danh nghĩa mẹ con bé không phải là vợ tôi…", giọng ông xa vắng.
Khoảng 6 giờ chiều trời nhập nhoạng mưa, hề Mạc Can vội vã khoác áo đi mưa và nhảy lên chiếc xe. Ông nói phải chạy đến chỗ làm. Họ thuê ông lồng tiếng quảng cáo thuốc trừ sâu trên lúa. Hôm nay ông đã tạm yên lòng vì khoản tiền nợ góp trong ngày…
Theo Thoại Hà – eVan