Franz Kafka qua đời vì bệnh lao năm 1924, ở tuổi 41. Tới lúc đó, ông đã công bố 15 truyện ngắn và truyện dài "Hóa thân". Ba cuốn tiểu thuyết của ông: "Vụ án", "Lâu đài" và "Nước Mỹ" chưa được xuất bản. Kafka đề nghị bạn mình, nhà văn Max Brod đốt tất cả bản thảo. Ông cũng đề nghị người yêu cuối cùng của mình là Dora Diamant làm điều đó.

Khác với Max, Dora đã thực hiện nguyện vọng của nhà văn, chỉ để lại hơn ba chục bức thư của Kafka và 20 cuốn sổ ghi chép. Tất cả đã bị thất lạc năm 1933, khi ngôi nhà của Diamant ở Berlin bị nhà chức trách lục soát. Cho đến nay, người ta chưa tìm thấy bất cứ một lá thư hay cuốn sổ ghi chép nào của nhà văn.

Là một nhà văn độc lập, Max Brod đã biến việc xuất bản di sản văn học của Kafka mà ông không thiêu hủy thành sự nghiệp cả đời mình. Ông lần lượt công bố các cuốn tiểu thuyết của Kafka ngay sau khi nhà văn qua đời: "Vụ án" (1925), "Lâu đài" (1926), "Nước Mỹ"(1927). Trong những năm 30, tuyển tập tác phẩm gồm 6 tập của Kafka đã được xuất bản, còn năm 1937 cuốn tiểu sử đầu tiên của nhà văn đã ra đời.

Năm 1939, khi quân Đức tiến vào Praha, Brod chạy sang Palestine. Sau đó, chiếc vali đựng bản thảo của Kafka đã cùng với ông đến Tel-Aviv. Năm 1956, khi xảy ra cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, vốn thận trọng, Brod đã gửi các bản thảo của bạn tới Thụy Sĩ và bảo quản trong một két sắt ngân hàng. Năm 1961, theo yêu cầu của những người thừa kế của Kafka, Brod đã chuyển phần lớn bản thảo của nhà văn cho thư viện Bodleian của Đại học Oxford, trong đó gồm bản thảo tiểu thuyết "Lâu đài", "Nước Mỹ" và "Hóa thân". Brod chỉ giữ lại cho mình "Vụ án" (ông nói rằng đó là quà tặng của Kafka) và một số đồ dùng cá nhân, bưu thiếp, các bản nháp.

Tất cả những gì Max Brod không chuyển cho Đại học Oxford, được cất tại căn hộ của ông ở Tel-Aviv. Năm 1968, khi ông mất, những tài liệu này trở thành sở hữu của bà Esther Hoffe, thư ký riêng và tình nhân của ông. Từ đó nhiều nhà nghiên cứu văn học đã đề nghị bà công bố nội dung của "vali", nhưng Hoffe kiên quyết từ chối.

Năm 1988 Esther Hoffe đã bán tại Hội chợ Sotheby’s bản thảo "Vụ án" với giá 1 triệu bảng (theo giá lúc bấy giờ là vô cùng đắt). Năm 2008, bà Hoffe qua đời ở tuổi 101. Từ đó đến nay, di sản văn học của Kafka rơi vào tay hai người con gái của Hoffe là Eva Hoffe và Ruti Wisler.

Ngày 21/5/2010, tờ "Haaretz" của Israel đưa tin rằng, các bản thảo chưa công bố của Franz Kafka có thể đã bị lấy trộm ở Jerusalem. Eva Hoffe tuyên bố rằng thời gian gần đây căn hộ của bà đã ba lần bị đột nhập. Bọn trộm đã cuỗm mất một số tài liệu trong kho sách của Max Brod. Hiện vẫn chưa rõ, trong số đó có bản thảo của tác giả "Vụ án" hay không.

Nhiều năm nay chiếc vali đựng bản thảo của Kafka đã trở thành đối tượng của nhiều vụ tranh chấp, kiện tụng: Người ta yêu cầu hai chị em nhà Hoffe công bố các bản thảo, nhưng họ phản đối và đang có ý định đưa chúng sang Đức bán. Mới đây ông Ehud Sol, người quản lý của Max Brod đã chuyển cho toà án Tel-Aviv bức thư của Brod gửi bạn mình là Felix Weltsch, trong đó Brod viết rằng toàn bộ kho sách của mình, kể cả những bản thảo của Kafka, ông xin di chúc lại cho Thư viện Quốc gia Israel. Nghĩa là, không loại trừ khả năng Hoffe và Wisler đang sở hữu các tài liệu này một cách bất hợp pháp. Tuy nhiên, hiện rất khó chứng minh điều đó, vì rằng di chúc của Brod có lẽ cũng đang nằm trong số tài liệu mà hai chị em Hoffe cất giữ.

Theo Trần Hậu – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *