Chuyện kể rằng, ngay sau cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai, ở Moskva đã diễn ra cuộc triển lãm tranh của danh họa Picasso. Cuộc triển lãm thu hút được một lượng rất lớn người xem. Vượt trên cả dự tính của ban tổ chức, người ta kéo tới đông đến mức rào chắn cũng bị sập đổ. Dường như ai nấy đều lo không đến lượt mình.
Ông giám đốc triển lãm lo lắng thực sự. Trong tâm trí bối rối, ông chạy vội đi tìm nhà văn Ilya Erenburg, người nổi tiếng có tài hùng biện, khẩn khoản đề nghị:
– Nhờ đồng chí khuyên giải công chúng hộ. Cứ đà này thì rồi họ đè bẹp nhau đến chết mất thôi.
Erenburg ứng biến rất linh hoạt. Ông cầm loa phóng thanh, hướng về phía mọi người:
– Thưa các đồng chí! Các đồng chí đã chờ đợi cuộc triển lãm này 25 năm được, thì xin nán lại cho 25 phút thôi.
Cả mấy ngàn người nghe vậy cười rộ lên. Và thật kỳ diệu, sau hồi cười sảng khoái đó, trật tự lại ổn định đâu vào đấy.
Đúng là, sức mạnh lời nói của nhà văn có tác dụng đến vài chục nhân viên giữ gìn trật tự chưa chắc đã thay thế nổi.
Một chuyện khác: Tại Hội nghị Toàn quốc các tác giả Tây Ban Nha được tổ chức vào hồi đầu năm 1999 ở Madrid, nhà văn nổi tiếng Columbia – người đoạt giải Nobel Văn học 1982 – Garcia Márquez (được bạn đọc Việt Nam biết đến qua tiểu thuyết trứ danh "Trăm năm cô đơn") đã giới thiệu với các đồng nghiệp một bản thảo mới. Cao hứng, ông còn đọc cả một chương trong cuốn tiểu thuyết đó. Trước khi đọc, ông nói: "Tôi chỉ yêu cầu mọi người im lặng thôi. Ai cảm thấy chán thì cứ bỏ đi, nhưng đừng đánh thức những ai đã ngủ gật khi đang nghe".
Không biết có phải vì lời yêu cầu dí dỏm, đầy ấn tượng của nhà văn, mọi người đều im lặng nghe ông đọc. Và khi nhà văn kết thúc, không ai bảo ai, tất cả nhất loạt đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt hoan nghênh.
Theo Nguyễn Đức Long – CAND Online