Hơn 200 năm trước Lê Quý Đôn đã cảnh báo: Năm mầm mống của loạn: trẻ không kính già; trò không trọng thầy; binh kiêu, tướng loạn; tham nhũng tràn lan; sĩ phu ngoảnh mặt… 
 

Ngay trong phút khai từ vở kịch Bàn tay của trời* tạo ra bối cảnh tôn nghiêm hư thực, với hồi chuông vang vọng và cảnh báo dõng dạc của học giả Lê Quý Đôn: “Năm mầm mống của loạn: trẻ không kính già; trò không trọng thầy; binh kiêu, tướng loạn; tham nhũng tràn lan; sĩ phu ngoảnh mặt”. Thông điệp xã hội sâu sắc này được đạo diễn Ái Như chuyển tải sinh động nhuần nhuyễn trong tuyến chuyện, trong tính cách từng nhân vật và biến hóa trong phong cách bi hài. Chính quyền đương thời thối nát, quan lại dung túng cho kẻ cướp, mua quan bán chức như rươi. Kẻ ác lắm tiền đứng trên mọi giá trị xã hội, điều phối mọi mối quan hệ. Kẻ sĩ bị khinh nhờn, rẻ rúng. Khoa cử, quan trường chỉ là bậc thang cho những tham vọng cá nhân ích kỷ, độc ác. Lồng trong thế sự đảo điên đó là câu chuyện nhân tình thiện ác đáo đầu. 



Một cảnh trong vở Bàn tay của trời. Ảnh: Hòa Bình 

 

Kịch bản Bàn tay của trời xây dựng trên mô tuýp đánh tráo hài nhi thường gặp trong cổ tích á đông như “ly miêu hoán chúa” trong vụ án Quách Hòe. Ở đây, tên tướng cướp đêm ba đời muốn thay đổi số phận con mình thành kẻ “cướp ngày” làm giàu an toàn, sang trọng. Cách thay đổi thân phận duy nhất từ dân thành quan là học hành, thi cử. Tên cướp tổ chức đánh tráo đứa con mới sinh với con ông thầy đồ. Sự tráo đổi này trả giá rất đắt bằng ba mạng người: vợ thầy đồ chết vì xúc động, bà mụ bị giết vì tình cờ biết chuyện, tên đàn em thực hiện vụ đánh tráo bị giết để bịt miệng. Kế hoạch của tướng cướp thực hiện thật hoàn chỉnh. Giọt máu của tướng cướp được thầy đồ nuôi lớn thành người hiền lương, học giỏi thi đậu trạng nguyên. Ước mơ đã thành, tên cướp ngửa bài, đền tiền cho ông thầy đồ để độc chiếm đứa con. Nhưng ác thay, đứa con quan trạng đã bị thằng anh tướng cướp đầu độc. Cái mới của tuyến kịch chính ở chỗ không kết thúc theo công thức chính thắng tà, thiện thắng ác mà tuân thủ theo giá trị thực. Cái ác phải trả giá, cái giả phải hiện hình nhưng cái thiện quá yếu ớt, ngây thơ, bất lực cũng bị giẫm đạp, thậm chí bị giết chết. Qua câu chuyện tráo đổi, giọt máu thanh bạch đích thực của ông đồ sống trong gia đình tướng cướp đã trở thành một tên du thủ du thực, ỷ thế cậy quyền, ăn chơi trác táng như là ẩn dụ khẳng định sự tha hóa mầm mống của tội ác hoàn toàn không phải bản năng mà chính từ giáo dục, tác động xã hội với con người.

Xem Bàn tay của trời, người ta ngậm ngùi, xót xa, rồi day dứt từ không gian kịch đến cuộc sống đời thường và chợt giật mình với lời cảnh báo của học giả thiên tài Lê Quý Đôn hơn 200 năm trước giờ vẫn còn linh nghiệm.

Theo Tâm Khanh (PLTPHCM) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *