Cách đây ít lâu, trong một chương trình giao lưu âm nhạc, một MC trẻ trung, xinh đẹp của Đài truyền hình Trung ương đã dõng dạc giới thiệu trước đông đảo cử toạ: “Đây là nhạc sĩ P., có lẽ khán giả chúng ta không ai lạ gì cái mặt anh”! Quả là một sự cố “điếng người”.

Rồi một nữ sinh thanh lịch trường nọ, cũng hồn nhiên cầm micro nói trong tiểu phẩm (tự biên tự diễn), chê cô bạn mình là “có cái đầu hơi bị chuối quá”, đã thế còn hay lên giọng “tinh vi… vi tính”, nói nghe “vô… Lý Thường Kiệt ầm ầm”, “nom sao mà Yết… Kiêu thế không biết”… Cô ta cứ thao thao trổ tài pha trò, y như đang bông phèng giữa đám bạn ngoài phố. Lối ăn nói tếu táo, bỗ bã kiểu như vậy chỉ thích hợp với hội học trò thích “quậy” trên đường phố.

Minh họa: Hồng Nguyên

 

Nói nhịu, nói ngọng, nói lắp hay lỡ lời thì ai cũng có thể mắc. Ngay cả các nhà trí thức lớn, các bậc chính khách tài danh cũng có lúc nói bị “hớ” kia mà. Tổng thống Mỹ G. Bush từng nói nhầm “Australia” (nước Úc) thành “Austria” (nước Áo), “APEC” (tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) thành “OPEC” (tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ) và trở thành đề tài đàm tiếu của báo giới, làm ảnh hưởng tới uy tín của Mỹ…

Trong đời sống, có nhiều chuyện, không ai có thể “nắm tay được đến tối, gối tay được đến sáng”. Chuyện ngôn từ còn phức tạp nhiều bề. Nhưng lỡ lời thì cũng lỡ sao cho người nghe chấp nhận được. Đừng mắc những cái lỗi dễ bị chê là nói năng “chưa sạch nước cản”, tức là quá ngô nghê, ấu trĩ, hồ đồ. Và cũng đừng quá đà lỡ miệng tới mức hết đường đính chính. Mà lúc đó, bạn dừng lại để cải chính cũng rất dở, không khéo lại làm cho sự tình dở hơn cũng nên. Tìm cách nào sửa sai bây giờ đây? Thôi đành “ngậm bồ hòn”, tiếp tục “diễn” cho xong kịch bản. Nhưng cái trót dại lỡ miệng kia cứ như khúc xương mắc nơi cổ họng, làm cho cô em xinh tươi lúng túng, mất tự tin, diễn đạt không còn rành mạch trôi chảy nữa. Bởi cái lỗi không thể gột được đó đã làm nàng ta mất điểm dưới mắt mọi người. Mà lại bị mất điểm rất nặng, vì lỗi đó không chỉ thuộc về hành vi ngôn từ, mà còn thuộc về văn hoá ứng xử. Vụng ăn có thể cho qua/ Nhưng mà vụng nói người ta chê cười. Đúng là “nhất ngôn khứ xuất, tứ mã nan truy” (một lời trót nói, bốn ngựa không đuổi kịp).

Gần đây, một số đài truyền hình có tổ chức các cuộc thi tuyển chọn MC với những giải khá long trọng. Nhưng không ít ứng viên sáng giá vẫn bị “lố” khi vào vai đối thoại trực tiếp với các diễn giả khác (thường là nghệ sĩ, nhà văn, người nổi tiếng… ). Họ nói trơn tru thực, song nghe vẫn thấy sượng. Hoá ra, nói hay không có nghĩa là “diễn” hay. Họ cần phải có tri thức, vốn sống và năng lực ứng xử linh hoạt và khéo léo.

PGS.TS Phạm Văn Tình – Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *