Cái tên Lê Minh Khuê khiến người ta nghĩ đến một ngôi sao. Không phải “ngôi sao xa xôi”, mà là ngôi sao sớm, hay còn gọi là Sao Mai, một ngôi sao bất ngờ xuất hiện trong ánh lê minh của buổi hừng đông, lung linh như một viên ngọc gắn trên đỉnh tháp vô hình. Ở nó toát ra một cái gì đó thật tinh khôi, trong trẻo và rạng rỡ, như một sinh linh mới ra đời. Sự xuất hiện của nó làm cả bầu trời xao động, một cái gì đó như là một thần lực tỏa ra sáng láng…

Dòng viết của tôi chững lại vì bắt gặp cái nhìn của chị. “Đừng nghĩ về mình một cách nhiêu khê thế. Mình là Khuê, sao siếc gì!” – Hình như ánh mắt hơi nheo cười của chị nói với tôi như vậy. Trời cho chị một đôi mắt đẹp, đôi mắt to sáng, thăm thẳm đen, một đôi mắt mà tôi nghĩ bất kì ai soi vào cũng không giấu được ý nghĩ của mình. Điều đó khiến mấy ngón tay tôi sinh ngượng ngập, nhưng đồng thời, tôi càng muốn viết về chị theo cách mình vừa nghĩ.

Có lẽ chính đôi mắt ấy đã làm nên một Lê Minh Khuê văn chương dung dị mà trác tuyệt, viết cái gì cũng hay, cũng tới, và mặc dù không quá chói sáng để trở nên nổi bật, không cố tình đứng tách riêng để trở nên thu hút, vậy mà vẫn nổi bật giữa đám đông, vẫn thu hút mọi mắt nhìn bởi một cái gì đó rất riêng, khó lẫn…

– Hồi trẻ đi thanh niên xung phong, đạn bom không sợ, sợ nhất là bị ghẻ – Tiếng Lê Minh Khuê lọt vào tai tôi – Không ngờ ghẻ thật. Ngứa vô cùng.

– Ngứa vô cùng, ngứa vô cùng! – Tiếng Hà Đình Cẩn phụ họa – Lại toàn ngứa ở chỗ kín mới chết chứ!

Cười vang.

Năm 1971, trong đội quân TNXP nơi tuyến lửa, Lê Minh Khuê bắt đầu sáng tác. Có cảm giác chị sinh ra là để viết văn, là nhà văn ngay từ khi xuất hiện. Truyện ngắn đầu tay “Bức tranh” in báo Văn nghệ năm 1971, ký tên Vũ Thị Miền, đã tỏ ra là một cây bút rất chuyên nghiệp. Nhiều truyện ngắn tiếp sau cũng thế : “Những ngôi sao xa xôi”, “Cao điểm mùa hạ”, “Ngôi nhà bên kia đồi”, “Một chiều xa thành phố”, “Đoạn kết”, “Bình minh biển”… Mặc dù vẫn trong dòng chủ lưu của văn chương thời đó, nghĩa là tập trung mô tả về cuộc chiến theo chủ nghĩa anh hùng cách mạng, song mỗi tác phẩm của chị đều có sức cuốn hút và được thể hiện một cách “rất đẳng cấp”. Và như cố NSƯT Vũ Hà – người từng chuyển thể những tác phẩm của Lê Minh Khuê thành kịch bản truyền thanh phát trên Đài TNVN – nhận xét : “Những câu chuyện kể về những cô gái thanh niên xung phong, những người con gái chưa một lần yêu nhưng trái tim nhiệt huyết với một lý tưởng cao đẹp, dâng hiến tuổi thanh xuân đẹp nhất cho đất nước với bao nỗi niềm thầm kín. Nhưng ngời lên vẫn là tình yêu cuộc sống, khát khao những giây phút bình yên. Cảm động vô cùng. Đọc cứ rưng rưng… ” Còn ở góc độ nghề nghiệp thì mình phải mượn lời của cụ Nguyễn Đình Thi trong cuốn Vỡ bờ của cụ : “Đó là tác phẩm không thừa không thiếu, mọi chi tiết đều không xê xích được đi đâu mà vẫn giản dị, tự nhiên như cuộc sống… ”. Vì thế, mỗi lần đọc Lê Minh Khuê, mình luôn xem đó là những tác phẩm mẫu mực về truyện ngắn. Cố nhiên, mình đã học các cụ Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Thành Long… Nhưng học thày không tày học bạn. Mình học Lê Minh Khuê không chỉ ở cái tài “dụng bút như ý”, mà còn ở chỗ, chị không dựa theo một sự “hướng đạo” nào, một tiêu chí nào, chỉ có một tiêu chí duy nhất là viết cái gì mình thích, thế thôi. Chính vì đọc và học cách viết của Lê Minh Khuê mà sau cái truyện “Độ lún” được giải Ba báo Văn nghệ, mình đã đi gần đến cái thật hơn, gần như chạm được đến cái lõi của cuộc đời để có được những tác phẩm hay hơn, nhuần nhị hơn. Mà không chỉ riêng mình, hầu hết bạn viết và bạn đọc trong cả nước, đặc biệt ở Quảng Ninh, nơi mình từng gắn bó nhiều năm, đều thích truyện của nữ tác giả này. Những cây bút truyện ngắn danh tiếng ở vùng than như Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến từng đoạt giải nhất nhì báo Văn nghệ, nhìn ai cũng dưới tầm mình nhưng hễ nhắc đến Lê Minh Khuê là sợ.

Ấy là nói về thời trẻ, còn bây giờ chị đã vượt lên xa lắm.

Có một điều lạ là đọc của những anh em khác, mình cũng thích, nhưng không thấy phấn khích như đọc truyện ngắn của Khuê. Nó như có ma lực, không chỉ hút mình vào từng câu chữ, mà còn thôi thúc mình viết nữa. Thật tình đến bây giờ ,mình vẫn không lý giải được vì sao.

– Hôm nọ, ở cạnh nhà tôi có một ông tự nhiên bị ghẻ đầy người, lại còn sốt rét nữa chứ – Chị Khuê nói – Hỏi ngày xưa có đi chiến trường không, ông ấy bảo không. Không biết vì sao lại bị mắc chứng bệnh của người từng ở chiến trường như vậy?

– Thì ngày xưa không bị nên bây giờ mới bị – Anh Cẩn nói – Thế mới công bằng chứ!

Lại một tr
ận cười. Tôi cũng cười rung cả người lên, đến nỗi không sao gõ bàn phím được. Chỉ mỗi chuyên đề “ngứa ghẻ” mà hai người khai triển phong phú thế. Nhìn chị Khuê và anh Cẩn say sưa ôn lại những kỷ niệm chiến trường, thấy họ thật đáng yêu. Mà nào chuyện có gì đâu, toàn những thứ linh tinh trong sinh hoạt hàng ngày trên các điểm đóng quân, những vắt với đỉa, rau tàu bay, rồi bướm bay lèn đá… Chẳng thấy kể đánh nhau gì cả, thế mà vẫn rất hay, rất hấp dẫn, thật là kỳ lạ!

Và nếu tôi không nhầm thì có lẽ văn chương của Lê Minh Khuê cũng thế. Rất bình dị như chuyện thường ngày ta gặp, chẳng có gì đặc biệt, nhưng hình như nó được soi rọi bằng một thứ ánh sáng thần kỳ nào đó, tất cả cứ hiện lên lấp lánh và sinh động vô cùng, tạo nên vẻ đẹp lạ thường, lại luôn biến hóa, mỗi truyện là một kiểu khác nhau, không cái nào giống cái nào, mặc dù xét về nội dung tác phẩm, không phải truyện nào của chị cũng có thể dùng chữ “đẹp”. Thậm chí càng về sau này, văn chương chị càng đượm mùi chua xót. Từ việc mô tả những vẻ đẹp hào hùng trong cuộc chiến, ngòi bút Lê Minh Khuê ngày càng trở nên sắc sảo hơn khi lột tả sự nhiễu nhương thời thế, sự kiêu hãnh bên ngoài mà nhem nhuốc bên trong của cả một lớp người, cả một thế hệ, chỉ thông qua những nhân vật hết sức nhỏ nhoi, những con người rất đỗi bình thường, lam lũ, tối tăm, những thân phận đơn côi, khổ hạnh. Đặc biệt là những truyện ngắn viết về thời hậu chiến như “Biển mịt mờ”, “Xe Camry 3 chấm”, “Một mình qua đường”… Đọc thấy vừa thương, vừa buồn lại vừa buồn cười. Nhưng sau hết vẫn thấy nhiều ánh sáng, khiến người ta vẫn yêu, vẫn tin vào một tương lại gần, một tương lai xa, thấy cái sự “phải sống” ở đời là rất phải. Sống để mà có trách nhiệm hơn với nó, mà trước hết là với chính mình, với những người thân của mình. Và sự thay đổi lớn của cả một cộng đồng cũng sẽ được bắt đầu từ đó.

Sự tài tình trong ngòi bút của Lê Minh Khuê là ở điểm này. Đọc chị, mình cứ nghĩ dường như ở bất cứ thời điểm nào, môi trường nào, hoàn cảnh nào, Lê Minh Khuê đều giữ được sự cân bằng tâm thế để mà nhìn nhận, mà chiêm nghiệm, kiến giải về cuộc sống. Và những chiêm nghiệm và kiến giải ấy không bao giờ thể hiện trong tác phẩm, mà thường ẩn hiện đâu đó, đằng sau hay phía trước những trang văn. Nhà văn chuyên nghiệp là gì? Đâu phải là người ăn lương để viết hay là người có thể sống được bằng tác phẩm, mình cho rằng, nhà văn chuyên nghiệp là người dụng bút như ý, đồng thời có tâm hồn lành lặn để luôn giữ được sự cân bằng tâm thế trước những thăng trầm, biến động của cuộc đời. Lê Minh Khuê là một trong những nhà văn như vậy. Đó là những tài năng thiên bẩm, có sức đi xa, rất xa trên đường sự nghiệp của mình.

– Huệ cũng làm ở đây à?

Một lần nữa, tiếng chị Khuê lại làm dứt dòng suy nghĩ của tôi. Tôi rời mắt khỏi màn vi tính, khẽ gật đầu :

– Bác Thỉnh thấy trang web của Hội thiếu người, triệu tôi lên hầu hạ anh Chinh anh Ái. Suốt ngày điếu đóm ấy mà.

– Đừng có nghe mồm nó – Văn Chinh sừng sộ chen vào – Nó đang giữ một mục rất quan trọng đấy.

– Mục gì?

– Mục “Nhà văn ta đang làm gì”, chuyên viết về các nhà văn. Tôi đang định bảo hắn viết về bà đấy! Bà cho hắn địa chỉ đi, nay mai hắn sẽ đến tỉ tê trò chuyện với bà, sau đó…

– Thôi, thôi… Phỏng vấn tôi ngại lắm.

– Chị đừng ngại – Tôi nói – Tôi sẽ không phỏng vấn đâu. Cũng không quấy quả chị nhiều. Thực ra, chị đã ở trong lòng tôi từ lâu rồi, viết lúc nào xong lúc ấy thôi.

Đôi mắt Lê Minh Khuê lại nheo cười. Quả là một đôi mắt đẹp, hồn hậu, chân thành, thân thiện. Ở đâu và bao giờ cũng thế, với ai cũng thế. Quen biết nhau đã mấy chục năm, đến giờ gặp lại, tôi thấy dường như chị không thay đổi chút nào, mặc dù chị vừa được trao vương miện cao quí : Giải thưởng Văn học quốc tế Byeong-ju Lee với sự đánh giá hết sức trân trọng và chuẩn xác của Hội đồng Giám khảo : “Là một nhà văn nữ hàng đầu, Lê Minh Khuê ban đầu được biết đến bằng những tác phẩm viết về các cô gái tham chiến trong cuộc chiến tranh giữ nước. Tác phẩm thời hậu chiến của bà quan tâm đến hậu quả chiến tranh đối với đất nước mình, những vấn đề sau khi thống nhất đất nước, sự nghèo đói và tình trạng xói mòn văn hoá và tinh thần khi đất nước chuyển sang một xã hội tiêu thụ. Những vấn đề này được thể hiện bằng một văn phong đẹp, chua xót và trang nghiêm”. Đây là sự tưởng thưởng lớn mà Lê Minh Khuê xứng đáng được vinh danh. Nhưng hình như chị không mấy hãnh diện về điều đó. Được là mừng, không thì cũng chẳng sao. Đó hoàn toàn không phải sự khiêm tốn giả vờ, mà tôi cảm thấy hình như đối với chị, văn chương không phải là mục đích tiến thân. Nó chỉ là cái mình yêu thích, là một phương tiện để gửi gắm nhữ
ng gì mình thâu nhận trong cuộc đời này, trong cái thực tại này, để trước hết là giải tỏa những bức xúc cho chính bản thân mình, cho những người thân của mình. Đúng như chị từng tâm sự : “Tôi không mấy tin vào sức mạnh của văn học. Nhà văn thường viết cho những điều của bản thân mình, muốn nói ra một cái gì mà mình không thể nói ở những lĩnh vực khác… Tôi chỉ nghĩ, hãy tái tạo được đời sống của những người thân thiết. Những người cao tuổi, sống trong gia đình mình chẳng hạn, một thế giới giàu có, trải qua bao nhiêu thời cuộc vẫn giữ được tâm hồn trong sáng lành mạnh. Hay những mối quan hệ, qua bao sóng gió vẫn giữ được sự tốt đẹp. Mình tin ở những mối quan hệ đời thường, cha mẹ, con cái hay một nhóm bạn thân… ”.

Lê Minh Khuê là thế. Một nhà văn tài năng nhưng lại đang phấn đấu trở thành một người bình thường, để mọi sự đến với mình đều được bình thường hóa. Có lẽ đây mới là mục đích mà chị luôn vươn tới, từ rất lâu rồi, thậm chí ngay từ khi bắt đầu cầm bút viết văn? Đó quả là một khát vọng lớn lao nhưng lại vô cùng giản dị. Và với tôi, kẻ đã học được rất nhiều điều qua từng trang viết của Lê Minh Khuê, thêm một lần, lại học được ở chị một nét đẹp, hay đúng hơn, một cách ứng xử rất văn hóa không chỉ dành cho những người cầm bút.

Hà Nội, mùa xuân 2010
Nguyễn Đức Huệ – Theo hoinhavanvietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *