Nhà văn Tô Hoài |
Trong những tác phẩm của mình, nhà văn Tô Hoài chủ trương sử dụng những từ Việt cổ. Tiếng Việt hết sức phong phú, nhưng cái phong phú ấy lại bắt nguồn từ dân gian, nên ông dùng từ dân gian khá nhiều.
Rồi ông kể vài ví dụ thế này để chứng minh với tôi công việc của một “phu chữ” là phải thông thạo, giàu có về chữ nghĩa cả mới và cũ : “Mới đây, tôi xuất bản tập bút ký “Giấc mộng ông thợ dìu”, ông Vương Trí Nhàn thắc mắc không hiểu ông “thợ dìu” là ông thợ gì. Ấy là tôi dùng một từ tiếng lóng rất mới và hiện đại. Nhiều năm trở lại đây, người ta đương học nhảy rất nhiều, “thợ dìu” chính là các vũ sư nghiệp dư đi dạy nhảy đầm ở các lớp khiêu vũ, mang nghĩa là dìu dắt. Từ này tôi nhặt trong dân gian và sử dụng thành ngôn ngữ".
Sau một hồi phân tích, nhà văn Tô Hoài kết luận : “Tôi là người rất yêu chữ nghĩa! Mà chữ nghĩa của mình tinh vi lắm, giàu có lắm, vì thế tôi cho rằng, người viết văn hay viết báo cần phải giàu chữ nghĩa”.
Nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn nói về nhà văn Tô Hoài thế này : “Lịch lãm và lẩn mẩn. Tinh tế và vơ véo nhặt nhạnh. Vui đấy rồi buồn ngay đấy. Yêu thích sống trong nền nếp và chán chường trước những trì trệ. Trân trọng quá khứ và biết rằng nhiều khi quá khứ chỉ đáng quên đi. Ham hố phiêu lưu thay đổi và không bao giờ ngạc nhiên trước mọi tàn lụi hư hỏng. Chăm chú quan sát mọi sự đang xảy ra và giữ cho lòng mình một sự dửng dưng dài dài… ”
Là người kỹ lưỡng trong từng câu chữ và ham đọc, nhưng với truyền hình, nhà văn Tô Hoài chỉ ưu ái các chương trình thời sự. Ông cho biết ngày nào cũng đọc báo, đó là cách một nhà văn lão làng như ông ở độ tuổi này “tiếp cận với thực tế”.
Tết quê cũ và xuân Tây Bắc
Nhà văn Tô Hoài sinh ra và lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô. Ông nói, bấy giờ ăn Tết công phu, lôi thôi lắm và giải thích : Lôi thôi ở đây có nghĩa ngay việc chuẩn bị gói bánh chưng phải mua lá thế nào, rửa lá ra sao, rồi các bà các mẹ chọn từng hạt đậu tròn mẩy làm nhân… nó cầu kỳ và thực công phu.
Tết quê xưa, nhà nhà đều phải gói bánh chưng, bánh gai, có nồi cá kho, cuốn thịt bò, giã giò… Có như thế mới ra không khí ngày Tết. Tết kéo dài tới nửa tháng trời với các lễ hội ở đình chùa. Đó còn là dịp cho thanh niên hẹn hò, giao lưu. Bâng khuâng về thời thanh niên sôi nổi, nhà văn Tô Hoài bảo, thường khoảng mồng 6 Tết là tôi lại hẹn hò với trai gái làng đi chùa. Và đôi mắt đã kém phần tinh tường của ông chừng như xa xăm nhớ lại thời “chỉ toàn những chuyện đẹp và buồn… ” ấy.
Những năm gần đây, niềm háo hức chuẩn bị Tết cũng không còn nhiều, chỉ một ngày cũng đủ sắm cho gia đình xong cái Tết. Là người hoài niệm, sống với những ký ức, nhà văn Tô Hoài nhớ như in không khí Tết cũ, như trong truyện ngắn “Khách nợ” ông kể lại, cứ cuối năm là những nhà giàu lại thuê người đi đòi nợ vào 30 Tết. Hay cảnh giao thừa, chó nhà sợ cúp đuôi chạy hết ra đầu làng khiến gia chủ nháo nhào đuổi bắt, rồi cảnh trương tuần đuổi đánh người trong tiểu thuyết “Quê người”.
Là người từng rất gắn bó với vùng đất Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài có tình cảm đặc biệt với đồng bào Mông, với lối sống của họ, vì thế “Bài ca trên núi” (Lời : Tô Hoài, nhạc : Nguyễn Văn Thương) mang âm hưởng dân ca Mông. Vậy mà ông tự nhận xét ca khúc này “rất nhạc vàng” và bùi ngùi : “Bây giờ bộ phim ấy (phim “Vợ chồng A Phủ” – PV), người ta chỉ nhớ được lời của Tô Hoài và nhạc của ông Nguyễn Văn Thương thôi.”
Từ 1945 đến 1972, nhà văn Tô Hoài được phân công làm phóng viên báo Cứu quốc, ông càng có điều kiện đi sâu nghiên cứu thực tế để vừa viết báo, vừa viết văn. Cũng chính vì được sống với thực tế mà ông đã phát hiện ra những nhân vật cho tác phẩm của mình như nhân vật Kim Đồng có hình mẫu là Vừ A Dính ngoài đời.
Giáp Tết năm 1952, sau giải phóng Nghĩa Lộ, nhà văn cả đời rong ruổi ăn Tết ở đó với bà con Thái, Mường cùng đạo diễn Mai Lộc, rồi lên Tà Sùa ăn Tết với bà con dân tộc Mông. Chặng đường chơi Tết hàng tháng trời. Kết thúc chuyến đi, ông viết được truyện “Vợ chồng A Phủ” mà sau Mai Lộc là đạo diễn phim.
Lại nói tới chuyện năm nay các đại thụ của làng văn nghệ nước nhà cứ lần lượt nối gót “đi xa”, nhà văn Tô Hoài nói : “Ông Khải (cố nhà văn Nguyễn Khải – PV) là người duy tâm lắm. Ông ấy bảo, lẽ ra năm ngoái phải chết rồi nhưng rốt cuộc thì phải đợi đến năm nay&rdq
uo;. Dứt lời, nhà văn của trẻ thơ nay đã ngót 90 kéo chiếc mũ len che đỡ vành tai tránh buốt giá ngày đại hàn…
Thị Nhím – Theo VTC News