Bàng Ái Thơ là ái nữ của nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên; là cháu ruột của nhà thơ Bàng Bá Lân, tác giả của hai câu thơ "Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi" mà nhiều người vẫn nhầm tưởng là ca dao. Sinh ra trong một gia đình có bề dày truyền thống thơ ca và hội họa, cô bé Bàng Ái Thơ bắt đầu làm thơ khi mới lên 8 tuổi, có thơ đăng cùng thời với Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ…

Tác giả Bàng Ái Thơ và tập thơ mới

Cũng ngay từ tuổi thiếu niên, Bàng Ái Thơ bắt đầu làm quen với toan, cọ. Bàng Ái Thơ cùng với các anh chị em: Bàng Sĩ Trực, Bàng Thục Bân, Bàng Phương Chính… tiếp nối cha chú trở thành một đại gia đình nghệ sĩ.

Họa sĩ Bàng Ái Thơ kể rằng, ngày xưa khi mẹ mới sinh chị, cụ thân sinh là nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên, cùng với cụ Kim Lân và cụ Trần Lê Nhân đã chụm đầu lấy cho chị một lá số tử vi. Lá số của chị ứng với câu "Hoàng khuyển ngự tâm hoa", theo quẻ bói Kinh dịch thì được câu: "Hoa niên sơ khai phóng/ Ấu thơ thiêng liêng hà như trân trọng dã" nên đã đặt tên chị trong gia phả là Lý Từ Liên và tên khai sinh là Bàng Ái Thơ. Hai câu thơ trên và tên của Bàng Ái Thơ được cụ Trần Lê Nhân viết bằng chữ Hán lên một chiếc đĩa cổ và cụ Kim Lân xin giữ để khi nào ái Thơ trưởng thành sẽ trao lại. Sau này, Bàng ái Thơ đã nhiều lần đi lại nhà cụ Kim Lân để xin lại nhưng cụ nói rằng đã để lẫn đâu đó không tìm ra. Cụ Bàng Sĩ Nguyên vốn người hay chữ, dạy con làm quen với chữ nghĩa từ rất sớm. Sáng nào cũng vậy, khi nghe tiếng tàu điện leng keng lúc 4h15′ sáng đi qua Chợ Hôm, nơi gia đình cư ngụ lúc đó, cụ đã gọi các con dậy đọc sách. Bàng Ái Thơ khi mới 8 tuổi đã biết chọn những cuốn sách hay để đọc và những câu "văn vần tả chân" (theo như nhận xét của cha) của Bàng Ái Thơ cũng ra đời từ khi ấy. Đến khi học lên cấp 2, chị theo học lớp năng khiếu hội họa ở phố Hàm Long và học vẽ từ cha.

Nhân chuyện về thân phụ mình – cụ Bàng Sĩ Nguyên – chị kể thêm, cách đây hai năm, cụ Nguyên (hiện sống một mình tại TP.Hồ Chí Minh) bị một trong các học trò của mình mở két lấy sạch tiền, vàng, đôla… số tiền cụ chắt chiu cả đời từ bán tranh, tiền các giải thưởng văn học, nhuận bút và tiền các con biếu. Chính cụ cũng không biết là cụ có bao nhiêu tiền và mất lúc nào nhưng khi phát hiện ra, cụ gầy sọp đi và phát ốm. Các đồng chí công an trong khi làm nhiệm vụ thấy sức khỏe và tinh thần của cụ không được tốt nên đã đưa cụ ra Hà Nội với các con. Vừa nhìn thấy con gái, cụ đã khóc òa: "Các con ơi, bố ra tạ tội với các con đây!" khiến Bàng Ái Thơ phải mất nhiều ngày động viên an ủi bố: "Trước hết, bố không có tội gì với chúng con cả, vì đó là tiền của bố. Mà bố cũng không biết bố có bao nhiêu, bây giờ mất rồi thì cứ coi như không có là xong thôi mà! Còn người là được rồi". Nhưng trong số các con, cũng có người giận dỗi: "Ai bảo ông cứ giấu…

Cụ Bàng Sĩ Nguyên ra ở với con gái gần một năm rồi mới quay trở lại Sài Gòn. Trong thời gian ấy, thỉnh thoảng ông cụ lại ngồi bần thần vì tiếc của, giơ ngón tay cái lên hỏi con: "Cái miếng vàng bằng thế này là bao nhiêu hả con?"(chẳng là khi cụ có tiền thường nhờ người đi mua vàng miếng cất vào két và cũng không biết đó là bao nhiêu lượng), chị Thơ cũng đành lắc đầu chịu không biết. Trở về nhà mình, thỉnh thoảng nhớ các con, ông cụ lại làm thơ về con và gửi ra theo đường bưu điện. Thỉnh thoảng, Bàng Ái Thơ cũng nhận được một lá thư như thế. Qua thơ bố, chị biết rằng ông cụ tự hào có con gái nối được nghiệp cha, đến được với cả hội họa và thơ.

Bàng Ái Thơ kể cho tôi nghe cuộc hôn nhân đầu tiên của mình với một quân nhân, khi ấy chị mới 22 tuổi. Lấy chồng do mai mối, chẳng bao lâu chị phát hiện ra "độ vênh" giữa hai người. Bất hạnh hơn khi con trai đầu lòng của Bàng Ái Thơ qua đời. Sự đau khổ cùng cực đã khiến chị phát điên. Có buổi, chị chạy bộ từ Hà Nội về quê chồng ở Chương Mỹ (Hà Tây), ra cánh đồng nơi chôn cất con trai xấu số của mình. Bằng trái tim đau và đôi bàn tay điên dại của mình, chị đã đào bới đến quá nửa phần mộ con cho đến khi người làng phát hiện ra. Chị vào chùa ở, định xuống tóc đi tu để đoạn tuyệt với trần ai đau khổ và kết thúc mối duyên vợ chồng nhiều ngang trái kia. Thế nhưng, nợ hồng trần vẫn còn, chị không hề biết rằng mình đang mang trong mình một giọt máu thứ hai. Cho đến hôm nay, chị nói chuyện mà vẫn còn ngậm ngùi: "Cháu Trang số nó được làm người. Chứ mình ốm đau bệnh tật, điên dại thế, cũng có biết là có mang đâu!".

Sáu tháng sau, khi cái thai đã lớn và bệnh tình của chị cũng bớt nhiều, Bàng Ái Thơ trở về nhà và sinh con gái Hà Thùy Trang. Do sinh thiếu tháng, nên việc nuôi cháu rất vất vả. Những lúc cháu đau ốm, chị phải đối diện với nỗi sợ hãi có thể mất con. Chị quyết định phải có cho mình một đứa con nữa, và đó là bé gái Hà Thu Phương rồi vợ chồng chị mới chính thức chia tay nhau đường ai nấy đi. Bởi chị biết rằng, chỉ những đứa con mới là tài sản của riêng mình, là niềm an ủi sau cùng của cuộc đời.

Trong những đêm cô đơn tột cùng, chị ôm hai con gái vào lòng mà nói: "Mẹ buồn quá, tim mẹ nó cứ rung rung trong ngực này, chỉ trực khóc thôi. Mẹ thèm được tựa vào vai một người đàn ông, mẹ thèm được khóc trên vai một người đàn ông để thấy rằng mẹ là phụ nữ mà chưa bao giờ có được hạnh phúc nhỏ nhoi ấy…".

Một tác phẩm hội hoạ của Bàng Ái Thơ.

Người chồng thứ hai của chị là một người tốt, rất yêu chị. Nhưng có lẽ vì yêu quá mà anh lúc nào cũng nơm nớp lo mất chị, không nghĩ ra cách gì kiếm tiền lo cho gia đình để chị bớt cực nhọc. Rồi đến một ngày, anh mất tự tin đến độ nói gì với chị cũng sợ là mình đang nói sai, nên đã chọn cách… im lặng. Và suốt 6 tháng nay Bàng Ái Thơ đã phải thường trực trong bệnh viện để chăm sóc chồng vì anh bị tai biến mạch máu não.

Bàng Ái Thơ nói trong ngậm ngùi:  "Trong nhà mình vừa là đàn ông, vừa là đàn bà, vừa là chủ nhà, vừa là đầy tớ. Mọi việc to nhỏ, lớn bé gì đều đến tay mình. Có lẽ, chỉ có lúc nào được sống cho nghệ thuật chính là lúc được sống cho mình mà thôi!".

Chị vẽ, vẽ khi thanh thản, vẽ khi cần cân bằng lại cuộc sống, vẽ để đẩy những điều không nói được vào tranh. Và chị làm thơ, thơ là tiếng nói tình yêu, là tiếng lòng tâm sự, là trải nghiệm và là những dự cảm của chị trước cuộc đời. Chị tâm sự: "Có người cho rằng, giá mà mình cũng biết… biết ngoại tình thì có lẽ đã ít nhiều biết hạnh phúc là gì. Nhưng hai chữ "ngoại tình" với mình không có, dù xung quanh mình vẫn có các anh, các bạn ngưỡng mộ, yêu thương. Có lần mình hỏi vui các con: "Bây giờ mà mẹ… ngoại tình thì các con có thấy mẹ xấu không?". Thì chúng cười mà bảo: "Chúng con mừng cho mẹ ý chứ, nhưng chúng con biết điều đó khó có thể có ở mẹ!".

Bàng Ái Thơ "khoe" với tôi chị sắp xuất bản tập thơ thứ 4, và đây sẽ là một tập thơ đánh dấu sự chuyển biến lớn về bút pháp của chị. Vừa cắm cúi ký tặng tôi hai tập thơ tiếp theo là "Ánh sáng từ viên sỏi" và "Trở lại mình", chị vừa kể rằng, sáng nào cũng vậy, cứ 5 giờ sáng chị đã dậy quét sân, quét vườn, làm việc nhà rồi mới vào phòng làm việc, vừa làm vừa nhấm nháp gói xôi sáng. Mỗi năm, chị lại dành dụm ít tiền từ bán tranh, viết báo, nhuận bút từ thơ để đến Tết lại đi đến những thôn bản xa xôi làm từ thiện. Chị muốn từ bàn tay mình trao cho những người nghèo đồng quà tấm bánh, trao những đồng tiền từ mồ hôi công sức của mình, giúp họ phần nào bớt cực khổ. Số tiền không nhiều, chỉ 10 đến 20 triệu đồng, nhưng chị thấy lòng mình thật ấm áp, thật thanh thản khi trở về nhà chuẩn bị đón một mùa xuân mới lại về…

Theo CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *