Gia đình hạnh phúc của nhà văn Thùy Dương. Ảnh nghệ sĩ cung cấp

Anh Nguyễn Công Phương – chồng của nhà văn Thuỳ Dương – “ưng” bà xã từ khi còn là sinh viên. Hai người là bạn học cấp 3 tại trường Hồng Quang – Hải Dương. Kỷ niệm về mối tình của họ còn đựng đầy trong một chiếc hộp để làm "của hồi môn" cho hai cô con gái. Lúc yêu nhau, chị đã bắt đầu viết văn và có giải thưởng, nhưng anh bảo : "Tôi lấy vợ chứ không lấy nhà văn. Đến cơ quan, ra ngoài xã hội, bà ấy là nhà văn, nhưng về nhà, trước hết phải là một người vợ”. Nghĩa là cũng ngày 3 bữa cơm nước, nội trợ như người ta; là cũng tay hòm chìa khoá, làm nội tướng lo chu toàn nhà cửa; là cũng phải biết căn cơ tính toán chứ không thể mơ mộng hão huyền.

Mà không phải chờ đến lúc được yêu cầu, bản thân các nữ nhà văn ý thức rất rõ vai trò này. Vì vậy, khi được hỏi về những biểu hiện "trái tính trái nết" của một nhà văn trong gia đình, anh Phùng Thế Anh, chồng chị Võ Thị Xuân Hà, nói : “Tôi thấy cô ấy vẫn đảm bảo mọi chức năng của một người vợ, người mẹ trong gia đình. Hơn thế, Hà còn giúp tôi điều hành rất tốt hoạt động của công ty truyền thông Hà Thế. Khi chọn vợ, tôi nghĩ cô ấy là một phụ nữ tốt chứ không quan tâm đến yếu tố nhà văn”. Anh còn khoe từng được chị đan cho một chiếc áo len rất vừa và đẹp.

Cũng phải lòng một nhà thơ vì đức tính tốt và tâm hồn sôi nổi của chị, anh Nguyễn Xuân Phong – chồng Trần Hoàng Thiên Kim – kể : Trước đây, anh không mấy thiện cảm với giới văn nghệ sĩ vì đã ít nhiều tai nghe mắt thấy nhiều ông nhà văn lười tắm, thiếu thực tế và lại có phần “lãng mạn” trong các mối quan hệ. Vì vậy, khi được một người bạn rủ đến Trường Viết văn Nguyễn Du “tăm tia” mấy em xinh xinh, anh đã chối đây đẩy : “Thôi xin ông, tôi không dám dây”. Nhưng số trời run rủn, khi gặp Thiên Kim, anh đã cảm nắng. Cơn cảm nắng kéo dài tới 3 năm yêu nhau và 4 năm chung sống êm đẹp. Giờ đây thì cậu con trai của anh chị đã sắp tròn 2 tuổi rưỡi.

Nhà văn Thùy Dương tiết lộ, vì có duyên thầm nên anh nhà chị ngày xưa được rất nhiều cô để mắt tới, nhưng khi gặp nhau, họ đã cùng bị "sét đánh". "26 năm nay, chúng tôi chưa có xung đột mạnh", anh chia sẻ. Còn chị nói thêm : "Sống với nhà văn đôi lúc cũng hơi bị mặn". Nghe vậy, anh Phương nheo mắt nhìn chị : “Chỉ có tôi chịu được mình vì tôi không thích nhạt".

Yêu người phải cậy đến thơ văn

Vợ chồng nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Ảnh nghệ sĩ cung cấp

Nói “Lấy vợ chứ không lấy nhà văn” không có nghĩa là họ hoàn toàn thờ ơ với công việc của người đầu gối tay ấp với mình. Thực tế, điều ngược lại có phần chính xác hơn. Đặc biệt, thời gian còn tán tỉnh nhau, họ nhiều khi còn phải cố “múa rìu qua mắt thợ” để lọt vào được mắt xanh của người đẹp. Nhà văn Thùy Dương kể, hồi yêu nhau, anh Phương từng làm thơ tặng chị, mà thơ không hề dở. Anh cũng chính là “người vận chuyển” những tác phẩm của chị đến nộp cho Nhà xuất bản Kim Đồng. Anh còn kể lại một kỷ niệm đẹp của hai người : Một lần, khi Thùy Dương nhận được khoản nhuận bút 40 đồng, chị đưa anh 30 đồng để khao bạn. Đến giờ, bạn anh vẫn còn nhắc đến cuộc vui hôm ấy.

Còn anh Thế Anh, tuy là dân kinh doanh, nhưng thời gian đầu mới gắn bó với nhau, chính nhà văn Võ Thị Xuân Hà cũng phải bất ngờ khi đọc những vần thơ mà “dân sale ngang tàng” này viết. Lời đề từ đầu truyện ngắn Cái vạc vàng có đòn khiêng bằng kim khí của chị chính là thơ của anh. Khi được hỏi về các tác phẩm của vợ, anh cho biết : “Đôi khi, tôi cũng đọc và thấy rất ấn tượng, nhưng không góp ý gì vì không dễ thay đổi ý tưởng sáng tác của cô ấy”.

Tuy kính nhi viễn chi với nhà văn, ít đọc thơ, nhưng thời gian tán tỉnh Trần Hoàng Thiên Kim, anh Phong từng tìm cách làm hài lòng người đẹp bằng cách cố gắng học thuộc lòng nhiều vần thơ của chị. Nay được hỏi lại, anh nói : “Giờ thì mình quên mất rồi”. Nhưng anh thừa nhận : “Những vần thơ cô ấy viết tặng tôi, tặng con, đọc nghe rất xúc động”.

Bí quyết giản dị của hạnh phúc

Vợ chồng Trần Hoàng Thiên Kim và cậu con trai nhỏ. Ảnh: Lê Xuân Sơn

Đã có hơn 30 năm gắn bó, vợ chồng anh Công Phương – chị Thùy Dương vẫn ngày ngày ngọt ngào “mình tôi”. Thế Anh và Võ Thị Xuân Hà vẫn sớm tối chia ngọt sẻ bùi về công việc kinh doanh và cuộc sống riêng tư. Trần Hoàng Thiên Kim tâm sự, chính nhờ sống cạnh một người đàn ông ít nói và tôn trọng “nửa tiếng hâm hấp trong ngày” của vợ nên anh chị vẫn giữ được ngọn lửa ấm áp của hôn nhân. Những người đàn ông ấy đã chế ngự được những người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ, có lòng say mê đắm đuối với nghề bằng những nguyên tắc vừa dịu dàng, vừa cương quyết.

Anh Phương chia sẻ, vợ chồng – bất kể là nghề nghiệp gì – cũng là sự kết hợp giữa hai tâm hồn, cá tính khác nhau. Nên để có cuộc sống ấm êm, họ vừa phải tôn trọng khoảng trời riêng của nhau, vừa phải cố gắng tìm được tiếng nói chung với một tinh thần xây dựng. "Điều quan trọng là chúng tôi có chung hai "tác phẩm" quý giá nhất là hai đứa con. Chính chúng gắn kết và giúp chúng tôi hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn" – anh nói. Khi được hỏi về lao động vất vả của nữ nhà văn, anh Phương cho rằng, nghề nào cũng có nỗi vất vả riêng, đã chọn thì không hối tiếc. Tôn trọng công việc của vợ, mỗi khi chị bắt tay vào một tác phẩm mới là anh ý thức được vợ mình đang sắp sửa bước vào thời kỳ “chập cheng lâm thời”. Những lúc ấy, anh một mình một chai bia lên tầng 5, thư thái với nhạc Kitaro và đám cây tự tay trồng. Cũng như vậy, thay vì cằn nhằn, khó chịu vì phải ngủ trong tiếng gõ lách cách và ánh đèn sáng trưng do vợ làm việc về đêm, khi điều kiện kinh tế đã khá hơn, anh Xuân Phong dành hẳn cho Thiên Kim một phòng làm việc riêng để chị thỏa sức tung hoành với những nguồn cảm hứng có thể bung ra bất cứ lúc nào.

Trong cuộc sống nhà văn, một trong những nguyên nhân ít nhiều gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình là nội dung trang văn của các chị. Một lần, trong khi photo bản thảo viết tay cuốn tiểu thuyết mới của chị Thùy Dương, anh Phương vô tình đọc một đoạn miêu tả cảnh hai nhân vật làm tình trong nhà tắm. Anh lắc đầu : “Mình viết gì mà ghê thế, có thôi đi không”. Nhưng khi được vợ giải thích, anh hiểu, đó là trường đoạn cần thiết cho sự khắc họa tính cách nhân vật.

Còn anh Xuân Phong tâm sự : “Tôi biết, có những lúc, để làm thơ, cô ấy hay mường tượng ra hình ảnh những người đàn ông và viết về họ, trong đó có thể chỉ có một chút xíu hình ảnh của tôi thôi. Nhưng tôi không quan tâm tìm hiểu xem cô ấy viết về ai, viết cho ai. Vợ chồng phải tin nhau là chính”.

Tuy nhiên, ngoài chuyện vợ chồng, cuộc sống gia đình cũng gắn liền với nhiều mối quan hệ xã hội. Chị Thùy Dương chia sẻ, một bí quyết quan trọng là làm sao biến bạn bè của vợ, của chồng thành bạn chung của gia đình. Niềm tin giữa anh chị một phần xuất phát từ việc anh hiểu và dễ dàng đánh bạn với giới văn nghệ sĩ. Anh Phương thân thiết với rất nhiều nhà văn – bạn chị. Đặc biệt, nếu anh ngồi cùng với Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khắc Trường, Lê Lựu, Phạm Xuân Nguyên… họ có thể lập thành một bàn nhậu nói suốt ngày không hết chuyện. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng có lần trêu Thùy Dương : “Ngày xưa, ta quý thím năm thì khi gặp, ta quý chồng thím mười”.

Vì vậy, khi trả lời câu hỏi cuối cùng của phóng viên : “Nếu được chọn lại, anh có chọn vợ là nhà văn”, họ – dù coi “vợ là thánh chỉ vua ban” hay “vợ là duyên số trời se” -đều sẵn sàng đi lại con đường mình đã qua.

Hà Linh – Theo eVan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *