Một khóa “Pre-academic” là khóa học ngắn từ vài tuần đến vài tháng, chuẩn bị cho du học sinh trước khi vào chính khóa ở trường đại học – nơi không có đối xử phân biệt, không có ưu tiên chiếu cố gì, nơi mình sẽ tranh đua với đa số là sinh viên bản xứ, vốn quen thuộc với hệ thống giáo dục, môi trường sinh hoạt và ngôn ngữ mẹ đẻ – mọi thứ vốn là “nhà” của chúng. Mình là “khách”, về sau, trong nghiên cứu học tập chưa chắc mèo nào cắn mỉu nào, nhưng buổi ban đầu có sự chuẩn bị để vượt qua những khác biệt ngôn ngữ và văn hóa là rất cần thiết.
Trường chính thức mà tôi sẽ đến học 2 năm cao học là Đại học Wake Forest ở tiểu bang North Carolina, nhưng khóa “Pre-academic” 3 tuần thì ở đại học Loyola ở New Orleans – bang Louisiana. Tháng 7, khi tôi đến New Orleans, trời nóng không thua gì Sài Gòn, cây cối xanh tốt, những con đường quanh trường rợp bóng cây cổ thụ, và nhà cửa bên đường gợi liên tưởng đến những khu nhà Tây ở quận nhứt quận ba. Loyola là một trường tư của Thiên chúa giáo, nằm sát bên một trường tư khác to hơn, nổi tiếng hơn là Đại học Tulane. Đối diện trường là một công viên rộng rãi yên tĩnh dọc bờ sông Mississippi. Có một tuyến xe điện chạy qua trường đến khu phố Tây (French Quarter) là trung tâm đô thị New Orleans, cũng là địa điểm du lịch với nhiều thú vui.
![]() |
Đêm đầu tiên ở trong ký túc xá của trường, tôi không ngủ được. Phòng đủ rộng để kê hai chiếc giường đơn, có hai tủ quần áo riêng, hai cái bàn và hai cái ghế cùng hai cái đèn để bàn, điện thoại và dây cáp để kết nối Internet, lúc đó chưa có Wifi. Người bạn cùng phòng với tôi là chị J. đến từ châu Phi. Chị còn bồn chồn, trăn trở hơn tôi. Nửa đêm chị vùng dậy, bật đèn trần sáng trưng, quì xuống sàn quay vào bức tường trắng toát cầu nguyện, rồi úp mặt xuống giường khóc rung cả thân thể. Tôi hơi lạ lùng lúc đầu, sau đó bối rối, không biết mình nên làm gì. Liệu có quá hờ hững nếu mình cứ nằm im như không biết gì, vờ như ngủ, hay đến bên an ủi chị? Liệu một cái quàng vai có thể bị coi là suồng sã, liệu những câu hỏi để chia sẻ có bị coi là tò mò, liệu một cố gắng thông cảm có thể bị hiểu nhầm là xâm phạm đời tư? Cuối cùng, tôi hành động theo bản tính, hay văn hóa của mình : mạo hiểm sự sẻ chia tình cảm, chứ không thủ thế trong sự an toàn cá nhân.
Tôi quì bên cạnh giường của J., nói khẽ là sẽ ổn thôi. Chị giật mình như chợt nhận ra sự có mặt của tôi trong phòng, nhận thức đó hình như trấn tĩnh chị. Cơn xúc động dịu lại, tiếng khóc ngưng, rồi tiếng thổn thức cũng tắt dần. Chị thì thầm : “Cám ơn”. Tôi không biết nói gì nữa, trở lại giường của mình, nằm thao thức nhìn cái đèn của thiết bị báo động hỏa hoạn gắn trên trần phòng chớp tắt như con đom đóm. Hôm sau, hai chị em đã thân quen, sau ba tuần thì đã tin cậy hiểu biết nhiều. Lúc đó, J. mới thú thật là đêm đầu tiên, nghe nói tôi là người Việt Nam, mà Việt Nam đối với chị là chiến tranh và cộng sản, nên chị sợ quá.
Sự tiếp xúc với con người trong những tình huống như vậy là những bài học giao lưu văn hóa cụ thể. Trong tất cả những điều hay lẫn dở mà tôi học lấy sau này ở đất Mỹ, thì kinh nghiệm tiếp xúc với những người đến từ các nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới là thiết thực nhứt. Cùng khóa “Pre-academic” này có mấy chục người khác ở mấy chục nước khác, mỗi người, dù có chủ ý hay không, cũng thể hiện màu sắc của nền văn hóa riêng mình, cũng như cách thức họ hội nhập, cởi mở san sẻ tiếp thu, hay co cụm bảo thủ, thậm chí cao ngạo tách biệt.
Khóa học này thực ra nhằm giới thiệu văn hóa và luật pháp Mỹ (thế nào là quấy rối tình dục, nếu bị đối xử kỳ thị thì phải làm sao, những quyền lợi cá nhân gì được bảo đảm… ) và các vấn đề liên quan đến học thuật, như việc tranh luận và thuyết trình trong lớp, cách viết bài luận văn, nguyên tắc trích dẫn, thế nào bị coi là đạo văn hay gian lận v.v…
Có thể sự giao lưu văn hóa cũng là một chủ đích khác của việc tập hợp các sinh viên nước ngoài mới đến Mỹ vào các khóa học này. Bởi vì khả năng hội nhập vào một xã hội đa văn hóa như xã hội Mỹ là kỹ năng rất cần thiết. Tuy không có buổi thảo luận nào mang đề tài cụ thể như hướng dẫn cách ứng xử văn hóa, nhưng qua ba tuần lễ chung sống, từ những bỡ ngỡ ban đầu đến những va chạm về sau, mỗi người tự chọn, hay dần dà thích nghi với một thái độ, một quan điểm hội nhập, tiếp biến, bảo thủ, tôn trọng hay hòa đồng văn hóa.
Lý Lan
Theo báo "Sinh viên"