Buổi sáng đầu tiên thức dậy ở Sài Gòn… Ấy là nói ước lệ, vì thực tế không ngủ thì làm sao “thức dậy”? Nhóm sinh viên đến vào lúc nửa đêm, trên 20 giờ đi đường tính từ lúc rời nhà đến khi nhận phòng trong ký túc xá. Vài người ngủ vật vờ được vài tiếng đồng hồ trên máy bay – những giấc ngủ bị ngắt khúc vì những bữa ăn không nuốt nổi, vì phải đứng dậy cho người ngồi bên cạnh đi vệ sinh, vì những thông báo nhắc hành khách cài đai an toàn khi máy bay bay qua vùng thời tiết xấu. Người nào cũng bơ phờ khi bước chân ra khỏi máy bay. Nhưng họ bắt đầu tỉnh táo và căng thẳng dần khi đứng xếp hàng chờ thủ tục nhập cảnh.
 

Họ đã được chuẩn bị, những thông tin chính thức lẫn những điều truyền miệng, và họ đang sẵn sàng trải nghiệm thực tế để có kiến thức trực tiếp (firsthand knowledge). Nhưng bất ngờ vẫn xảy ra. Trước tiên là không có tờ khai hải quan hay nhập cảnh. Ông thầy – vốn đi lại nhiều lần trước đây – đã cẩn thận hướng dẫn học trò của mình là phải khai đem theo máy tính và các đồ điện tử (để khi xuất cảnh được mang chúng trở ra). Tờ khai này thường được phát trên máy bay. Nhưng đến khi máy bay đáp xuống rồi vẫn không thấy ai phát giấy tờ gì. Ông thầy lo lắng, ngỡ mình ngủ quên lúc người ta phát chăng? Nhưng hỏi thì tiếp viên hàng không bảo khỏi. Thầy trò có vẻ băn khoăn. Trên chuyến bay đến nơi transit là Hàn Quốc, họ thấy những người nhập cảnh nước này được phát cho mấy tờ khai. Họ biết khi trở về nước Mỹ cũng sẽ phải điền tờ khai hải quan. Họ nghe nói qua được hải quan Việt Nam khó lắm, có khi phải kèm tiền với tờ khai nhập cảnh. Bây giờ họ khỏi khai báo gì cả, có vẻ “too good to be true”, quá tuyệt để là sự thật.
 

So với việc nhập cảnh vào Mỹ, sắp hàng rồng rắn đã đành, nhân viên di trú thường hỏi vặn vẹo mục đích chuyến đi, lưu lại bao lâu, bắt trình vé máy bay khứ hồi, bắt chụp hình lăn tay, rồi hải quan lục xét hành lý nếu họ nghi ngờ có đem gì đó trong cái danh sách dài những thứ cấm nhập vào Mỹ, từ hhoa trái thịt thà đến vũ khí. Bọn sinh viên này lớn lên ở Mỹ trong thời chiến tranh khủng bố, chấp nhận những biện pháp an ninh chặt chẽ như lợi ích công cộng. Họ đã kiên nhẫn cởi giày, lột áo khoác, đi qua máy kiểm tra ở sân bay SEA-TAC, chịu đựng những bàn tay đeo găng xanh lè sờ soạng bắp chân đến quanh thắt lưng. Họ đã chuẩn bị tinh thần cho một cảnh tương tự khi đến phi trường Tân Sơn Nhất.
 

Nhưng chẳng có gì tương tự cả. Thậm chí những nhân viên tiếp nhận họ nhập cảnh chỉ coi passport và visa, kiểm tra trên máy tính, nhìn mặt họ một cái để nhận diện, có người không buồn mở miệng nói tiếng nào (kể cả tiếng chào). Chỉ có một trục trặc là hành lý của một sinh viên bị thất lạc do người khác nhẫm lẫn xách đi, sau đó đem trả lại theo giải thích của nhân viên sân bay. Không hề gì. Thế là mọi người đi ra cổng. Dừng chân trước rừng người nhấp nhô đứng chờ đón thân nhân, J. nhìn quanh thở khì : “Hi! I’m in Vietnam!”. Chào! Tôi đang ở Việt Nam!
 

Thế lạ họ “thức dậy” vào buổi sáng sau mấy tiếng đồng hồ trăn trở trên chiếc giường lạ với những cảm giác mới lạ. Họ được ông thầy khuyến khích ghi nhật ký. Tất nhiên, tôi không biết họ viết gì, hoặc có viết ra không những cảm xúc họ có thể còn chưa xác định được là gì, hay phải diễn tả ra sao. H. có hình dung được chăng, dù trong mộng mị, hình ảnh cha cô trong trang phục người lính Mỹ, súng ống đầy mình đổ bộ lên mảnh đất này khi ông bằng tuổi cô? A. có tưởng tượng nổi chăng vì sao mẹ cô bằng mọi giá rời khỏi mảnh đất này, để suốt đời đau đáu nhhớ thương, và giờ chỉ trông cho đến ngày về hưu để trở lại sống nơi con hẻm cũ. G. từng trải hơn các bạn trong nhóm, từng đi châu Âu và Nam Mỹ. Nhưng đây là xứ Á châu đầu tiên cô đặt chân đến, với tất cả háo hức được nhìn – nghe – cảm nhận, để có hiểu biết trực tiếp về đất nước và một giai đoạn lịch sử vẫn còn tranh cãi và ảnh hưởng trong văn hóa Mỹ.
 

Buổi sáng đầu tiên đó, họ bước ra đường dưới ánh mặt trời nhiệt đới. Giữa tháng mười hai mà họ đổ mồ hôi đầm đìa sau mấy phút đi bộ, men theo những lề đường ngổn ngang đủ thứ (họ chưa từng thấy trước đây và chưa kịp nhìn kỹ), băng qua những ngã tư ngùn ngụt xe gắn máy chạy đủ kiểu (ngang, dọc, ngược, xuôi, len lách, chen chúc, vọt lên lề đường), đứng ở góc đường chụp hình mãi cảnh trí của một thành phố đang phát triển đầy ấn tượng : một công trình xây dựng đang tiến hành, một nhóm thợ đang chuyền gạch bằng tay như làm xiếc tung hứng và đằng sau là một tòa cao ốc khác đã hoàn chỉnh, thợ trang trí treo lơ lửng như những con nhện để dán mấy bông tuyết mừng Giáng sinh lên cửa kính tầng thứ hai mươi ba mươi. Và họ chắm chú những gương mặt người làm lụng mua bán đi lại trên phố. Ôi, người!
 

Sau mười tuần lễ giao cho sinh viên đọc cả đống sách lịch sử về mối quan hệ Việt Nam và Mỹ, ông giáo sư đã đem chúng đến đây, và bảo : Bây giờ, các em hãy để qua một bên những kiến thức kinh điển, hãy nhập vào cuộc sống nơi đây để tự thu thập lấy kiến thức trực tiếp.

Nhà văn Lý Lan – st

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *