Cuối năm, nhận được mail bất ngờ của một người bạn cũ. Mười năm không gặp, và bây giờ bạn đang ở tận Seoul (Hàn Quốc). Mùa đông xứ Hàn thì lạnh lắm, và mail của bạn mênh mông một nỗi nhớ quê nhà.
“Đêm qua, em gói được năm chiếc bánh chưng, luộc đến 5g sáng thì xong. Nguyên liệu gói bánh thì mang từ Việt Nam sang, để dành từ lâu rồi. Ngồi trước sản phẩm của mình, trong mùi hương bánh Tết, mà vẫn thấy Tết vẫn xa vời vợi. Có bánh chưng thì vẫn chưa phải là có tết… Lần đầu tiên em cảm nhận được điều giản dị này, khi ngồi một mình, trong đêm cực lạnh của Seoul. Bọn em đã quyết định sau khi nhận bằng vào 17/2 (người viết mail vừa bảo vệ luận án tiến sĩ ngành truyền thông – báo chí tại Seoul) sẽ “nhổ neo” về nhà, về bến cũ. Rất nhiều người, nhiều bạn bè ngạc nhiên, và tiếc cho bọn em. Có lúc, chính em cũng thấy tiếc. Nhưng bây giờ, em thấy tự tin hơn, vì những chiếc bánh chưng đêm qua đã nói với em rằng em đang làm đúng. Em là một con Hổ, và em sẽ trở về khu rừng của mình, trong năm Hổ. Em đang rất sung sướng khi nghĩ nghĩ đến điều ấy…”
Ừ, cuối năm, giao thừa, khoảnh khắc lạ lùng mà giản dị trong một chuỗi ngày cắn đuôi nhau. Giao thừa của muôn năm cũ từng ấm sực mùi thuốc pháo. Giao thừa để mình giao hòa với ông bà tổ tiên, với những ẩn giấu âm thầm trong tâm cảm và trời đất. Tiểu vũ trụ hòa vào đại vũ trụ. Hiện tại hòa quyện vào trăm năm, nghìn năm. Giao thừa mênh mang và sâu thẳm.
Rồi vắng tiếng pháo, vì lợi ích chung. Giao thừa bỗng nhiên lặng lẽ hơn. Cuộc sống vẫn chảy xuôi và dồn tụ. Những cây lá đâm chồi, những màu xanh mới cho mỗi năm mới. Giao thừa vẫn thiêng liêng, nhưng trong mênh mông của thời khắc giao thời, vẫn thấy một cái gì đấy mênh mông trống vắng khó tả. Mấy mươi năm cuộc đời vụt vèo, và thời gian đọng lại trong một giây phút sẻ chia của hàng triệu nhịp đập con tim.
Trẻ con lớn lên, người lớn già đi. Rồi mọi thứ sẽ qua đi. Sau đêm giao thừa, là bừng sáng mùng Một. Con lớn rồi, đi xa vi vu rồi trở về, vòng tay chúc Tết cha mẹ. Thấy nẻo cười trên miền nhăn nheo của khuôn mặt hằn dấu thời gian đời cha mẹ, tự nhiên thấy lòng rưng rưng.
Mở máy tính để kết nối với bốn phương trời mười phương đất. Đọc mail của người ở xa ngút ngàn. Lại một nhớ thương xứ sở từ Chicago: “Hai mươi hai năm rồi, đã thành người mang quốc tịch của đất Mỹ, nhưng em vẫn là người Việt anh già ạ. Có một mình, nên cũng không thể gói bánh chưng bánh tét. Nhưng đúng đêm giao thừa Tết mình, trong chung cư, năm nào em cũng ngồi yên tịnh, để khóc. Sự cô độc của kẻ đi xa cũng được phần vợi bớt, và mình tự an ủi rồi mọi nỗi buồn sẽ qua. Em thường bay đi bay lại, nhưng những nơi đi qua thì không thể gọi là nhà”.
Mở một khúc dân ca để lắng lòng trong một khoảnh khắc. Trong ấy là mạ non, là cánh cò chấp chới, là hoa cỏ mùa xuân. Văng vẳng trong lòng khoảnh giao thừa của mấy mươi năm cũ. Mỉm cười trong đêm, để nhẹ nhõm như cơn gió cuối năm nhẹ vụt vèo qua cửa. Rồi lại nghe “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao, để thấy lòng mình chao nghiêng: “Mùa bình thường, mùa vui nay đã về… Người mẹ nhìn đàn con nay đã về…”. Cảm xúc lan toả trong lồng ngực bỗng làm cay cay khoé mắt.
Bao nhiêu khuôn mặt đã gặp trong bốn mươi năm. Bao nhiêu kỷ niệm trong cõi nhớ. Và còn nhiều hơn thế, là những cái đã quên đi không còn dấu vết. Rồi mình sẽ trải qua những hành trình mới. Rồi mình sẽ gặp nhiều khuôn mặt nữa. Nhưng có lẽ, cảm giác về ấu thơ sẽ là bền bỉ nhất. Sẽ không thể nào quên tết đầu tiên biết mặt bố khi non sông liền mạch và bố trở về trong màu quân phục của rừng. Da vẫn còn vương mùi sương gió. Cái tết của hoa đào hồng rực khắp xóm nhỏ bên dòng sông Đáy. Một thằng bé năm tuổi hẳn chưa có ý niệm gì về thời gian và cuộc đời, nên vẻ cười luôn lấp lánh.
Giữa Sài Gòn, ở năm cuối cùng của thập kỷ đầu tiên trong thế kỷ mới, biết rằng bao nhiêu thứ đã thoắt ở đằng sau. Thành phố chợt yên tĩnh, vì hàng triệu người đã chảy về quê, để đêm giao thừa yên lành trong nếp nhà quê mình thân thuộc. Để sáng mùng Một bình yên vòng tay chúc Tết cha mẹ. Và cũng trong khoảnh khắc kỳ lạ ấy, có bao nhiêu người đang khắc khoải mong hành trình trở về. Những con Hổ mong trở lại cánh rừng của mình.
Giao thừa, thắp một nén hương để giao hòa quá khứ, hiện tại, tương lai. Để thấy mình nhỏ nhoi trong thăm thẳm thiên hà. Ừ, về đi bạn cũ, để chiếc bánh chưng ở quê nhà nồng đượm hơn.
Tháng 2.2010
Theo Vũ Thượng – SGTT