Khoa học và thơ. Thật tình, tôi không phải là người đầu tiên ghép hai phạm trù này lại. Tôi đã đinh ninh thơ và khoa học tựa như người đẹp và quái vật trong suốt 40 năm đầu đời, hay ba mươi mấy năm nếu không tính những năm đầu tiên chưa đi học, vì nói cho cùng, nhận thức về thơ và khoa học chủ yếu hình thành từ giáo dục. Nhà trường dạy tôi rằng, khoa học là kiến thức rõ ràng, còn thơ là “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Khoa học là khách quan và phổ quát, còn thơ thì gánh chức năng “chở bao nhiêu đạo” rồi “đâm mấy thằng gian”. Khoa học gia là người nghiêm túc, cần mẫn, thẳng ngay, còn nhà thơ thì say xỉn, ngơ ngáo, điên rồ.
Đinh ninh như vậy, tôi vừa ngáp vừa đi ngơ ngáo trong hành lang trường Đại học Clarkson. Phan Thị Vàng Anh đi bên cạnh càu nhàu : Bây giờ ở Việt Nam mới 2 giờ sáng. Hai giờ sáng đi đọc thơ, có điên rồ không? Tôi thấy còn điên rồ hơn nữa khi những người sẽ nghe chúng tôi nói chuyện về thơ là bọn sinh viên khoa học. Lúc ấy là đầu năm 2000, Vàng Anh và tôi đi dự một Festival về Văn học Nghệ thuật ở phía Bắc tiểu bang New York, và chưa đầy 24 giờ sau hành trình 30 tiếng đồng hồ từ Việt Nam, chúng tôi bị đưa tới lớp học của giáo sư Joseph Duemer. Lúc đi trong hành lang, giáo sư đã giới thiệu ngắn gọn là trường Clarkson là nơi uy tín đào tạo khoa học gia và kỹ sư ở Bắc Mỹ. Đại đa số sinh viên trong lớp sáng tác (creative writing) mà chúng tôi sắp gặp có major (môn học chính) là khoa học.
Vì vậy, sau khi trả lời những câu hỏi của bọn sinh viên về thi hứng, vần điệu, tu từ, vân vân, tôi xin phép hỏi lại một câu. Mấy chục gương mặt sáng sủa, tự tin nhìn tôi sẵn sàng. Tôi hỏi : Tại sao các bạn theo đuổi con đường khoa học kỹ thuật mà còn tìm hiểu thơ ca? Cả lớp ngớ ra, rồi có đứa nhún vai, có đứa hỏi lại : “Tại sao không?”. Sau đó, ông thầy của chúng nói đùa với tôi : Cô là người đầu tiên khiến cho lớp sinh viên xuất sắc ấy nín tịt trước một câu hỏi. Trong ngôi trường đào tạo kỹ sư này, người ta dạy cả văn chương, hội họa, âm nhạc, kịch nghệ, thể thao và những loại hình sáng tạo mới mẻ cấp tiến khác, và sinh viên tự do chọn lớp học không hề thắc mắc tại sao mình bỏ thì giờ học vẽ hay tìm hiểu Mozart khi đã xác định sẽ trở thành kỹ sư Hóa chẳng hạn. Như khi thiết kế khu phòng thí nghiệm giữa khu rừng cây tuyệt đẹp có những lối mòn để đi dạo hay chạy bộ, không ai thắc mắc là những người cặm cụi trong phòng thí nghiệm cả ngày sao lại còn đi dạo khi rừng cây đổi lá hay mặt đất nhú lên vô vàn chồi xuân.
Mặc dù bọn sinh viên nói là : “Chúng tôi sẽ suy nghĩ về câu hỏi này”, tôi biết tôi mới là người phải tìm hiểu về mối quan hệ giữa khoa học và thơ (văn chương và nghệ thuật nói chung). Vừa rồi, tôi gặp một bài báo đăng trên Science Activities ( 01/01/2009) có tựa Marrying the Muse and The Thinker : Poetry as Scientific writing (Hôn phối Nàng Thơ và Nhà tư tưởng : Thơ như sáng tác khoa học). Các tác giả bài báo tường trình một phối hợp thành công giữa một giáo viên hóa học và một giáo viên văn chương ở một trường trung học để dạy những khái niệm khoa học thông qua thơ (thơ thật sự, trong thí dụ dẫn chứng là thơ của John Updike, chứ không phải những câu vần vè để nhớ các định lý hay công thức hóa học). Thay vì phòng học với lủ khủ ống nghiệm, không gian được bố trí lại như một phòng đọc thoải mái, và đề bài tập sau một buổi học về thuộc tính của các chất khí là hãy làm một bài thơ về khí. Sau chút bối rối, học sinh bắt đầu vận dụng kỹ năng trong lớp thơ mà viết bài tập hóa học. Bài báo miêu tả : Học sinh phải vật lộn với kiến thức khoa học để cấu trúc một bài thơ chuyển tải được thông tin khoa học chính xác. Bài làm được đánh giá căn cứ vào tính sáng tạo thơ ca và sự thấu hiểu các nguyên lý khoa học. Qua sáng tác văn học, học sinh đã diễn dịch thành công ngôn ngữ khoa học thành ngôn ngữ ẩn dụ mà không đánh mất tính chính xác khoa học.
Nhưng tại sao phải làm vậy? Mục tiêu không phải nhằm sản xuất thơ, mà bằng quá trình sáng tác văn học rèn luyện kỹ năng nhà khoa học. Bài báo viết : Nhiều khoa học gia tin là sáng tác văn chương, như làm thơ viết truyện, thì không chính xác và chặt chẽ bằng báo cáo khoa học. Nhưng thành tựu gần đây của các nghiên cứu về não cho thấy, báo cáo khoa học và sáng tác văn học có chung những đòi hỏi đối với người viết là thu thập, tổng hợp và tổ chức thông tin (Key, 1994). Trong nghiên cứu khoa học cũng như trong những lĩnh vực khác, viết là quá trình quan trọng nhất để sinh viên xây dựng tri thức, bày tỏ phản ứng cá nhân đối với các vấn đề và gạn lọc các ý tưởng. Thông qua quá trình viết để diễn dịch thông tin ra ngôn từ, sinh viên lấp được khoảng trống giữa hiểu biết đơn thuần và hấp thu tri thức thực sự. Các thể loại sáng tác văn học giúp sinh viên hấp thu tri thức khoa học bằng cách giúp chúng diễn đạt sự suy tư khoa học bằng chính giọng điệu của mình.
Kết luận của bài báo là : Kết quả các bài làm của những lớp khoa học kết hợp văn chương này cho thấy sinh viên có thể thu được lợi ích quan trọng, giúp chúng truyền bá được tri thức khoa học ra ngoài cộng đồng khoa học. Giáo trình phối hợp khoa học và văn học phát huy cả phần bên trái lẫn bên phải của não, tạo ra một cái cầu nối hoạt động khoa học và hoạt động văn học, khiến sinh viên tự tin vào khả năng thấu hiểu những khái niệm khoa học lẫn văn học.
Lý Lan – Tia Sáng